Cựu chiến binh  Nguyễn Hữu Chấp.

Sáng 25-4, tại TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên đã diễn ra Hội thảo khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - giá trị lịch sử và hiện thực”. Tại hội thảo các nhà khoa học, các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp và các cựu chiến binh đã từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 đã trình bày nhiều ý kiến tâm huyết với những luận cứ mới để làm rõ thêm giá trị của Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử và nêu lên những bài học kinh nghiệm phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay.

Báo Cựu chiến binh Việt Nam xin trích giới thiệu tới bạn đọc một số ý kiến tại hội thảo.

Đồng chí Trần Văn Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên:

Tiếp tục nuôi dưỡng tinh thần Chiến thắng Điện Biên Phủ

Điện Biên là tỉnh miền núi, biên giới nằm phía Tây Bắc của Tổ quốc, địa hình chủ yếu là núi đồi, là địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh trong chiến lược bảo vệ Tổ quốc. Điện biên là địa phương giàu truyền thống lịch sử văn hóa địa danh nổi tiếng với Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” đã đi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng, một Đống Đa trong thế kỷ XX, đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc.

Những năm qua thực hiện đường lối chủ trương đổi mới của Đảng, Nhà nước nhất là sau khi chi tách thành lập tỉnh đến nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua nhiều khó khăn thử thách, tranh thủ thời cơ phát huy lợi thế, đạt được những thành tựu quan trọng và khá toàn diện trên các lĩnh vực: Kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển, chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực, kết cấu hạ tầng tiếp tục được đầu tư, từng bước hoàn thiện. Văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến, an sinh xã hội được bảo đảm. Đời sống nhân dân từng bước được nâng lên, bộ mặt đô thị, diện mạo nhiều vùng nông thôn có nhiều thay đổi. Chính trị ổn định quốc phòng an ninh được giữ vững, quan hệ đối ngoại mở rộng, khối đoàn kết các dân tộc được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả quan trọng. Công tác thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng Đảng, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí… tạo nhiều chuyển biến rõ rệt.

Thành tựu của tỉnh Điện Biên có yếu tố đặc biệt quan trọng, đó là Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phát huy tốt truyền thống cách mạng, truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng; mở rộng quan hệ giao lưu, hợp tác với nhiều địa phương trong nước và quốc tế, đặc biệt đã thu hút được một số tập đoàn kinh tế lớn đến nghiên cứu, đầu tư vào địa bàn tỉnh, các nhà đầu tư tìm đến Điện Biên như một địa chỉ đáng tin cậy.

Có được thành tựu đó, Điện Biên luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của tỉnh, thành phố và các địa phương cả nước, các bộ, ban, ngành Trung ương với tinh thần “Điện Biên với cả nước, cả nước với Điện Biên” đã tích cực tuyên truyền, quảng bá hình ảnh quê hương, con người Điện Biên tới bạn bè, trong phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trải qua hơn sáu thập kỷ nhưng tính thời sự, tầm ảnh hưởng sẽ còn vang vọng mãi đến hôm nay và mai sau. Để bảo tồn, phát huy tôn vinh những giá trị lịch sử của chiến thắng này là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân toàn dân, của cả hệ thống chính trị và mỗi chúng ta. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên quyết tâm xây dựng quê hương Điện Biên ngày càng giàu đẹp, xứng đáng là “phên dậu” vững chắc vùng Tây Bắc của Tổ quốc.

--------------------------------

Đồng chí Giàng Páo Mỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu:

Lai Châu vững bước trên đường đổi mới

Đồng chí Giàng Páo Mỷ

Trong trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đánh bại ý chí xâm lược của thực dân Pháp đồng bào các dân tộc Lai Châu đã đóng góp 2.666 tấn gạo, 226 tấn thịt, 210 tấn rau xanh, tất cả đều vượt chỉ tiêu được giao. Huy động được 16.972 dân công, 348 ngựa thồ, hàng trăm thuyền mảng, góp 25.070 cây gỗ để chống lầy, làm đường cho xe pháo và bộ đội hành quân. Quân và dân Lai Châu phấn khởi tự hào được Đảng và Chính phủ trao tặng những phần thưởng quý báu: Toàn tỉnh có 700 cá nhân xuất sắc, chín xã điển hình, 38 bản gương mẫu được Trung ương, Khu ủy Tây Bắc và tỉnh tặng Bằng khen về công tác phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhân dân các dân tộc Lai Châu đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phục vụ chiến đấu mà Đảng và Chính phủ giao phó.

