Quyết định trên được ông Trump đưa ra ngày 20-10, tuyên bố Mỹ rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), còn gọi là Hiệp ước Thủ tiêu tên lửa tầm trung và tầm ngắn. Hiệp ước INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8-12-1987. Theo đó, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500 tới 5.500km).
Đáng lưu ý, khi tuyên bố rút khỏi hiệp ước trên, phía Mỹ cáo buộc Moscow vi phạm các điều khoản đã quy định trong thỏa thuận nhưng không đưa ra lý do cụ thể nào. Như vậy, lý do để rút khỏi Hiệp ước rất mập mờ và ngay bản thân Nga và Mỹ trong những năm gần đây vẫn thường xuyên tranh cãi về việc thực hiện INF và cáo buộc nhau phá vỡ thoả thuận.
Quyết định của Mỹ ngay lập tức vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ không chỉ của Nga mà còn của một số đồng minh của Mỹ. Ngày 21-10, Thứ trưởng Ngoại giao Nga - Sergei Ryabkov gọi kế hoạch của Mỹ là bước đi nguy hiểm; đồng thời tuyên bố nếu Washington tiếp tục có hành động vô trách nhiệm, Nga buộc phải có những biện pháp đáp trả, kể cả bằng quân sự. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga - Konstantin Kosachev tuyên bố Nga sẽ đáp trả hành động trên thực tế của Mỹ sau khi Washington rút khỏi INF. Đức - một đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng bày tỏ quan ngại về quyết định này. Ngoại trưởng Đức - Heiko Maas đã lên tiếng kêu gọi Mỹ cân nhắc cẩn thận những hậu quả, đối với cả châu Âu và các nỗ lực giải trừ vũ khí trong tương lai, khi rút khỏi INF. Ông Maas nhấn mạnh trong suốt 30 năm qua, INF đã trở thành "Một trụ cột quan trọng của cấu trúc an ninh châu Âu". Việc chấm dứt thỏa thuận này có thể tác động tiêu cực tới Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) giữa Nga và Mỹ. Do đó, châu Âu kêu gọi Mỹ cân nhắc những hậu quả tiềm tàng nếu rút khỏi INF.
Nga và Mỹ bất đồng về rất nhiều vấn đề trong thời gian qua, đẩy quan hệ hai nước xuống mức rất thấp. Washington cũng đã áp dụng biện pháp "hăm dọa" nhằm ép buộc Moscowa phải nhượng bộ, đặc biệt trong các vấn đề ổn định chiến lược và an ninh quốc tế. Thế nhưng, hăm dọa đến mức phá vỡ những thỏa thuận mang tính nền tảng để bảo đảm an ninh khu vực và toàn cầu như việc rút khỏi INF lại là một bước đi mạo hiểm.
Vũ khí hạt nhân và các tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân được phát triển từ Chiến tranh thế giới thứ 2 và ngày càng được nâng tầm trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Việc Liên Xô và Mỹ ký INF đã giúp ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang và hạn chế khả năng răn đe hạt nhân. Nếu Hiệp ước này bị Mỹ đơn phương phá bỏ thì mức độ nguy hiểm sẽ tăng lên gấp bội khi nó không chỉ làm tiền đề cho một cuộc chạy đua vũ trang mới giữa Nga và Mỹ mà còn tiếp sức cho các quốc gia có tiềm lực phát triển các loại tên lửa tầm trung và tầm xa của mình trong một thế giới nhiều bất ổn.
Ngọc Hưng