Việt Nam tổ chức thành công Giải bắn súng quân dụng Lục quân Quân đội các nước ASEAN lần thứ 24, năm 2014.

Sau hơn 20 năm tham gia tổ chức ASEAN, Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng và để lại nhiều dấu ấn được cộng đồng ASEAN và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Trong đó, hoạt động quân sự, quốc phòng được triển khai tích cực, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng tạo nên một cộng đồng các quốc gia Đông Nam Á hòa bình, ổn định và hữu nghị. Về vấn đề này, phóng viên Báo CCB Việt Nam có cuộc trao đổi với Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng - Viện trưởng Viện Quan hệ quốc tế về quốc phòng. Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.  

PV: Thưa đồng chí, Việt Nam gia nhập tổ chức ASEAN đã được 24 năm, nhưng đối ngoại quốc phòng thường đi sau các lĩnh vực khác. Vậy tiến trình Việt Nam tham gia tổ chức này trên bình diện quốc phòng được thực hiện như thế nào?  

Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng: Kênh hợp tác quân sự, quốc phòng của các nước ASEAN ra đời vào năm 2001, cho đến năm 2006 thì Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mới chính thức được tổ chức. Như vậy, Việt Nam tham gia ngay từ đầu cơ chế hợp tác này. Ban đầu, chúng ta đã chủ động, tích cực nhưng ở mức độ vừa phải; đến tham dự, học hỏi là chính. Sau này, khi tham gia chính thức, Việt Nam đã có những ý kiến, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề an ninh khu vực. Cách tiếp cận rất thận trọng, chắc chắn nhưng có trách nhiệm và được ghi nhận trong cộng đồng ASEAN.

PV: Năm 2010, khi Việt Nam là Chủ tịch ASEAN, lần đầu tiên chúng ta tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN lần thứ tư. Thiếu tướng có thể cho biết về những dấu ấn của Việt Nam tại sự kiện quan trọng này?

Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng: Hội nghị ADMM+ lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội năm 2010, Việt Nam đưa ra 5 sáng kiến về hợp tác quốc phòng, quân sự. Thứ nhất là gìn giữ hòa bình của Liên Hợp quốc; thứ hai là hợp tác về quân y; thứ ba là hợp tác về an ninh biển; thứ tư là hợp tác về hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa và thứ năm là hợp tác về chống khủng bố.

Người ta ví ADMM + như một con tàu, 5 sáng kiến này giúp định hướng trên đường ray để cho con tàu đi tới mục tiêu, mục đích đảm bảo an ninh, hòa bình, ổn định không chỉ cho ASEAN mà cho cả châu Á, Thái Bình Dương. Nó trở thành một cấu trúc an ninh khu vực mà nhiều quốc gia quan tâm. Chúng ta có thể khẳng định rằng, những cái mà Việt Nam và các quốc gia ASEAN cùng tạo nên thì đến nay còn nguyên giá trị và đang phát triển, được ghi nhận.

PV: Sau khi đã đưa 5 sáng kiến vào năm 2010, Việt Nam tiếp tục đưa ra một sáng kiến mới, gọi tắt là hành động bom mìn nhân đạo. Sáng kiến này có ý nghĩa như thế nào trong khu vực và trên thế giới, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng: Sáng kiến giải quyết các vấn đề về bom mìn, do hậu quả của chiến tranh và xung đột để lại ở khu vực, được các quốc gia ASEAN và ngoài ASEAN ủng hộ. Sáng kiến đó mang tính nhân văn, tính xã hội và tính kinh tế rất cao. Trên lãnh thổ của Việt Nam, Mianma hay của Lào, Campuchia... còn rất nhiều bom mìn sót lại sau chiến tranh.  Các nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào đây đều có yêu cầu đầu tư trên những mảnh đất hoàn toàn sạch, không còn nguy cơ thảm họa. Chình vì vậy, người ta đã ủng hộ.

Các sáng kiến có ý nghĩa rộng lớn hơn, không chỉ là ở trong khu vực. Ví dụ, thảm họa máy bay MH370 của Malaixia, khi mà nghi nó rơi ở vùng biển Việt Nam thì chúng ta không chỉ mở lãnh hải, bầu trời cho các quốc gia ASEAN mà cả các quốc gia ngoài ASEAN cũng vào tìm kiếm cứu nạn. Từ đó tạo ra một không khí rất hợp tác, hòa bình, hữu nghị. Tôi cho rằng, những sáng kiến hợp tác mà Việt Nam đưa ra hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu các vấn đề an ninh phi truyền thống mà các quốc gia hiện nay không đủ năng lực, kể cả các nước lớn cũng không thể tự giải quyết được.

PV: Những sáng kiến đó chính là sự khẳng định đường lối đối ngoại quốc phòng độc lập, tự chủ; với phương châm kiên quyết giải quyết những tranh chấp, bất đồng bằng biện pháp hòa bình, đúng không ạ?

Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng: Chúng ta thấm nhuần quan điểm của Đảng là kiên trì, kiên định giải quyết những khác biệt, tranh chấp bằng phương pháp hòa bình, theo luật pháp quốc tế. Trong một vài thập niên gần đây, sự tranh chấp chưa được phân định và đặc biệt là chủ quyền lãnh thổ, quyền tài phán của các quốc gia thì cần phải được bảo vệ theo UNCLOS 1982. Chính vì vậy, đã có những va chạm, những tranh chấp, xung đột đều phải được giải quyết một cách hòa bình và nhân đạo theo đúng luật pháp quốc tế. Việt Nam luôn tuân thủ điều đó, được cộng đồng quốc tế thừa nhận, ghi nhận và ủng hộ. Bởi vì chúng ta bảo vệ lợi ích chính đáng, chính nghĩa và được luật pháp quốc tế thừa nhận.

PV: Đến năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN, cùng với đó Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN và ASEAN mở rộng được diễn ra tại Việt Nam. Chúng ta chuẩn bị cho sự kiện này như thế nào để tiếp tục tạo nên dấu ấn trong cộng đồng quốc tế, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Vũ Tiến Trọng: Bộ Quốc phòng Việt Nam rất chủ động xác định, định hình các hoạt động cho năm 2020. Đồng thời, tích cực đi tham vấn các nước ASEAN cũng như là ngoài ASEAN. Để năm ASEAN 2020 thành công thì cần phải có sự đồng thuận, nhất trí trong ASEAN cũng như các đối tác của ASEAN; để khi chúng ta đưa ra bất cứ vấn đề nào thì đều nhận được sự ủng hộ. Khi đó, chúng ta mới đánh giá được sự thành công của năm ASEAN. Tôi hy vọng và tin tưởng, với cách làm như vậy chúng ta sẽ thành công.

PV: Xin cảm ơn đồng chí.

Văn Lực (Thực hiện)