Hình ảnh trước và sau khi tu sửa căn nhà điều hành trang trại của gia đình ông Tuấn…
Ông Phạm Văn Tuấn - con đẻ liệt sĩ Phạm Tiến Mùi, trú tại Tổ dân phố Nghĩa Phương, phường Minh Đức, quận Đồ Sơn, T.P Hải Phòng phản ánh với Báo CCB Việt Nam về việc gia đình ông bị Phó chủ tịch quận Đồ Sơn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, làm tiền đề để lực lượng chức năng cưỡng chế căn nhà điều hành trang trại của gia đình ông khiến cho cá, tôm, lợn chết hàng loạt; hoạt động của trang trại trong tình trạng dở sống dở chết…
“Dã tràng” vun đất thành điểm sáng kinh tế
Trong đơn, ông Phạm Văn Tuấn cho biết: Trước năm 1991, gia đình ông đã ra khu vực cửa cống Than thuộc cánh đồng Ba Mô, thôn Nghĩa Phương, xã Hợp Đức, huyện Kiến Thụy (nay là Tổ dân phố Nghĩa Phương, phường Minh Đức, quận Đồ Sơn, T.P Hải Phòng) khai hoang thùng vũng, đầm lầy để làm kinh tế.
Ban đầu khai khẩn vùng đất hoang, vợ chồng ông Tuấn dựng tạm cái lều chăn vịt, thả gà. Đến năm 1992, UBND xã Hợp Đức tiến hành đắp, be ngòi Cái Ngang, khu vực này sau đó hình thành trên bản đồ thuộc thửa đất số 10, ký hiệu là đất sông, diện tích 6.809m2.
Hưởng ứng lời kêu gọi của chính quyền địa phương với phương châm “Không để đất hoang hóa, lãng phí”, xã Hợp Đức đã tạo điều kiện cho vợ chồng ông Tuấn thầu khu đất bỏ hoang nêu trên.
Đến năm 2000, thực hiện Nghị quyết 03 của Chính phủ về phát triển kinh tế trang trại, địa phương đã thực hiện chuyển đổi khu đất trũng cấy lúa bấp bênh sang nuôi trồng thủy sản tập trung. Thời điểm này cũng là lúc thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, vợ chồng ông Tuấn đã nhận đổi, chuyển nhượng đất của một số hộ gia đình xung quanh để có tổng diện tích hơn 25.000m2; tiến hành xây thêm chuồng trại chăn nuôi lợn siêu nạc, đào ao thả cá, mở rộng quy mô sản xuất trang trại...
Năm 2005, vợ chồng ông Tuấn ký hợp đồng với UBND xã Hợp Đức sử dụng diện tích đất sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế trang trại tổng hợp chăn nuôi - nuôi trồng thủy sản. Diện tích vợ chồng ông Tuấn ký với xã Hợp Đức lên tới 12.683m3, hằng năm phải nộp số tiền thuê cho xã 4,2 triệu đồng. 5 năm, hai bên lại tiến hành điều chỉnh lại sản lượng/tiền thuê đất phải nộp vào ngân sách theo qui định.
Tiếp đó, tháng 11-2005, vợ chồng ông Tuấn tiếp tục ký thêm hợp đồng thầu khoán 1.900m2 đất với xã, đơn giá thuê phải nộp 548.000 đồng/năm. Đến ngày 30-6-2006, gia đình ông Tuấn được UBND huyện Kiến Thụy cấp Giấy chứng nhận trang trại đạt tiêu chí kinh tế trang trại… Sau đó, từ năm 2009, gia đình ông Tuấn tiếp tục đầu tư, mở rộng, nâng cấp mô hình kinh tế, được địa phương khuyến khích ủng hộ nhằm phát triển nông thôn mới.
Hành trình hoàn thiện các giấy tờ, thủ tục
Để trang trại đi vào hoạt động quy củ, vợ chồng ông Tuấn được địa phương hướng dẫn các thủ tục, giấy tờ cần thiết cho hoạt động của trang trại. Bản cam kết bảo vệ môi trường sau đó được ông Tuấn lập và chính quyền địa phương, cơ quan chức năng xác nhận.
Ngày 28-4-2011, vợ chồng ông Tuấn nâng tầm quy mô trang trại nên đã làm đơn đề nghị UBND quận Đồ Sơn phê duyệt “Dự án xây dựng và phát triển trang trại VAC tổng hợp”.
Theo đề án, bao gồm: “Khu chuồng trại chăn nuôi, Khu nuôi trồng thủy sản, Khu vườn, Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và công trình phụ trợ (Nhà điều hành) gồm có nhà bảo vệ, văn phòng, nhà ở công nhân, kho chứa vật tư, đường đi, hệ thống điện nước, hệ thống xử lý môi trường”.
Thời gian thực hiện Dự án từ20 đến 50 năm, trong đó: Chuồng nuôi lợn thịt thiết kế xây dựng 725m2; Văn phòng, nhà ở công nhân, nhà kho, nhà bảo vệ, nhà đặt máy phát điện 100m2. Dự án sau đó được UBND quận Đồ Sơn phê duyệt.
