Polyp đại tràng là khối tế bào phát triển bất thường trong niêm mạc đại tràng.

Polyp đại tràng là khối u lồi trong lòng đại trực tràng, được hình thành do sự tăng sinh quá mức niêm mạc đại trực tràng.  

Nguyên nhân gây polyp đại tràng

Nguyên nhân gây polyp đại tràng chính xác vẫn chưa được xác định nhưng sự phân chia và phát triển tế bào nhiều hơn bình thường được xem là lý do chính. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh polyp đại tràng, đặc biệt là với những người có yếu tố nguy cơ cao như: Người từ 50 tuổi trở lên; có tiền sử gia đình mắc bệnh polyp hoặc ung thư đại tràng; người mang gen di truyền hiếm gặp khiến người bệnh có nguy cơ cao phát triển polyp; người có tiền sử mắc polyp tiêu hóa; người mắc bệnh viêm loét đại tràng; phụ nữ bị ung thư buồng trứng hoặc ung thư tử cung trước 50 tuổi; người mắc bệnh tiểu đường… Ngoài ra, một số thói quen cũng làm tăng nguy cơ mắc polyp đại tràng bao gồm: Chế độ ăn nhiều chất béo, ít chất xơ; sử dụng thuốc lá và rượu; ít tập hoặc không tập thể dục; cơ thể béo phì, thừa cân…

Dấu hiệu polyp đại tràng

Không ít người nhầm lẫn bị polyp đại tràng thành vấn đề tiêu hóa. Do đó, để giảm nguy cơ bỏ qua bệnh, bạn nên đi kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt nếu gặp các biểu hiện sau:

Đau bụng:Người bị polyp đại tràng có thể thường xuyên thấy đau quặn bụng do bệnh gây tắc nghẽn một phần ruột.

Chảy máu trực tràng:Đây không chỉ là một trong các dấu hiệu của bệnh polyp đại tràng mà nó còn có thể là biểu hiện của bệnh trĩ hoặc tình trạng rách hậu môn.

Phân có màu bất thường: Polyp đại tràng có thể khiến phân có thể có màu đen hoặc xuất hiện các tơ máu – dấu hiệu của tình trạng chảy máu trong đại tràng. Tuy nhiên sự thay đổi màu sắc của phân cũng có liên quan tới một số loại thực phẩm hoặc thuốc, thực phẩm chức năng.

Thay đổi thói quen đi tiêu: Táo bón hoặc tiêu chảy kéo dài bất thường, không thuyên giảm là biểu hiện cảnh báo nguy cơ đang có u polyp, nặng hơn là ung thư đại tràng.

Thiếu máu: Chảy máu polyp có thể diễn ra âm thầm trong thời gian dài gây sụt giảm lượng sắt cần thiết cho cơ thể; kéo theo sự giảm bớt các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy. Điều này khiến người bệnh hay cảm thấy mệt mỏi và khó thở.

Phòng ngừa bệnh polyp đại tràng

Cách phòng ngừa bệnh polyp đại tràng tốt nhất là thường xuyên tầm soát và loại bỏ polyp khi có. Ngoài ra chúng ta có thể giảm bớt nguy cơ gặp phải polyp đại tràng nhờ vào các thói quen lành mạnh như: Tăng cường trái cây, rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc giàu chất xơ vào chế độ ăn hằng ngày. Duy trì cân nặng khỏe mạnh, vóc dáng cân đối; nên giảm cân nếu thừa cân hoặc béo phì. Không ăn quá nhiều các loại thịt đỏ như thịt bò, thịt lợn, thịt dê, thịt cừu… Tập thể dục với cường độ vừa phải, đều đặn mỗi ngày. Không lạm dụng bia rượu, thuốc lá. Tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung canxi và vitamin D hoặc dùng aspirin thường xuyên để giảm tỷ lệ ung thư đại tràng…

Polyp đại tràng có thể gặp phải ở nhiều đối tượng, đặc biệt người từ 40-50 tuổi. Tỉ lệ biến đổi ác tính của polyp đại tràng khác nhau tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm loại polyp, kích thước, số lượng, tính ác tính của các tế bào trong polyp và các yếu tố nguy cơ khác. Chính vì vậy, việc phát hiện và điều trị sớm giúp giảm tối đa nguy cơ tiến triển thành ung thư.

Thành An