Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, năm 2011, vượt qua những diễn biến phức tạp của thời tiết, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tích cực triển khai các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh nên vẫn duy trì được tăng trưởng, góp phần vào tăng trưởng chung của cả nước.

Theo Tổng cục Thống kê, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản 9 tháng đầu năm ước đạt 162 nghìn tỷ đồng, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nông nghiệp đạt 114 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7%; lâm nghiệp đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, tăng 4%; thủy sản đạt 43 nghìn tỷ đồng, tăng 5,2%.

Ước tính cả năm 2011, tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm thủy sản đạt 2,4 đến 2,6%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản ước đạt 4,0 đến 4,2%.

Các chương trình lớn như Chương trình xây dựng nông thôn mới; Chương trình bố trí sắp xếp dân cư; Chương trình 135 giai đoạn II; Chương trình 30a; Chương trình xóa bỏ, thay thế cây trồng có chứa chất ma túy; Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường…tiếp tục được triển khai mạnh mẽ và đạt hiệu quả ở nhiều địa phương. Năm 2011, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn dự kiến giảm còn 15,5% theo tiêu chí mới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng cho biết, những vấn đề đặt ra cho nông nghiệp, nông thôn nước ta. Đó là tình hình dịch bệnh, sâu bệnh, ô nhiễm môi trường…

Bộ NN&PTNT xác định mục tiêu năm 2012 là, tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định, bền vững trên cơ sở thâm canh tăng năng suất, nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm nhằm đạt hiệu quả và sức cạnh tranh cao, góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Năm 2012, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng GDP của ngành đạt 2,3-2,6%; giá trị sản xuất nông lâm ngư nghiệp tăng từ 3,9-4,3%; kim ngạch xuất khẩu đạt 24 tỷ USD; tỷ lệ che phủ rừng đạt 40,5%.

Giai đoạn 2011-2015, Bộ NN&PTNT định hướng tổng thể chung của toàn ngành là tái cơ cấu ngành theo hướng đẩy mạnh nuôi trồng thủy sản (đặc biệt là cá tra, tôm, nhuyễn thể); đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, chăn nuôi lợn và bò sữa; ngành trồng trọt quan tâm hơn phát triển rau và hoa công nghệ cao; trong lâm nghiệp, ưu tiên phát triển rừng kinh tế.

Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá cao những thành tựu ngành Nông nghiệp đạt được trong 5 năm qua. Theo Phó Thủ tướng, cái được lớn nhất trong giai đoạn này là đổi mới tư duy từ cán bộ quản lý cho tới người nông dân trong phát triển nông nghiệp hàng hóa và làm giàu, kéo theo các cơ chế chính sách đáp ứng cho tư duy đó nên hiệu quả của ngành được nâng cao, vai trò ngày càng quan trọng. Mặc dù vậy, vẫn còn những tồn tại như: chuyển dịch lao động còn chậm; năng suất chất lượng, cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được yêu cầu; thu nhập người dân nông thôn còn thấp….

Về bối cảnh và triển vọng của ngành nông nghiệp, nông thôn trong giai đoạn 2011 – 2015, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhận định: Bối cảnh khác so với trước nên cần những giải pháp mới trong phát triển nông nghiệp. Giai đoạn này sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức lớn hơn. Đó là thách thức về hội nhập sâu và rộng hơn nên cần có những chính sách phù hợp để nâng cao tính cạnh cạnh và thu hút đầu tư. Biến đổi khí hậu cũng tác động hàng ngày, hàng giờ tới nông nghiệp nông thôn nên phải chủ động ứng phó ngay từ giờ chứ không phải đợi tới năm 2100 như kịch bản đề ra. Ngoài ra, ngành Nông nghiệp còn có những thách thức về dịch bệnh, năng suất lao động còn thấp …
Do đó, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong năm 2012 tiếp tục kiện toàn tổ chức theo bộ máy mới; rà soát lại các chiến lược quy hoạch phân ngành, điều chỉnh kịp thời cho phù hợp. Các chương trình, đề án cần tập trung trí tuệ tập thể hơn nữa để phát huy hết hiệu quả. Bộ cần rà soát các dự án đầu tư, sắp xếp thứ tự ưu tiên, xác định rõ dự án nào có khả năng kêu gọi các thành kinh tế khác đầu tư.
Phó Thủ tướng cũng gợi ý ngành Thủy sản nên tăng cường hợp tác công tư (PPP) để thu hút vốn. Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, hiện đầu tư từ xã hội cho nông nghiệp còn thấp, chỉ khoảng 6 – 7%, vì vậy nên chăng đầu tư ngân sách cho nông nghiệp trong giai đoạn tới cần chọn lọc hơn, mang tính định hướng để thu hút các nguồn lực khác đầu tư trong giai đoạn 2011 – 2015./.
Theo CPV online
Bảo Lâm