Năm nào cũng vậy, trước ngày giỗ đồng đội một ngày, chẳng hẹn nhưng những người lính già sống sót trong trận chiến năm ấy lại gặp gỡ để cùng trở về Pò Hèn vào ngày 17/2
Cứ đến ngày giỗ của đồng đội đã khuất, những người lính còn sống sót trong trận chiến năm ấy lại cùng nhau về với Pò Hèn để thắp nén hương thơm tưởng nhớ và ôn lại chuyện cũ dù âm dương cách biệt.
Trắng đêm ôn chuyện để chờ gặp đồng đội
Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày 16/2 là ngôi nhà nhỏ nằm trên con đường đi Trà Cổ, thuộc TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh của ông Hoàng Như Lý (trinh sát Đồn Pò Hèn, lực lượng Công an Nhân dân Vũ Trang năm 1979) lại đông người hơn thường ngày. Họ chính là những người lính thuộc Đồn Pò Hèn trong đó có những người lính sống sót trong trận chiến năm ấy tìm về để hôm sau (ngày 17/2) cùng nhau đến với Pò Hèn, nơi có những đồng đội của họ đã ngã xuống.
Năm nay cũng vậy, từ chiều ngày 16/2, anh nuôi Trần Văn Nhặt, chiến sĩ Trạm KSCK Pò Hèn Lê Văn Thứ và Chính trị viên (sau 17/2/1979) Nguyễn Văn Nhỉ đã tề tựu tại nhà ông Hoàng Như Lý. Cuộc gặp diễn ra trong mừng mừng tủi tủi với những cái ôm ấm áp cùng vòng tay siết chặt.
Chiều muộn, mâm cơm được dọn lên với những món dân dã do chính tay vợ ông Lý chuẩn bị kèm theo một bình rượu nhỏ để ông cùng đồng đội nhâm nhi chuyện trò. Suốt bữa cơm, câu chuyện của 4 người lính già chỉ xoay quanh những ngày tháng không quên ấy. Và chúng tôi biết họ sẽ lại trắng đêm cùng nhau ôn lại chuyện cũ, hồi hộp mong đợi cuộc gặp gỡ với đồng đội vào ngày hôm nay tại Pò Hèn như bao lần gặp vẫn vậy.
Ông Hoàng Như Lý cho biết, cuộc gặp gỡ năm nay vì một số lý do nên chỉ gói gọn ở những người tham gia trận chiến năm đó. Lịch trình cũng được ông chia sẻ, 4 người họ xuất phát từ TP Móng Cái lúc 8h để đến với Pò Hèn.
“Chúng tôi sẽ thắp hương, dâng lễ cúng mặn tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Pò Hèn và cùng nhau ôn lại trận chiến năm ấy như mọi năm. Rồi nán lại ăn cơm trưa tại quán hàng nằm ngay lối rẽ vào Đài tưởng niệm. Với chúng tôi, bữa cơm này rất đặc biệt vì có anh em cả âm và cả dương cho hài hòa. Bữa cơm cũng là để chia tay người ở, người về vì tôi luôn cảm nhận nếu làm lễ xong mà về luôn anh em đồng đội sẽ buồn và giận”, ông Lý nói.
Đồn trưởng Pò Hèn Nguyễn Thành Lê cũng cho chúng tôi biết, ngày 21 âm lịch (14/2), Đồn cũng đã tổ chức lễ giỗ chung cho những cán bộ, chiến sĩ hy sinh năm đó. “Đây cũng là một việc mà năm nào chúng tôi cũng thực hiện để tưởng nhớ, tri ân những người lính đã hy sinh bảo vệ biên cương của Tổ quốc”, Đồn trưởng Lê chia sẻ.
Trước đó vào ngày 4 Tết Nguyên đán, nhân dịp đầu xuân và kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký cũng đã đến dâng hương tưởng niệm và trồng cây lưu niệm tại Đài tưởng niệm các Liệt sĩ Pò Hèn.
Thiêng liêng tình đồng đội
Nhiều năm qua, những người dân sinh sống gần khu Đài tưởng niệm các chiến sĩ Đồn Pò Hèn hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ biên giới ngày 17/2/1979 ở xã Hải Sơn đã quá quen thuộc với hình ảnh một người đàn ông cứ đến dịp tuần, rằm, lễ, tết là lặng lẽ đến thắp hương và ngồi rất lâu bên những tấm bia khắc tên những liệt sĩ như trò chuyện gì đó rồi mới chịu ra về. Người đàn ông đó chính là ông Hoàng Như Lý.
Năm nay cũng vậy, vào ngày 29 tết âm lịch, ông lại tự tay sửa soạn mâm cơm mang lên Pò Hèn để cúng tất niên và cũng là để mời anh em đồng đội về ăn chung tết cổ truyền.