Phát huy truyền thống yêu nước, thực hiện lời căn dặn trong thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 năm qua, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Lai Châu đã đoàn kết một lòng, vượt qua vô vàn khó khăn thử thách giành nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, giữ vững biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc.

Đặc biệt, năm 2004 tỉnh Lai Châu được chia tách thành hai tỉnh Lai Châu, Điện Biên. Thời điểm mới chia tách, thành lập, Lai Châu là một trong những tỉnh nghèo nhất nước, xa các trung tâm kinh tế lớn; nền kinh tế ở điểm xuất phát thấp, quy mô nhỏ bé; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội kém phát triển; tỷ lệ đói nghèo cao, nguồn lực còn thiếu và yếu, trình độ dân trí không đồng đều, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” chia rẽ khối đại đoàn kết các dân tộc, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Lai Châu đã phát huy truyền thống đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường và đến nay đã đạt những thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực: Kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển khá, cơ cấu kinh tế ngành, lĩnh vực chuyển dịch theo hướng tích cực; tốc độ tăng trưởng GRDP hằng năm tăng khá nhanh, GRDP bình quân đầu người đến năm 2018 đạt 32,9 triệu đồng/người/năm. Thu ngân sách địa phương đạt 2.200 tỷ đồng. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện đồng bộ, có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 30,21 % tổng số xã. Kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội được quan tâm đầu tư; 100% xã có mặt đường cứng hóa đến trung tâm xã.

Các lĩnh vực văn hóa xã hội tiếp tục phát triển: Chất lượng giáo dục được nâng lên; cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở giáo dục được quan tâm đầu tư. Hệ thống y tế từ tỉnh đến các cơ sở được củng cố, phát triển; toàn tỉnh có 419 bác sĩ, đạt 9,2 bác sĩ/vạn dân; 71,3% số xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, còn khoảng 25%; có hai huyện Than Uyên và Tân Uyên được Chính phủ công nhận thoát nghèo giai đoạn 2016-2020.  Chính sách an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên. An ninh chính trị, chủ quyền biên giới quốc gia được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Công tác đối ngoại được duy trì phát triển có chiều sâu. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được triển khai thực hiện tích cực.

Với lòng tự hào và trân trọng về những thành quả đã đạt được, thấm nhuần lời dạy của Bác trong thư gửi đồng bào, cán bộ Lai Châu phát huy ý chí “quyết chiến, quyết thắng” của các chiến sĩ Điện Biên năm xưa, Đảng bộ, chính quyền và các đồng bào dân tộc Lai Châu tiếp tục vững bước trong công cuộc đổi mới, quyết tâm xây dựng quê hương Lai Châu phát triển toàn diện, nhanh và bền vững trở thành tỉnh trung bình trong khu vực miền núi phía Bắc, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

---------------------------------

Đồng chí Mùa A Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên:

Đưa tinh thần chiến thắng lịch sử vào sự nghiệp xây dựng và phát triển tỉnh Điện Biên

Trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên nêu cao tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tích cực tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc. Đó là niềm tự hào, là vinh dự của nhân dân Điện Biên. 65 năm qua, phát huy truyền thống Điện Biên Phủ anh hùng, Đảng bộ và đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên ngày nay ra sức xây dựng quê hương, đưa Điện Biên vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, quyết tâm thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Nhờ sự quyết liệt, sáng tạo trong lãnh đạo, điều hành, sự đồng thuận, nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân trong, những năm qua tỉnh Điện Biên đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Kinh tế tiếp tục tăng trưởng và phát triển; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn năm 2018 đạt 7,15%, bình quân giai đoạn 2016-2018 ước đạt 8,30%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII Đảng bộ tỉnh đề ra; thu nhập bình quân đầu người đạt 27,31 triệu đồng/người/năm, tăng 12,14% so với năm 2017; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.144,5 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 10.237,7 tỷ đồng tăng 25,27% so với năm 2017, đặc biệt là vốn đầu tư từ khu vực dân cư và các thành phần kinh tế tư nhân tăng mạnh. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư. Năng suất nông nghiệp được nâng lên nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo được một số thương hiệu sản phẩm mạnh. Tính đến cuối năm 2018, vượt chỉ tiêu số xã đạt chuẩn nông thôn mới (có 18/116 xã đạt chuẩn, vượt chỉ tiêu 11 xã).

Văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, phát thanh - truyền hình, báo chí, xuất bản cơ bản đáp ứng nhu cầu của nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng; các phong trào văn nghệ quần chúng được duy trì và phát triển. Sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân có nhiều tiến bộ; các giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc được bảo tồn, phát triển, nhiều hủ tục lạc hậu bị xóa bỏ hoặc được hạn chế. Công tác an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm chỉ đạo thực hiện, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được nâng lên.

Tình hình chính trị ổn định, quốc phòng - an ninh được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; quan hệ đối ngoại mở rộng. Giải quyết khiếu nại, tố cáo; phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thực hành tiết kiệm có chuyển biến tích cực. Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị đạt kết quả rõ rệt; hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở tiếp tục được củng cố, kiện toàn; chất lượng, hiệu quả hoạt động được nâng lên.

Những thành tựu mà Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên đã đạt được trong 65 năm qua là rất to lớn, toàn diện và đáng tự hào, trong đó có đóng góp từ phát triển du lịch, mà nòng cốt là du lịch lịch sử. Được Đảng bộ, chính quyền tỉnh Điện Biên xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, loại hình du lịch này sẽ góp phần đưa Điện Biên trở thành một trong những trung tâm du lịch hấp dẫn của khu vực Tây Bắc nói riêng và cả nước nói chung...

---------------------------------

Thiếu tướng Lê Hồng Dũng, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần:

Bài học về phát huy thế trận hậu cần nhân dân

Thiếu tướng Lê Hồng Dũng.

Sau khi Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ được thành lập, Tổng cục Cung cấp quyết định thành lập Tiền phương Tổng cục do Phó chủ nhiệm Tổng cục Đặng Kim Giang phụ trách. Dự kiến nhu cầu hậu cần chiến dịch gồm: 434 tấn đạn, 7.730 tấn gạo, 140 tấn muối, 465 tấn thực phẩm, cứu chữa 5.000 thương binh và ngày 20-1-1954 phải hoàn thành chuẩn bị về hậu cần. Tổng Quân ủy nhận định: “Để tiến hành chiến dịch rất lớn này, ta có nhiều khó khăn, khó khăn lớn nhất là cung cấp mà chủ yếu là vấn đề đường sá".

Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, toàn Đảng, toàn dân tập trung toàn lực chi viện cho tiền tuyến. Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương và ở các tỉnh cần thiết được thành lập để huy động nhân lực, vật lực; đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị được Trung ương cử vào Thanh Hoá, tỉnh có khả năng lớn nhất để động viên, đôn đốc việc huy động mọi mặt cho chiến dịch. Hơn 300 cán bộ trung, cao cấp được Đảng tăng cường cho Tiền phương Tổng cục Cung cấp. Lãnh đạo, chỉ huy Tổng cục Cung cấp và các cục chuyên ngành đều đi chiến dịch.

