Chiều 28 tháng Chạp, sau một ngày cật lực lau rửa, dọn dẹp nhà cửa để đón Tết, tôi gom ít rác đem bỏ thùng rác công cộng. Song hành cùng tôi là một cháu gái rất xinh, áo quần sành điệu, tuổi chừng 16-17, bê một thùng sách. Lòng lâng lâng, tự hỏi trong khi người người, nhà nhà đang vui với thịt thà, hoa trái…, thì cháu gái này lại mang món quà “độc” đi đâu? Nhưng thật không ngờ, tôi vừa bỏ túi rác vào thùng thì cháu gái cũng ném cả thùng sách vào đó, rồi nhảy chân sáo hòa vào phố chợ.

Quá ngỡ ngàng! Tôi nhặt mấy cuốn sách ra, và càng ngỡ ngàng hơn, bởi thấy toàn sách có giá trị: mấy tập truyện ngắn, sách chuyên khảo, sách chính trị…; gần như đều mới tinh, có nhiều cuốn đóng bìa cứng rất đẹp. Cũng những tập truyện ngắn này của Pautovki (Nga), hay sách của các nhà văn, nhà nghiên cứu khác ở trong nước..., khi ở tầm tuổi của cháu gái, tôi đã phải dành dụm từng đồng tiền ít ỏi cha mẹ cho để tìm mua và đến nay vẫn còn trên giá sách nhà tôi, mặc dù giấy in sách khi đó đen đúa, rẻ tiền.

Vẫn biết tất cả đều thành rác! Ngay cả con người cuối cùng cũng thành “rác”- thành cát bụi! Nhưng “rác người” không phải là rác rưởi. Sách - tri thức của con người cũng không thể là rác rưởi, nên không thể biến sách không dùng thành rác rưởi theo cách như vậy!

Tôi buồn vì hành vi của cháu gái thì ít mà buồn hơn… bởi nhớ lại một lần ông Vũ Ngọc Hoàng (khi còn tại vị Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư) có nói với dân viết lách chúng tôi rằng: “Rất buồn là trong nhà không ít quan to thời nay, chẳng thấy tủ sách đâu, chỉ thấy tủ rượu!”.

Lại nghĩ, những cuốn sách xấu số kia hẳn đã phải nhường chỗ cho những chai rượu tết!

Duy Tường