Người Mông ăn tết từ tháng 12 dương lịch. Cỗ Tết có thịt lợn, thịt gà, bánh bột nếp bánh dày, rượu ngô... Đêm giao thừa, con trai đi lấy nước suối về cúng tổ tiên. Ban ngày, tiếng khèn vang khắp các sườn núi cùng với những trò chơi dân gian độc đáo. Thiếu nữ Mông rộn ràng trong bộ váy xòe rực rỡ bằng thổ cẩm làm say đắm lòng người.

Đón xuân, người Dao thường dán nhiều câu đối bằng chữ Hán lên cột nhà hay trên vách. Họ có Tết nhảy múa với gươm đao bằng gỗ trong tiếng trống, tiếng thanh la giục giã...

Người Dao đỏ có tục cúng ông Công, ông Táo cùng với lễ cúng tất niên. Mâm cỗ có bánh chưng, bánh gù, thịt lợn, thịt gà, rượu, bánh dày, bánh nếp. Họ thường mời thầy cúng hoặc người cao tuổi có uy tín thay mặt gia chủ làm lễ cúng giải hạn. Sau đó mời tổ tiên về ăn Tết và cầu mong may mắn.

Từ ngày 29, 30 tháng Chạp, Người Lô Lô chuẩn bị lễ cúng. Chiều 30 Tết, gia đình sum họp bên mâm cơm cuối năm, tưởng nhớ tổ tiên và chúc nhau mạnh khỏe. Giao thừa, họ đánh thức gia súc trong nhà cùng chung vui, dán giấy màu lên những đồ dùng trong gia đình và cây cối trong vườn để chúng được nghỉ ngơi vài ngày. Mọi người thức đến sáng để chờ tiếng gà gáy đầu tiên...

Người Cao Lan ăn Tết từ cuối tháng Chạp tới tháng Giêng. Trước Tết khoảng hai ngày, họ mang giấy đỏ dán ở cửa ra vào, cổng nhà, bàn thờ tổ tiên, cối xay, chuồng lợn, chuồng trâu, chuồng gà. Màu đỏ tượng trưng cho niềm vui và sự tốt lành. Mồng một đi thăm họ hàng, mồng hai thăm hàng xóm và dân bản. Món ăn đặc trưng trong ngày Tết là bánh vắt vai, bánh chưng, bánh rán, bánh khảo... Nhà nào cũng làm bánh vắt vai, làm bằng gạo nếp, gói trong lá chuối, nhân đỗ và đường.

Người Mường thường đến nhà nhau để cùng gói bánh chưng, hết nhà này sang nhà khác. Đây là dịp mọi người gặp nhau chuyện trò. Dịp Tết, chủ nhà thường biếu bánh chưng cho khách. Cá ướp chua là đặc sản. Cá suối được chế biến công phu trước khoảng bốn, năm tháng bằng men rượu, thơm nồng. Người Mường có tục gọi Trâu về ăn Tết. Sau giao thừa, trẻ con cầm đuốc ra đường, gõ mõ tìm trâu.

Tết của người Hà Nhì thường diễn ra trước Tết Nguyên Đán của người Kinh khoảng 2 tháng. Giao thừa, cúng gà, bánh dày, bánh trôi. Sáng đầu năm, trai bản bắt lợn để thịt. Họ lấy rượu pha nước, gạo pha muối để rắc vào tai lợn nhằm báo với thần thánh, cầu mong cho lứa lợn sau chóng lớn. Mâm cỗ có nhiều món, nhưng quan trọng nhất là món lạp xưởng.

Người Thái đón Tết cổ truyền đúng dịp Tết Nguyên đán của người Kinh. Ngày 25 tháng Chạp, thường có phiên chợ cuối cùng, lớn nhất trong năm. Sáng ngày 27 hoặc 28, già làng hoặc Trưởng Bản đôn đốc mọi nhà tổng vệ sinh. Tối 29, bắt đầu gói bánh chưng. Có bánh chưng trắng và bánh chưng đen. Để làm bánh bánh chưng đen, phải đốt rơm lấy tro sạch trộn gạo nếp. Sáng 30 Tết, các nhà luộc bánh chưng và thịt lợn. Tối 30 có bữa cơm tất niên, rồi uống rượu tới sáng. Khói hương thơm ngát suốt đêm 30 Tết. Cúng giao thừa có cá, thịt, bánh, các đồ thổ cẩm, bạc nén...rồi đánh chiêng và múa hát.

Người Thái có phong tục gọi hồn. Vào tối 28, 29 hoặc 30 tết, họ thịt gà để cúng tổ tiên và gọi hồn. Thầy cúng lấy của mỗi người một chiếc áo, bó lại một đầu với nhau, vắt lên vai, tay thầy cầm một thanh củi đang cháy, rồi mang ra đầu bản gọi hồn ba lần, sau đó về chân cầu thang lại gọi một lần nữa. Sau đó, thầy cúng buộc một sợi chỉ đen vào tay mỗi thành viên gia đình để trừ tà.

Người Thái trắng ở Quỳnh Nhai có lễ hội gội đầu vào chiều 30 Tết. Đây là sự kiện quan trọng mở đầu các lễ hội trong năm. Gội đầu để rửa đi những điều không may mắn, rồi tham gia các trò chơi như ném còn, múa xòe cùng nhiều trò chơi dân gian khác. Tiếp đó, về nhà chuẩn bị cúng tổ tiên.

Sáng mồng một, mọi người tưng bừng đi chúc Tết. Từ chiều mồng một, thanh niên bắt đầu đi chơi. Đến bản nào ăn uống ở bản ấy, có khi đi qua cả mồng 10 Tết hoặc đến rằm tháng Giêng mới về. Đầu năm, nhiều người mang dao ra đường vừa đi vừa phát quang bụi rậm để thông thoáng cho năm mới. Vui nhất là các hội Xòe. Nam nữ tha hồ vui chơi cho đến rằm tháng Giêng mới kết thúc.

Phạm Hà