Tổ chức cung cấp cho chiến dịch chia thành 2 tuyến: Tuyến hậu phương do Tổng cục Cung cấp và Hội đồng Cung cấp các Liên khu Việt Bắc, Liên khu 3 và 4 đảm nhiệm. Tuyến chiến dịch do Tiền phương Tổng cục Cung cấp và Hội đồng Cung cấp Liên khu Tây Bắc đảm nhiệm. Tuyến hậu phương bàn giao dân công, phương tiện, vũ khí đạn dược, thuốc quân y, xăng dầu, gạo, muối... cho tuyến chiến dịch ở Ba Khe (Nghĩa Lộ) trên Đường 13 hướng từ Việt Bắc sang và ở suối Rút, Bãi Sang trên Đường 41.

Nhằm tập trung lực lượng bảo đảm cho phía trước, cuối giai đoạn chuẩn bị, ta có sự điều chỉnh tổ chức bố trí hậu cần. Tuyến hậu phương của Tổng cục Cung cấp và hội đồng cung cấp mặt trận các liên khu vươn đến Sơn La. Cơ quan Hội đồng Cung cấp mặt trận Trung ương do Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Trận phụ trách lên sát Cò Nòi (gần tuyến tiền phương), trực tiếp chỉ đạo việc huy động nhân lực, vật lực của Liên khu 3, Liên khu 4 và Việt Bắc. Hậu cần chiến dịch được điều chỉnh gồm 3 tuyến, mỗi tuyến có kho, trạm, lực lượng quân y và vận tải đồng bộ. Quân y chiến dịch tổ chức 3 đội điều trị ở sau đội điều trị các đại đoàn bộ binh. Các đơn vị dân công, bệnh xá, bệnh viện được bố trí theo các tuyến hậu cần. Các kho vật chất được ngụy trang kín đáo, bảo đảm bí mật, an toàn.. .

Vào lúc 17 giờ 05 phút ngày 13-3-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ mở màn bằng trận đánh vào Him Lam. Các tuyến hậu cần bước vào phục vu bộ đội chiến đấu. Để vận chuyển khối lượng lớn vật chất lên mặt trận, hậu cần chiến dịch thực hiện phương châm “lấy vận tải cơ giới là chủ yếu, triệt để phát huy cơ giới, đồng thời tranh thủ mọi phương tiện thô sơ. Toàn bộ 16 đại đội ô tô vận tải (534 xe) của Tổng cục Cung cấp được huy động. Phong trào thi đua “Vượt cung, tăng chuyển, tiết kiệm xăng dầu, giữ gìn xe tốt” phát triển sâu rộng trong các đơn vị. Tuyến vận tải chiến dịch bố trí 18 trạm điều chỉnh giao thông... Hơn hai vạn xe đạp thể được các địa phương huy động phục vụ chiến dịch.

Để bảo đảm sức khoẻ cho bộ đội chiến đấu liên tục, dài ngày trong điều kiện nuôi dưỡng rất khó khăn, hậu cận chiến dịch chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp như: Chế biến các loại thực phẩm khô, ướp muối thịt, muối dưa... gửi lên mặt trận, Hậu cần Đại đoàn 316 đưa được nhiều đàn bò từ Thanh Hoá lên Điện Biên Phủ, Hậu cần Đại đoàn công pháo 351 ướp muối hàng chục tấn thịt, Đại đoàn 312 tổ chức đội xe thồ 100 chiếc vận chuyển thực phẩm từ Phú Thọ lên mặt trận. Đại đoàn 308 khai thác tại chỗ 52 tấn củ mài, 32 tấn rau rừng, đánh bắt 32 tấn cá. Đợt 2 chiến dịch, bộ đội đào hào đánh lấn dưới làn hoả lực ác liệt của địch, trời mưa, chiến hào lầy lội... hậu cần chiến dịch chỉ đạo các đơn vị đào bếp Hoàng Cầm, tổ chức dự trữ lương thực, thực phẩm, củi khô, nước sinh hoạt tại trận địa; củng cố hầm ngủ nghỉ, nhà vệ sinh dã chiến; luân phiên tắm giặt... nên sức khoẻ bộ đội dần khôi phục và ổn định. Do thương bệnh binh tăng gấp đôi dự kiến, ngành Quân y đã huy động toàn bộ lực lượng của 7 đội điều trị (Cục Quân y), 4 đội điều trị của các đại đoàn lên chiến dịch. Trong đó 5 đội điều trị được xây dựng thành bệnh viện mặt trận, 3 đội triển khai ở tuyến hậu cần hoả tuyến. Nhiều giáo viên, sinh viên Trường đại học y dược được Chính phủ điều động lên phục vụ chiến dịch.

