Anh cho biết: Tỉnh Quảng Trị trải qua hai cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử hiện đại của nước ta. Hơn hết là trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi đây là đất giới tuyến, địch đã xây dựng hàng rào điện tử cùng nhiều khu căn cứ quân sự và đã diễn ra các chiến dịch lớn như cuộc hành quân Lam Sơn 719, chiến dịch Đường 9 - Nam Lào… một khối lượng lớn bom đạn, vật nổ được trút xuống. Riêng trong 81 ngày đêm năm 1972 tại Thành cổ Quảng Trị, địch đã rải 328.000 tấn bom, đạn, tương đương với sức công phá của 7 quả bom nguyên tử. Sau chiến tranh, Quảng Trị có 435/ 446 ngôi làng bị hủy diệt (chỉ còn 11 ngôi làng sót lại), 100% số xã và toàn tỉnh có 391.500 ha/ 474.699,11 ha (khoảng 83,8%) bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ. Tính đến năm 2005, đã có 2.593 người chết và 4.338 người bị thương do bom mìn gây ra (chiếm 1,12% số dân của tỉnh).

Sau chiến tranh, lấy Bộ CHQS làm nòng cốt, tỉnh huy động mọi nguồn lực để khắc phục hậu quả bom mìn và đã dò phá được 23.725 quả bom mìn các loại để phục hồi sản xuất và tái định cư cho nhân dân. Nhưng do phương tiện rà phá thủ công, thô sơ nên độ sâu bị hạn chế. Cứ sau một trận mưa hoặc lũ lớn, bom đạn lại trồi lên hay những công trình, dự án phải đào sâu vào lòng đất thì lại gặp bom mìn. Bom mìn như ma quỷ, thỉnh thoảng lại hiện ra ở nơi này nơi kia rình rập cuộc sống của con người. Từ năm 2008 đến nay, được sự hỗ trợ của các tổ chức phi chính phủ như SODI, MAG, Cây hòa bình… đặc biệt là Chương trình 504 của Chính phủ, Quảng Trị đã rà phá được 150.033 quả bom mìn, vật nổ, giải phóng 9.471 ha đất đai. Riêng dò tìm ở độ sâu 3m được 277.079 quả bom mìn giải phóng 6.520,7 ha. Nhưng Quảng Trị vẫn còn 385.328 ha đất bị ô nhiễm bom mìn. Để rà phá đến độ sâu 3m tính từ mặt đất tự nhiên thì phải có kinh phí từ 10.000 đến 15.000 tỷ đồng. Nếu tốc độ rà phá như ba năm gần đây (mỗi năm từ 2.300 đến 2.500 ha) thì Quảng Trị cần đến 165 năm mới giải quyết xong ô nhiễm bom mìn!

Những nơi đã dò phá xong bom mìn, các địa phương đưa vào khai thác phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân như thị xã Quảng Trị có 605 ha, giao 5 ha cho 36 hộ dân tái định cư, 600 ha trồng cây công nghiệp; huyện Cam Lộ có 797 ha, giao 96 ha cho 45 gia đình tái định cư và 701 ha sản xuất, kinh doanh; huyện Hải Lăng có 869 ha, giao 200 ha cho 265 hộ dân và 669 ha trồng cây công nghiệp… Cứ giải phóng được thước đất nào thì đưa ngay vào sử dụng, mầm xanh cuộc sống cứ mở rộng từng ngày. Đoàn chúng tôi ai cũng bùi ngùi trước gia cảnh của chị Hồ Thị Xuân, 42 tuổi, người Vân Kiều, ở khóm 1, thị trấn Ka Rông Ka Lang, huyện Đắc K’rông. Một ngày của năm 2009, chồng chị là anh Hồ Văn Nguyên lên rẫy trồng chuối, không may cuốc phải mìn, chết tại chỗ, để lại cho chị hai bố mẹ già ngoài 70 tuổi và năm người con, con út nay 4 tuổi. Nhưng trong đau thương mất mát ấy, các con đã ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, làm ăn giúp đỡ mẹ và ông bà. Quê hương đã được rà phá bom mìn, chị cũng trồng 0,5 ha cây tràm trên mảnh đất của gia đình. Anh Trần Quốc Khánh, Chủ tịch UBND thị trấn cho biết: Ka Rông Ka Lang rộng 1.841,2 ha, rà phá bom mìn mới được 504 ha (1/3 diện tích) và quy hoạch cấp cho nhân dân làm nhà ở, trồng sắn, đậu, chuối, tràm và cây keo để xóa nghèo và phát triển kinh tế. Một trong những gia đình đông khẩu nhất là nhà ông Hồ Văn Hòa (12 người); thuộc diện nghèo ở tổ 5, thôn A Rồng, được UBND TP Hà Nội xây tặng nhà tình nghĩa. Sau khi được giao đất đã rà phá xong bom mìn, ông trồng 1 ha tràm, 2 sào ruộng, kết hợp chăn nuôi, làm vườn nay đã đủ ăn… Xung quanh thôn là những quả đồi nhỏ, nhấp nhô như bát úp, trên đó là cây keo, cây tràm trồng thẳng lối, tuy mới 2 - 3 năm tuổi nhưng màu xanh của nó như đang mở ra niềm hy vọng một cuộc sống ấm no.

Bước ra khỏi cuộc chiến tranh, Vĩnh Linh chỉ có hai bàn tay trắng và đất trộn lẫn với đạn bom. Đến nay cơ cấu kinh tế của huyện đã phát triển mạnh mẽ; thương mại, dịch vụ chiếm 33,4%. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ngày càng tăng, từ 239 tỷ đồng (năm 2005) nay đạt trên 886 tỷ đồng. Số cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ từ 2.229 cơ sở (năm 2005) nay có trên 3.300 cơ sở. Số người kinh doanh thương mại dịch vụ từ 3.295 người đến nay đã có trên 5.000 người, tạo việc làm ổn định cho hàng ngàn lao động. Nói đến Vĩnh Linh là nói đến cây cao su, đang là mũi nhọn trong phát triển nông nghiệp của địa phương. Từ “Chương trình phát triển cao su tiểu điền”, 18 năm triển khai thực hiện, diện tích cao su tiểu điền tăng từ 636 ha (năm 1994) lên 6.056 ha (năm 2011) và khẳng định vị trí là loại cây có giá trị kinh tế cao, gấp từ 3-5 lần so với các loại cây khác trên cùng một diện tích. Năm 2008, với 4.200 ha cao su tiểu điền, cho sản lượng 6.000 tấn mủ, đạt trên 180 tỷ đồng, chiếm gần 50% giá trị kinh tế nông nghiệp trên toàn huyện.

Những lợi thế về vị trí địa lý và đất đai không còn ô nhiễm bom mìn đang tạo cho Quảng Trị một nền tảng rất cơ bản để phát triển kinh tế xã hội. Đó là các khu công nghiệp Quán Ngang và Nam Đông Hà đang được xây dựng với 341 ha thuộc trung tâm của tỉnh; phía tây là khu kinh tế thương mại đặc biệt Lao Bảo với nước bạn Lào, khu kinh tế biển Đông Nam với chiều dài 75km và khu cảng nước sâu Mỹ Thủy… đang mở ra cho mảnh đất anh hùng vươn lên trong thời kỳ CNH, HĐH đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Bài và ảnh: AN HÀ