Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp Đoàn đại biểu đại diện cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa
Chiều 22/8, tại Trụ sở Trung ương Đảng, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tiếp Đoàn đại biểu đại diện cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa, nhân dịp Đoàn ra thăm Thủ đô Hà Nội và báo công với Bác nhân 50 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ.
Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh, Thanh Hóa có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế và văn hóa của cả nước, có bề dày lịch sử lâu đời. “Xứ Thanh” là một trong những khởi nguyên của văn hóa Việt Nam, lưu giữ nhiều di tích lịch sử, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam. Thanh Hóa có truyền thống cách mạng kiên cường, quê hương của nhiều anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa của cả nước.
Nhắc lại niềm tự hào của tỉnhThanh Hóa khi vinh dự được Bác Hồ về thăm 4 lần, Phó Thủ tướng Thường trực nêu rõ: Cách đây 72 năm, vào ngày 20/4/1947, trong lần đầu tiên về nói chuyện với lãnh đạo, nhân sĩ, trí thức, các tầng lớp nhân dân, Bác mong muốn tỉnh Thanh Hóa phải “trở nên một tỉnh kiểu mẫu”.
Phó Thủ tướng Thường trực đánh giá, những năm qua, đặc biệt là sau 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sau 30 năm thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, Thanh Hóa đã khắc phục khó khăn, đoàn kết, thống nhất, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.
Đến năm 2018, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng trưởng bình quân 9,2%/năm (gấp 1,5 lần bình quân cả nước); thu ngân sách nhà nước đứng thứ 13 cả nước; xuất khẩu 2,76 tỷ USD (gấp 6 lần năm 2010); số doanh nghiệp đang hoạt động đứng thứ 8 cả nước. Nhiều dự án lớn đã và đang hoàn thành, đi vào vận hành, tạo sức lan tỏa cho phát triển kinh tế của vùng và cả nước, nhất là Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn.
Các lĩnh vực văn hóa-xã hội đạt được nhiều kết quả tích cực. An sinh xã hội được bảo đảm tốt hơn. Đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao. Giáo dục, đào tạo, y tế được quan tâm, có thành tích cao. Trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm. Quốc phòng an ninh được giữ vững.
Phó Thủ tướng Thường trực ghi nhận tỉnh đã quan tâm, chăm lo thực hiện chế độ chính sách cho người có công, thể hiện sâu sắc truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta. Đến nay, 3.365 hộ người có công trên địa bàn tỉnh đã có mái nhà "che mưa, che nắng", 17.975 hộ được hỗ trợ nhà ở và 2.129 sổ tiết kiệm tình nghĩa được trao tặng,...
Hướng đến kỷ niệm 74 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2-9, đặc biệt, năm 2019 là năm toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Thường trực lưu ý tỉnh tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, vận hành ổn định Khu kinh tế Nghi Sơn, phát triển Sầm Sơn, Lam Sơn, Bỉm Sơn và các khu công nghiệp theo các cơ chế đặc biệt, thể chế, chính sách năng động, sáng tạo. Chú trọng bảo vệ môi trường, kịp thời tận dụng các cơ hội sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu do các hiệp định thương mại tự do mới đem lại, phấn đấu xây dựng Thanh Hóa trở thành cực tăng trưởng mới của Bắc Trung Bộ, Duyên hải miền Trung và cả nước, “trở nên tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý, tỉnh Thanh Hóa thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững; quan tâm chăm lo đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, người có công, không để ai bị bỏ lại phía sau; làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo, văn hóa, thể thao; bảo đảm an ninh chính trị, quốc phòng và trật tự an toàn xã hội, tạo không khí đồng thuận trong đời sống văn hóa và tinh thần của nhân dân. Phát huy hơn nữa công tác chính sách đối với người có công, tăng cường huy động các nguồn lực xã hội để tạo điều kiện sống tốt hơn cho người có công, gia đình chính sách, bảo đảm gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của khu dân cư nơi cư trú, phấn đấu cơ bản không còn người có công với cách mạng ở nhà tạm.
Thanh Hoá cần làm tốt hơn nữa công tác dự báo, phòng, chống thiên tai, bão, lũ, kịp thời có các phương án ứng phó, khẩn trương khắc phục thiệt hại do mưa, lũ gây ra; ổn định sản xuất và đời sống nhân dân trên địa bàn, nhất là vùng miền núi phía tây, vùng ven biển bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng, trong những năm chiến tranh ác liệt chống Mỹ cứu nước, Thanh Hóa có 47.447 liệt sỹ đã anh dũng hy sinh, hơn 62.000 thương binh, bệnh binh; là địa phương huy động cao nhất, nhiều nhất nhân tài, vật lực cho kháng chiến chống Mỹ cứu nước; chi viện hơn 250 nghìn thanh niên và hàng vạn cán bộ, hàng triệu tấn lương thực cho miền Nam ruột thịt.
Từ một tỉnh nghèo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, đến nay, Thanh Hóa đã có bước phát triển mạnh mẽ. Năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, hầu hết các lĩnh vực đều có sự phát triển đột phá. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) năm 2018 đạt 15,16%, đứng thứ ba cả nước và 6 tháng đầu năm 2019 đạt tới 22,18%, đứng đầu cả nước.
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực; toàn tỉnh hiện có 3 huyện, 312/573 xã, 783 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới (đạt gần 54,5% số xã). Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở các vùng, miền từng bước được cải thiện và nâng lên. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị có nhiều đổi mới, năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành tổ chức thực hiện nhiệm vụ của các cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị được nâng cao. Thanh Hóa đã hoàn thành việc sáp nhập thôn, tổ dân phố, giảm 1.578 thôn, bản, tổ dân phố (giảm 26,4%); đang triển khai thực hiện sắp xếp lại 143 xã, phường, thị trấn để thành lập 67 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 76 đơn vị).
Lê Sơn