Tại trụ sở Hội CCB TP, ông Phạm Duy Huấn, Phó ban Kinh tế Hội (tác giả bộ Quy chế hoạt động của CLB), kể cho tôi nghe ngọn nguồn của phong trào. Ông kể:
-Năm 2009, CLB Môi trường CCB ra đời đầu tiên tại thôn Phong Nam, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng). Hồi đó, thôn Phong Nam là điểm nóng về môi trường, ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng của người dân rất hạn chế. Cống rãnh, hồ ao ngập ngụa rác phế thải, xác súc vật, vừa hôi thối, vừa ruồi, vừa muỗi, giòi, bọ nhung nhúc. Cả thôn Phong Nam bị ô nhiễm khủng khiếp.
Những thùng rác in lời nhắc của CLB môi trường CCB Quang Thành 4B1.Trước tình trạng đó, Chi hội CCB thôn đã họp bàn, báo cáo với Đảng ủy, chính quyền địa phương xin được thành lập CLB Môi trường CCB, để vận động CCB trong thôn gương mẫu đi dọn vệ sinh, thu gom phế thải. Do rác thải lâu ngày không được dọn quá nhiều nên CCB phải dọn liền hàng chục ngày, lập lại môi trường trong sạch trong thôn. Sau này thì một tuần CLB “ra quân” dọn vệ sinh một buổi vào sáng thứ 7; hằng ngày phân công CCB đến các gia đình vận động nhân dân tự giác giữ gìn vệ sinh theo khẩu hiệu “Sạch từ nhà sạch ra ngõ”. Thấy CCB làm, các thanh thiếu niên và bà con nhân dân cũng làm theo, rồi thành phong trào. Sau nhân rộng ra. Đến nay toàn thành phố đã thành lập được 36 CLB Môi trường CCB, hoạt động nền nếp, hiệu quả và hai lần (năm 2013, 2017) Mô hình được nhận giải thưởng “Môi trường Việt Nam” của Bộ Tài nguyên & Môi trường tặng thưởng.
Để đưa Mô hình CLB đi vào hoạt động nền nếp, đúng hướng, năm 2013, Hội CCB Thành phố đã chỉ đạo xây dựng Quy chế hoạt động của CLB, trên cơ sở nguyên tắc chung là: “tự nguyện, tự quản, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật”.
Buổi ra quân của CLB Môi trường CCB
Được ông Huấn giới thiệu, tôi mượn xe máy, vượt hơn 40km đường đồi núi tìm về thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng để được hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động, và vai trò của các CLB Môi trường CCB tại cộng đồng dân cư.
Ông Trần Lanh, Chủ tịch CLB, đón chúng tôi tại trụ sở thôn. Ông hồ hởi kể:
-Thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh thuộc địa bàn miền núi. Do địa hình dân cư thưa, nên cứ chỗ nào có bãi trống là ở đấy thành bãi rác. Lúc đầu bãi rác nhỏ do dân trong thôn đổ ra, thế là các nơi đua nhau đến đổ. Thôn tôi một thời được mệnh danh là “thôn bãi rác”. Học tập CCB thôn Phong Nam, chúng tôi báo cáo, xin thành lập CLB Môi trường CCB thôn Sơn Phước, và tháng 3-2010 được UBND xã Hòa Ninh ra quyết đinh thành lập, cử tôi làm Chủ nhiệm.
Ông Lanh kể:
-Khi CLB mới đi vào hoạt động, bà con trong thôn còn rất thờ ơ với việc bảo vệ môi trường. Thậm chí bà con còn bảo: “Mấy ông CCB rỗi việc”. Nhưng chúng tôi đã xác định, là mình phải gương mẫu làm trước, làm có hiệu quả, rồi mới tuyên truyền, thuyết phục nhân dân được và phải theo chiến thuật “mưa dầm thấm lâu”. Vì thế nên bất cứ mưa hay nắng, đều đặn 3 ngày một lần, CLB lại ra quân quét dọn, khơi thông cống rãnh, thu gom rác thải về tập kết đúng nơi quy định. Đặc biệt là chấn chỉnh các thói quen không đúng về môi trường của bà con. Sau một thời gian dài, hình ảnh các CCB cứ âm thầm, đều đặn quét dọn vệ sinh trước ngôi nhà của chính mình, đã có tác động đến người dân trong thôn. Cứ như vậy, dần dần bà con cùng tham gia với các CCB làm sạch môi trường. Chính vì thế, sau một năm đi vào hoạt động, Ngày “chủ nhật xanh” hằng tháng đã trở thành Ngày hội về môi trường của toàn dân thôn Sơn Phước. Rác thải đã được tập kết đúng nơi quy định, tình trạng vất rác bừa bãi đã không còn nữa. Đặc biệt, CLB Môi trường CCB thôn Sơn Phước đã vận động, xóa bỏ thành công thói quen chăn nuôi bò, lợn, gà tại nhà. Bây giờ toàn thôn đã có khu chăn nuôi gia súc tập trung, cách xa khu vực dân cư tối thiểu 500m.