Đến ngày 24-8-2011, để bảo đảm cho việc thực hiện đúng mục đích sử dụng đất, UBND quận Đồ Sơn ra Quyết định số 1609 QĐ-UBND về việc cho phép chuyển mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất sử dụng cho kinh tế trang trại, với diện tích 9.292m2. Gia đình ông Tuấn sau đó còn được UBND quận Đồ Sơn cấp Giấy chứng nhận QSDĐ, quyền sở hữu nhà và tài sản trên đất đối với diện tích này.
Đến năm 2012, theo các quyết định xét duyệt của UBND quận Đồ Sơn đối với dự án trên và được cán bộ chính quyền địa phương hướng dẫn, xác định vị trí, gia đình ông Tuấn mở rộng thêm chuồng trại chăn nuôi, xây dựng lại Nhà điều hành mới khang trang hơn trên nền nhà điều hành cũ từ năm 1992 và nhà điều hành đó vẫn ở tại vị trí đó cho đến nay.
Tháng 6-2013, vợ chồng ông Tuấn tiếp tục có Đơn xin đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn thịt thương phẩm siêu nạc kèm theo bản “Dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn thịt thương phẩm siêu nạc” và được UBND phường Minh Đức ký xác nhận.
Ngày 23-7-2013, UBND quận Đồ Sơn ban hành Quyết định số 837/QĐ-UBND phê duyệt phương án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi lợn thịt thương phẩm siêu nạc cho gia đình ông Tuấn; trong đó thể hiện rõ về thiết kế xây dựng trang trại như sau: “Chương IV: Kinh phí đầu tư 2.2 Nhà điều hành, nhà kho, nhà bảo vệ: - Tổng diện tích xây dựng 100m2 - Giải pháp kỹ thuật xây nhà điều hành, nhà kho và nhà bảo vệ: móng xử lý cọc tre, móng và cột bằng bê tông cốt thép, tường xây gạch, mái bằng đổ bê tông cốt thép, nền lát gạch ceramic, cửa gỗ, nhôm kính...”.
Theo ông Tuấn cho biết: Dù hai dự án là hai mô hình khác nhau nhưng về Nhà điều hành 100m2 thì cả hai dự án đều sử dụng chung một Nhà điều hành. Đồng thời quá trình thực hiện, xây dựng hai dự án đều có sự chỉ đạo hướng dẫn giám sát của các phòng, ban thuộc UBND quận Đồ Sơn. Tuy nhiên…
Tu sửa nhà điều hành thì bị… cưỡng chế
Đã nhiều năm qua, Dự án đã xuống cấp trầm trọng, nhất là khu nhà Điều hành. Nơi đây là trung tâm điều hành các hoạt động máy móc thiết bị và cung cấp lương thực, thực phẩm cho gần 1.000 con lợn và hơn 20 tấn cá các loại (nuôi trong diện tích ao khoảng 14.000m2). Các hạng mục như mái nhà, tường nhà, nền nhà của Nhà điều hành đã dột nát, ngập úng không đảm bảo điều kiện tiếp tục phục vụ chuồng trại, nguy hiểm tính mạng cho người và vật nuôi.
Để đảm bảo an toàn, năm 2022, gia đình ông Tuấn làm đơn trình UBND phường xin phép được sửa chữa lại Nhà điều hành. Lãnh đạo phường là các ông/bà Út, Ninh và cán bộ UBND phường Minh Đức tên là Ngọc hướng dẫn cho gia đình ông Tuấn làm đơn xin sửa chữa.
Thực hiện theo hướng dẫn, sau khoảng 10 ngày khi vệ sinh mái và tường của Nhà điều hành thì thấy không thể khắc phục được vì vừa động vào, tường đã đổ từng mảng, mái đã nứt, mục hết nên gia đình dừng lại không sửa nữa và lại làm đơn xin xây lại tường và gia cố lại móng, mái nhà, UBND phường cũng đồng ý cho gia cố lại.
Tuy nhiên, đến ngày 9-8-2022, Phòng Tài nguyên và Môi trường xuống kiểm tra việc sử dụng đất của gia đình ông Tuấn. “Họ nói kiểm tra theo Công văn số 669/CV/QU ngày 23-6-2022 của Quận ủy Đồ Sơn; Công văn của Thanh tra sở xây dựng (trong đoàn có ông Nguyễn Mạnh Ninh - Phó chủ tịch UBND phường Minh Đức). Đoàn đã lập Biên bản kiểm tra số 01/BBKT-TN&MT và kết luận gia đình tôi đã “Chuyển từ đất nông nghiệp khác sang đất phi nông nghiệp, vi phạm quy định của Luật Đất đai năm 2013, vi phạm Điểm a, Khoản 1 Điều 11 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19-11-2019 của Chính phủ tại khu vực đô thị” và “Đề nghị UBND phường Minh Đức lập biên bản trước ngày 11-8-2022” - ông Tuấn thông tin…
Diễn biến tiếp theo của việc cưỡng chế và kiến nghị của gia đình ông Tuấn, Báo CCB Việt Nam sẽ tiếp tục phản ánh đến bạn đọc.
Tư Hoành