Trước đó, vào cuối năm 2019, khi cuốn sách “Hiên ngang Pò Hèn, ký ức còn mãi” do chính tay ông viết về trận chiến năm ấy vừa được xuất bản, ông cũng mang lên Pò Hèn để làm lễ báo nghĩa với đồng đội rồi mới tặng cho các đơn vị.
Chia sẻ về cuốn sách, ông Hoàng Như Lý cho biết: “Xuất phát từ tâm tư của anh em đồng đội cũng như ước nguyện của bản thân vì tuổi cao, sức yếu, thương tật tái phát chẳng biết sống được ngày nào nên muốn hồi tưởng, chắt chiu…để viết lại thành cuốn sách. Âu cũng là hoàn thành tâm nguyện của anh em, làm vui lòng bản thân và cũng là để thế hệ con cháu mai sau được biết đến tinh thần chiến đấu dũng cảm bảo vệ biên cương Tổ quốc của thế hệ đi trước”.
Từng được gặp gỡ và đồng hành với ông Hoàng Như Lý đến với Pò Hèn, người viết bài đã rất kinh ngạc khi ông có thể nhớ như in từng khu vực, từng điểm chốt mỗi đồng đội đã ngã xuống... và từ đầu năm 1997, ông bắt đầu hành trình tìm lại từng phần mộ của đồng đội. Quá trình kiếm tìm ấy đã giúp ông nắm rõ đồng đội ông đang yên nghỉ ở đâu.
“Bùi Văn Lượng cùng 5 đồng đội đã hy sinh tại Chốt Trạm kiểm soát, Đồi Quế là nơi 6 anh em nằm xuống, Chính trị viên trưởng Phạm Xuân Tảo hy sinh ngay tại khu vực chân Đồi Quế… Liệt sĩ Nguyễn Mạnh Hà dù được đưa về nghĩa trang Hà Tu, TP Hạ Long từ lâu nhưng người nhà nhiều năm không tìm được vì bia mộ lại ghi tên Nguyễn Mạnh Thọ…” - ông Lý luôn nhắc tên từng đồng đội như vậy.
Lý giải với chúng tôi về việc tại sao có thể nhớ, có thể bền bỉ tìm kiếm đồng đội, có thể làm được nhiều việc đến như vậy ông Lý cho biết, tất cả đều xuất phát từ tình đồng đội thiêng liêng, cao cả.
Cũng như ông đã từng bày tỏ với chúng tôi: “Nếu không có anh em đã ngã xuống chở che, độ trì thì sao tôi có thể làm việc gì cũng thuận lợi đến như vậy? Thế mới nói chúng tôi hệt như chưa bao giờ âm dương cách biệt! Ngày 17/2 năm nào, chúng tôi cũng lại được gặp nhau tại đỉnh Pò Hèn, nơi khí thiêng đã trở nên bất tử suốt nhiều năm qua và sẽ ôn lại tình đồng đội, sẽ kể cho nhau những gì đã làm được và sẽ còn phải làm…”.
Theo lịch sử Đảng bộ xã Hải Sơn, TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh, rạng sáng ngày 17/2/1979, phía Trung Quốc mở cuộc tấn công ồ ạt trên toàn tuyến biên giới phía Bắc từ Lai Châu đến Quảng Ninh. Trên địa bàn huyện Hải Ninh, chúng dùng pháo cối hạng nặng và các loại súng đại liên, trung liên bắn dữ dội vào nhiều vị trí của ta, trong đó có Đồn Biên phòng 209, chỗ ở của các đội công nhân lâm nghiệp Hải Sơn và các khu dân cư dọc tuyến biên giới từ xã Lục Lằm đến Bắc Phong Sinh.
Tại Đồn 209, vào lúc 4h43’cùng ngày, địch dùng các loại hỏa lực như: súng cối 120ly, 82ly…bắn dồn dập vào khu vực trận địa chiến đầu của đồn. Sau khoảng 30’ bắn cấp tập, khoảng 2.000 lính đối phương tràn sang. Trong khi lực lượng của đồn lúc này chỉ có hơn 60 người nên dù đã kiên cường chiến đấu, tiêu diệt và bắn bị thương nhiều tên khác nhưng do không cân sức dẫn đến đại bộ phận lực lượng của đồn đã hy sinh anh dũng.
Cũng theo lịch sử Đảng bộ xã, chiều tối ngày 17/2, Trung đoàn tự vệ nông trường đã cử 2 trung đội cơ động đến khu vực Đồn 209 để nắm tình hình. Nhận thấy dấu hiệu địch phục kích tại đây, để tránh thương vong, lực của ta ém lại nằm chờ. Đến đêm 20/2/1979, khi nhận thấy đã an toàn, lực lượng của ta nhanh chóng vào đồn, tập kết và đưa thi hài các chiến sĩ ra ngoài.
An Nhiên