Hỏi: Tôi đang chuẩn bị kết hôn cùng cô H. kém tôi nhiều tuổi. Những năm qua, tôi đã tích lũy và mua sắm được một số tài sản giá trị trong đó có một căn hộ. Tôi dự tính sau ngày cưới sẽ đưa cô H. về sống trong căn hộ tôi mua và sử dụng chung các tài sản. Do ái ngại hoàn cảnh “chồng già vợ trẻ” nên một số bạn bè khuyên tôi không nên nhập tài sản của mình vào khối tài sản chung mà nên để làm tài sản riêng. Bản thân tôi cảm thấy rất khó phân định chung riêng khi mà các tài sản đã đưa vào sử dụng chung. Đề nghị quý Báo cho biết trong trường hợp của tôi thì giải quyết thế nào để vừa đảm bảo được quyền lợi của mình vừa giữ được tình cảm vợ chồng?

Đăng Văn Ngữ - (T.P Vinh, tỉnh Nghệ An)

Trả lời:  Vấn đề anh hỏi hiện đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Do Luật Hôn nhân và gia đình (HNGĐ) năm 2000 quy định chưa rõ ràng về chế độ sở hữu của vợ chồng, thiếu cơ chế công khai minh bạch về tài sản chung, tài sản riêng nên gây nhiều khó khăn khi có tranh chấp. Nay, Điều 47 Luật HNGĐ 2014 quy định rõ việc thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng như sau: “Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn”.

Với quy định của pháp luật như trên, để đảm bảo việc công khai, minh bạch về tài sản chung, tài sản riêng giữa anh và cô H. và giữ gìn hạnh phúc lâu dài thì trước khi kết hôn, anh cần khéo léo trao đổi, thỏa thuận với cô H. những tài sản nào là tài sản chung, tài sản nào là tài sản của riêng anh. Việc thỏa thuận phải được lập thành văn bản trước khi kết hôn có công chứng hoặc chứng thực. Thỏa thuận này có thể được thay đổi sau khi kết hôn. Chỉ như vậy mới có căn cứ pháp lý để bảo vệ quyền lợi của anh khi có tranh chấp xảy ra.

Luật sư  Nguyễn Văn Trượng