Tổ hoà giải Chi hội CCB thôn Tương Đông, xã Hồng Phong sinh hoạt thường kỳ .
Công tác hòa giải ở cơ sở là phương thức giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp, xung đột xã hội do các bên mâu thuẫn, tranh chấp thực hiện với sự hướng dẫn, giúp đỡ của hòa giải viên ở cơ sở. Hòa giải ở cơ sở giúp các bên đạt được thỏa thuận, tự giải quyết với nhau tận gốc rễ các mâu thuẫn, tranh chấp, có tác dụng khôi phục, giữ gìn tình đoàn kết, tương thân, tương ái trong cộng đồng dân cư.
Để tiếp tục xây dựng, củng cố, nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở tạo động lực thúc đẩy sự đổi mới, sáng tạo và ngày càng hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của xã hội trong giai đoạn mới, ngày 14-4-2024, Phó thủ tướng Trần Lưu Quang ký Quyết định số 315/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030”.
Với mục tiêu phấn đấu đến hết năm 2030, tỷ lệ hòa giải thành trên phạm vi cả nước đạt từ 85% trở lên, Đề án đặt mục tiêu: Phấn đấu mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có tối thiểu 1 tập huấn viên cấp huyện/80 tổ hòa giải ở cơ sở; tối thiểu 1 tập huấn viên cấp tỉnh/100 tổ hòa giải ở cơ sở; 100% đội ngũ tập huấn viên cấp tỉnh, cấp huyện được tập huấn, bồi dưỡng, cung cấp tài liệu để hướng dẫn, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng cho hòa giải viên ở cơ sở; 100% tổ hòa giải ở cơ sở được củng cố, kiện toàn đủ số lượng, thành phần cơ cấu theo quy định của Luật Hòa giải ở cơ sở; ít nhất 10% tổ hòa giải ở cơ sở được luật sư, luật gia, Hội thẩm nhân dân, lực lượng Công an nhân dân, Bộ đội Biên phòng, cán bộ, công chức, viên chức công tác trong lĩnh vực pháp luật, người đã từng là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Kiểm sát viên, Điều tra viên hỗ trợ về chuyên môn pháp luật.
Trong giai đoạn 1 (từ năm 2024 đến 2026) thực hiện Đề án, có 30 đơn vị cấp xã được lựa chọn, thực hiện điểm, thuộc 15 tỉnh: Hà Giang, Bắc Kạn, Điện Biên, Hải Dương, Nam Định, Hà Tĩnh, Đắk Nông, Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Phú Yên, Bình Phước, Gia Lai, Bến Tre, Bạc Liêu, Tây Ninh.
Với vai trò, vị trí cũng như uy tín của mình, Hội CCB Việt Nam trong nhiều năm qua đã tham gia có hiệu quả vào công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật trong nhân dân, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, hạn chế đơn, thư khiếu nại vượt cấp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Năm 2023, toàn Hội có 64.719 hội viên CCB tham gia vào 86.414 tổ hòa giải trong cả nước; trực tiếp tổ chức hòa giải thành 13.359/14.224 vụ việc; tham gia hòa giải thành 111.133 vụ việc.
Công tác hòa giải ở cơ sở là một trong những hoạt động thành công của Hội CCB ở cơ sở với nhiều mô hình “Tổ hòa giải”. Tiêu biểu như: Năm 2023, Hội CCB tỉnh Ninh Bình tuyên truyền vận động cán bộ, hội viên và nhân dân thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, tổ chức hòa giải được 142 vụ, cho 387 người; Quý 1-2024, Hội CCB tỉnh Bình Phước hoà giải 51 vụ mâu thuẫn trong nhân dân; Hội CCB T.P Nha Trang (Khánh Hòa) luôn tích cực phối hợp với Công an, cán bộ thôn, tổ dân phố và các lực lượng khác giải quyết tốt các vụ việc nóng ở địa phương, hòa giải thành công 62 vụ mâu thuẫn trong nhân dân, với 154 lượt người trong năm 2023; Hội CCB huyện Ea Kar (Đắc Lắc) có 289 hội viên CCB là thành viên các tổ hòa giải, có 61 đồng chí là tổ trưởng, trong năm 2023 đã tham gia hòa giải thành 52 vụ… Với trách nhiệm và nhiệt huyết dành cho công tác hòa giải, nhiều năm qua, nhiều hội viên CCB đã hoàn thành tốt công việc, âm thầm đi sâu vào quần chúng để nắm bắt, thấu hiểu và kịp thời hòa giải những mâu thuẫn trong quần chúng nhân dân, góp phần hạn chế phát sinh mâu thuẫn ở địa phương.
Một người hòa giải viên giỏi cần có kỹ năng nói cho dân hiểu dân nghe, am hiểu pháp luật. Đặc biệt là tạo dựng cho bản thân hình mẫu uy tín, gương mẫu, chấp hành tốt luật pháp, đường lối chính sách của Đảng và gần gũi với người dân. Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2024-2030” ra được sẽ góp phần nâng cao kỹ năng hòa giải cũng như kiến thức pháp luật của đa số hòa giải viên còn hạn chế do nhiều hòa giải viên lớn tuổi làm việc chủ yếu dựa vào uy tín và kinh nghiệm. Ngoài ra, Đề án còn quan tâm nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật nhằm nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.
Để phát huy tối đa vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội, vấn đề trước tiên là củng cố, nâng cao chất lượng của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở, trong đó có hội viên Hội CCB, qua đó góp phần phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, giảm thiểu đơn thư kiện tụng, giảm tải công việc cho các cơ quan nhà nước, góp phần ổn định trật tự xã hội, xây dựng xã hội bình yên, xóm làng hạnh phúc, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng bền vững.
Hồ Thanh Hương