Trong quá trình quản lý nhiều Hội cơ sở đã trở thành điển hình giúp đỡ các hộ vay quản lý và sử dụng hiệu quả đồng vốn để phát triển sản xuất tăng thu nhập không những xóa được nghèo mà còn có mức sống khá. Một trong những nguyên nhân đạt hiệu quả trên là do các Hội cơ sở nêu cao trách nhiệm tìm tòi nhiều hình thức quản lý, hướng dẫn sử dụng vốn vay đạt hiệu quả kinh tế cao. Tiêu biểu như Hội CCB xã Yển Khê, huyện Thanh Ba từ năm 2004 đến nay được giao quản lý uỷ thác bán phần vốn vay Ngân hàng CSXH đã phát huy tinh thần trách nhiệm quản lý số dư nợ từ hơn 600 triệu đồng năm 2004, nay lên hơn 3 tỷ đồng không có hộ vay nợ đọng quá hạn. Hội đã hướng dẫn cho gần 400 hộ CCB và nông dân nghèo vay chăn nuôi gia cầm, gia súc, làm nghề phụ và mở các cửa hàng dịch vụ. Từ phát triển kinh tế giúp cho hơn 100 hộ thoát nghèo và có kinh tế khá giả.
Hội CCB xã Mỹ Thuận, huyện Tân Sơn được địa phương giao quản lý vốn Ngân hàng CSXH năm 2005 chưa đầy 1 tỷ đồng. Nhưng nêu cao trách nhiệm, có uy tín, đến nay đã được giao quản lý hơn 6 tỷ đồng, hướng dẫn cho hơn 460 hộ vay, không có nợ đọng quá hạn. Hội CCB xã Mỹ Thuận cùng cán bộ Ngân hàng CSXH hướng dẫn cho các hộ vay mục đích sử dụng vốn vay, đáp ứng yêu cầu phát triển của xã (chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, nghề mộc và học học sinh, sinh viên vay) góp phần đưa đàn trâu bò của xã lên hơn 1.000 con, trồng thêm 100 ha rừng cây nguyên liệu giấy, gần 100 học sinh, sinh viên có điều kiện để đi học; mỗi năm giúp đỡ hàng chục hộ thoát nghèo và hàng trăm hộ có kinh tế đủ ăn.
Cũng có kết quả quản lý vốn vay tốt, Hội CCB xã Hương Cần, huyện Thanh Sơn còn năng động xung phong nhận triển khai dự án sản xuất tiểu vùng (một hình thức mới về quản lý vốn vay), dự án được vay 500 triệu đồng giao cho 50 hộ CCB và nhân dân nghèo vay để chăn nuôi đại gia súc. Do quản lý tốt và kiểm tra chặt chẽ các hộ vay thực hiện nghiêm túc, sau 3 năm dự án góp phần phát triển đàn trâu bò trong xã lên hơn 200 con, trồng mới hàng ngàn mét cỏ làm thức ăn chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Các hộ tham gia dự án đều có thu nhập và thoát nghèo, đồng thời tạo ra phong trào áp dụng KHKT chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, cải tạo xóa dần lối chăn nuôi cũ (nuôi nhưng không chăm) của đồng bào vùng dân tộc. Đến thời hạn thu hồi vốn, các hộ vay đều trả đủ gốc và lãi.
Hội CCB xã Tử Đà, huyện Phù Ninh được vay 100 triệu đồng từ quỹ quốc gia về giải quyết việc làm đã quản lý và hướng dẫn cho các hộ CCB vay phát triển đàn lợn kết hợp với thả cá. Sau 3 năm sử dụng vốn, tất cả các hộ vay đều đạt hiệu quả kinh tế khá và phần đông các hộ vay trở thành mô hình nuôi lợn kết hợp thả cá của địa phương. Hội CCB xã đã thành lập được CLB thủy sản nòng cốt cho chuyển đổi cơ cấu sản xuất phát huy tiềm năng ao hồ (mặt nước) của địa phương. Từ hàng trăm Hội cơ sở quản lý vốn vay tốt góp phần nâng cao khả năng và uy tín của Hội CCB với Ngân hàng CSXH và cấp ủy, chính quyền địa phương, hằng năm Hội CCB tỉnh đều được T.Ư Hội CCB Việt Nam tặng bằng khen và năm 2010 được Ngân hàng CSXH Việt Nam khen thưởng.
LÊ HANH