Rời thôn Sơn Phước chúng tôi xuôi về phường Hòa Khánh bắc, quận Liên Chiểu. Nơi có “CLB Môi trường CCB” Quang Thành 4B1.
Trước đó qua tìm hiểu, chúng tôi được biết địa bàn này nằm sát cạnh khu Công nghiệp Hòa Khánh. Phía đông, là một bãi đất hoang dài “chờ quy hoạch”. Đây là chỗ lý tưởng để người người, nhà nhà đổ trộm các loại rác thải xây dựng, chặn dòng chảy, trữ nước thải của khu công nghiệp làm ô nhiễm toàn bộ ao hồ của phường.
Ông chủ nhiệm CLB Võ Tá Vinh tuy tuổi đã thất tuần, nhưng bước chân vẫn nhanh thoăn thoắt. Giọng xứ Nghệ vẫn âm vang, hào sảng khi đón chúng tôi. Ông nói:
-Trước đây, khi chưa thành lập CLB Môi trường CCB Quang Thành 4B1, thì nơi đây là điểm nóng về môi trường. Đã từng xảy ra mâu thuẫn, xô xát, thậm chí đánh nhau vì rác thải. Năm 2009, khi CLB được thành lập, đồng thời với gương mẫu làm trước, chúng tôi đã đề ra các phương hướng hoạt động mang tính đột phá. Ví dụ, mỗi hộ phải có thùng rác gia đình; đổ rác đúng giờ và xây dựng “Ngày chủ nhật xanh” mỗi tháng một lần và điểm “vệ sinh môi trường” là tiêu chí thi đua của tổ, xóm và hộ gia đình. Kinh phí không có, các CCB phải đi vận động các nhà hảo tâm trên địa bàn giúp đỡ, ủng hộ, người thì mua cho vài thùng rác, người thì in cho mấy băng rôn, khẩu hiệu nhắc nhở mọi người giữ gìn vệ sinh… Dần dần nhận thức về môi trường của nhân dân đã thay đổi. Đến nay bảo vệ môi trường đã trở thành thói quen của nhân dân. Cách làm của CLB Môi trường CCB Quang Thành 4B1, được nhiều nơi khác đến tìm hiểu, học hỏi.
Sáng ngày 3-6-2018, trước khi chia tay Thành phố Đà Nẵng, chúng tôi đi dọc trên con đường ven bờ sông Hàn thơ mộng. Những cây cầu bắc qua sông như vẫn còn đang ngái ngủ. Dưới bãi sông gần chân cầu Thuận Phước vẫn còn đó những vật dụng, máy móc phục vụ cho buổi trình diễn pháo hoa của hai đội Hồng Kông và Ý… Tuy nhiên, điều làm chúng tôi và những du khách ngạc nhiên là trên những góc phố, bãi cỏ, con đường không hề có một cọng rác nhỏ, hay dấu vết của hàng trăm ngàn con người có mặt tại đây tối hôm qua. Ít ai biết rằng, khi các du khách trở về khách sạn, thì đã có hàng trăm người được huy động, làm việc dọn vệ sinh suốt đêm để cho mọi con phố trở nên sạch đẹp trước khi mặt trời ló rạng. Và cũng ít ai được biết trong đoàn người đó, có rất nhiều màu áo xanh CCB đến từ các CLB Môi trường CCB Đà Nẵng. Họ đã âm thầm, tự nguyện cống hiến sức mình cho môi trường của thành phố này.
Chúng tôi chợt nghĩ, nếu mô hình “CLB Môi trường CCB” Thành phố Đà Nẵng được nhân rộng trên cả nước, thì chắc chắn môi trường ở Việt Nam không còn là vấn đề phải suy ngẫm nữa.
Bài, ảnh: Thế Sơn