Quảng cáo “nước mía khổng lồ…, nước mía siêu sạch”…liệu có sạch? (ảnh minh họa internet)

Trong những năm gần đây, cùng với thực trạng “ô nhiễm” tràn lan về thực phẩm, đồ uống, từ khâu sản xuất, chế biến cho tới tiêu dùng, thì nhu cầu tìm kiếm các loại thức ăn, đồ uống sạch, an toàn sức khỏe, có nguồn gốc rõ ràng... là tiêu chí hàng đầu trong lựa chọn của mọi người dân! Chính vì muốn đảm bảo cho sức khỏe, sự an toàn của các thành viên mà nhiều gia đình sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền để săn lùng, tìm mua thực phẩm sạch, nghĩa là họ chấp nhận trả giá đắt hơn nhiều lần giá trị thực của loại thực phẩm, đồ uống đó, miễn sao nó không bị... “bẩn”, bị ô nhiễm!

“Sạch”, “siêu sạch” liệu… có sạch?

Nắm bắt nhu cầu ấy nên xã hội xuất hiện ngày càng nhiều các cửa hàng, cửa hiệu chuyên kinh doanh đồ ăn, thức uống treo biển “sạch”, thậm chí là “siêu sạch” để… “câu” khách! Thực ra thì các cửa hiệu bán thực phẩm, đồ uống sạch với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, quy trình sản xuất an toàn, chất lượng đảm bảo... là có thật, chứ không phải là không có. Tuy nhiên, cũng có không ít người nhân cơ hội, vì tiền nên sẵn sàng bất chấp  sự gian dối để lừa gạt người tiêu dùng bằng hình thức cũng trương lên trước cửa hiệu kinh doanh của mình tấm bảng, biển gắn liền với tính từ... “sạch”, “siêu sạch”, trong khi thực tế thì nguồn gốc thực phẩm, đồ uống họ bán lại không có nguồn gốc rõ ràng, không có gì là đảm bảo rằng nó là... sạch! Nhiều người còn làm cái việc quá bất nhân khi mua thực phẩm bẩn, rau bẩn, đồ uống bẩn, ôi thiu trôi nổi ngoài thị trường với giá rẻ mạt, rồi sau đó trương mác “sạch” bán trong cửa hiệu thu lời gấp cả nhiều lần giá gốc bỏ ra. Hẳn chúng ta đều thấy những năm gần đây tại bất cứ một thành phố nào, thậm chí là cả ở nhiều thị trấn, thị tứ ở các tỉnh thành của nước ta thì các cửa hiệu rau sạch, thịt sạch, đồ uống mà tiêu biểu là nước mía sạch..., mọc lên nhan nhản. Có cửa hiệu muốn chơi trội, chơi nổi, và để thu hút người tiêu dùng, nên họ không chỉ gắn từ “sạch” bình thường, mà còn đi kèm thêm vào đó cụm từ “siêu sạch” với mong muốn “thượng đế” mua hàng an tâm…!

Tôi từng quan sát thấy nhiều cửa hiệu ngoài phố bán nước mía ở vỉa hè có trương biển là: “Nước mía siêu sạch”! Nhưng thực tế thì nó đâu có... sạch như người ta nhìn thấy qua tấm biển hiệu kia đâu, mà cung cách chế biến của chủ nhân các cửa hiệu này cũng đâu có khác bất kỳ các hiệu nước mía khác, khi cũng dùng tay không cạo mía, xay mía, rồi ly nhựa thì cũng là loại mua ngoài chợ mà không ai biết được chúng có an toàn khi được tái chế từ nhựa tạp chất…(?!). Đó còn chưa kể một số cửa hiệu đặt máy xay mía ở lề đường, vỉa hè với bụi đường cuộn bay mùa mịt suốt ngày, trong khi chủ nhân không hề che đậy gì cả. Rồi thì, qua mỗi ngày xay mía bán, liệu có mấy chủ hiệu rửa máy được sạch sẽ để làm nên món nước mía mà họ nói là “siêu sạch” phục vụ người tiêu dùng(?!).

Cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc buôn bán thực phẩm!

Kể ra chuyện này hẳn một số người sẽ không tin, cho tôi là bịa chuyện..., nhưng nó hoàn toàn có thật 100%! Đó là một cửa hàng chuyên doanh “rau sạch” gần khu phố tôi sinh sống, khi tôi biết nguồn rau quả bán hằng ngày tại quầy bà chủ cửa hàng đều mỗi đêm ra chợ đầu mối để lựa mua, mà như chúng ta hiểu rằng đã là rau ngoài chợ thì đâu có biết chúng được trồng ở đâu, khi sản xuất chúng có dùng thuốc hóa học, ngâm tẩm hóa chất bảo quản nhiều hay ít(?!)... Như vậy thì đâu còn có thể gọi là rau sạch được nữa! Ấy vậy mà nhiều khách hàng vẫn bị mắc lừa vì cái mác “rau sạch” khi bỏ tiền ra đắt gấp mấy lần, và tưởng mua được sự an toàn, nào ngờ thực tế thì vẫn bị ăn rau... bẩn. Kinh doanh như vậy đúng là tráo trợn, lừa dối, thậm chí là bất nhân...

Rồi thì ai mà dám chắc các quầy treo biển bán thịt heo sạch, cá sạch, gà sạch... có bán thực phẩm bẩn hay không(?!). Cái đó có lẽ chỉ có chủ nhân của các quầy, cửa hiệu kinh doanh thực phẩm mới biết, mới trả lời được, mà ta chỉ có thể hiểu nôm na rằng, trong xã hội mà sức mạnh của đồng tiền là ghê gớm như hiện nay thì không ít kẻ sẵn sàng đánh đổi lương tâm đạo đức, sự thật thà chỉ để có tiền lời nhiều mà thôi.

Quá lạm dụng tính từ “sạch”, “siêu sạch” trong kinh doanh thực phẩm, đồ uống như hiện nay đã, đang là mốt, là trào lưu ở nước ta. Việc ngày càng có các cửa hiệu, quầy kinh doanh rau, thực phẩm, đồ uống sạch là rất thuận tiện, tốt cho người tiêu dùng, bởi người dân sẽ dễ dàng tiếp cận được với nguồn thực phẩm, đồ uống mang lại sự an toàn cho sức khỏe gia đình và bản thân. Tuy nhiên, khi những kẻ trục lợi vì tiền, nhân cơ hội để lừa dối người tiêu dùng bằng sản phẩm bẩn, trôi nổi, không đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm là phạm pháp. Tại Điều 5, Luật An toàn thực phẩm được quy định những sản phẩm không đạt chuẩn “sạch” mà tự gắn mác “sạch” vào thì bị coi là hành vi “quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng”. Đó là 1 trong 13 hành vi bị cấm trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Hành vi vi phạm nếu bị cơ quan chức năng phát hiện có thể bị xử phạt hành chính. Còn nếu bị người tiêu dùng phát hiện có thể bị khiếu nại lên cơ quan chức năng, hay bị khởi kiện ra tòa, tùy theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị xử lý. Mặc dù vậy đến nay có mấy ai thực hiện.

Từ thực trạng lạm dụng tính từ “sạch” trong kinh doanh thực phẩm, đồ uống nêu trên, rất mong các cơ quan chức năng cần vào cuộc nghiêm túc và phải kiểm duyệt, kiểm tra, giám sát chặt chẽ để khi phát hiện cơ sở nào lừa dối người tiêu dùng, bán thực phẩm đồ uống... trôi nổi, bẩn mà vẫn treo biển hiệu “sạch” thì phải xử lý “mạnh tay”. Bởi nếu không lập lại trật tự, không làm nghiêm mà vẫn thả nổi thị trường như bấy lâu nay thì xã hội sẽ bị loạn bởi sự thật - giả; bẩn - sạch nguồn gốc thực phẩm, đồ uống, và đối tượng bị thiệt thòi, bị lừa gạt chính là người tiêu dùng...

BS. Lê Thị Thu Tâm (Viện Dinh dưỡng)