Eugene Cernan, trưởng nhóm phi hành gia trong tàu Apollo 17, từng đặt chiếc máy ảnh Hasselblad của ông trên mặt trăng ở tư thế ống kính hướng lên vũ trụ để thực hiện một thí nghiệm trong chuyến bay tháng 12/1972.
"Tôi để lại máy ảnh với ý nghĩ rằng ai đó sẽ bay lên đó và quan sát ống kính của máy ảnh để xác định mức độ tàn phá của bức xạ vũ trụ đối với kính".
Khi đó Cernan hy vọng một nhóm phi hành gia khác sẽ đổ bộ lên mặt trăng trong tương lai và đem máy ảnh về.
"Theo suy đoán của tôi, chuyến bay của chúng tôi không phải là sự kết thúc, mà là sự khởi đầu cho chương trình đưa người lên mặt trăng. Quả thực tôi tin rằng một phi hành gia Mỹ sẽ đặt chân lên sao Hỏa trước khi thế kỷ 20 kết thúc. Vì thế khi trèo lên thang của khoang đổ bộ để trở về, tôi không chụp ảnh dấu chân cuối cùng của tôi. Đó là một sai lầm. Lẽ ra lúc ấy tôi nên cầm máy ảnh, chụp, lôi cuộn phim ra rồi ném máy ảnh xuống đất", Cernan phát biểu trước lễ kỷ niệm 40 năm kể từ ngày phóng tàu Apollo 17.
Apollo 17 rời trái đất vào ngày 7/12/1972 từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy. Đây là chuyến bay tới mặt trăng lần thứ 11 và cuối cùng của phi đội tàu Apollo. Các phi hành gia trong tàu gồm chỉ huy Eugene Cernan, Ronald Evans, Harrison Schmitt. Nhà du hành Ronald Evans điều khiển tàu ở phía trên mặt trăng, còn Cernan và Schmitt đáp xuống mặt trăng bằng khoang đổ bộ vào ngày 11/12/1972. Họ ở trên bề mặt của mặt trăng trong hơn ba ngày để thu thập mẫu đất, đá và thực hiện các thí nghiệm khoa học.
Gần 40 năm đã trôi qua sau khi Apollo 17 rời mặt trăng vào ngày 19/12/1972 và chiếc máy ảnh của Cernan vẫn nằm ở đó. Sau năm 1972, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) phải hủy ba chuyến bay tiếp theo của tàu Apollo do ngân sách giảm. Cuối cùng họ ngừng chương trình Apollo, khép lại một "kỷ nguyên vàng" đối với hoạt động thám hiểm vũ trụ của Mỹ.
Quỳnh Anh (TH)