Trong chiến dịch, ngành Hậu cần đã huy động toàn bộ lực lượng, bảo đảm cho hơn 87.000 người tham gia chiến dịch; khối lượng vật chất phục vụ chiến dịch lên tới 20.000 tấn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá: “...Trên mặt trận Điện Biên Phủ, vấn đề bảo đảm cung cấp lương thực, đạn dược là một nhân tố vô cùng quan trọng, quan trọng không kém các vấn đề chiến thuật, khó khăn về cung cấp thực không kém khó khăn về tác chiến. Tình hình cung cấp khẩn trương từng ngày, từng giờ, không kém tình hình chiến đấu... quân địch không bao giờ tưởng tượng được rằng, chúng ta có thể khắc phục được khó khăn này. Bọn đế quốc, bọn phản động không bao giờ đánh giá được sức mạnh của cả một dân tộc, sức mạnh của nhân dân. Sức mạnh đó có thể khắc phục tất cả mọi khó khăn, chiến thắng mọi kẻ thù”.

------------------------------

Thiếu tướng Ngô Minh Tiến, Phó tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam:

Công tác tham mưu chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ - Bài học cho sự nghiệp Bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Bị thất bại liên tiếp trên các chiến trường Đông Dương, nhất là chiến trường Bắc Bộ, giữa năm 1953, với sự thỏa thuận của Mỹ, Chính phủ Pháp chỉ định tướng Nava sang làm Tổng chỉ huy Quân đội viễn chinh Pháp ở Đông Dương. Sang Đông Dương, Nava đã phác họa một kế hoạch chiến lược tương đối hoàn chỉnh nhằm xoay chuyển tình hình, chuyển bại thành thắng, trong thời gian 18 tháng giành lấy một thắng lợi chiến lược có tính chất quyết định.

Trước âm mưu và thủ đoạn của địch, Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ thị cho Tổng Quân ủy và Bộ Tổng Tư lệnh chỉ đạo Bộ Tổng tham mưu xây dựng kế hoạch tác chiến nhằm phá vỡ kế hoạch Nava. Cuối tháng 9 năm 1953, Hội nghị mở rộng Bộ Chính trị họp bàn về nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954, đã đề ra phương châm tác chiến chung là: “Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt” và xác định chủ trương tác chiến chiến lược với tư tương chỉ đạo: “Phải bảo đảm đánh chắc thắng, chắc thắng thì kiên quyết đánh, không chắc thắng thì kiên quyết không đánh”. Trên cơ sở đó, Bộ Tổng Tham mưu vừa theo dõi, đôn đốc các đơn vị triển khai thực hiện kế hoạch, vừa tổ chức, sử dụng bộ đội chủ lực mở các đòn tiến công trên khắp chiến trường, buộc địch phải phân tán, bị động đối phó, tạo thế và lực hết sức thuận lợi cho quân và dân ta tiến hành trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.

Để giữ vững thế chủ động chiến lược và chuẩn bị cho Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, Bộ Tổng tham mưu tập trung xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh; nghiên cứu xây dựng lại mẫu biên chế mới từ đại đội tới đại đoàn; thống nhất với các liên khu tuyển quân để kịp thời huấn luyện bổ sung cho các đơn vị vào cuối hè năm 1953; chỉ đạo và phối hợp tổ chức thêm Trung đoàn bộ binh 50 cho Mặt trận Tả Ngạn Sông Hồng, một trung đoàn pháo hỗn hợp, một tiểu đoàn pháo 105mm, một trung đoàn cao xạ 37mm, ba tiểu đoàn súng máy cao xạ 12,7mm và hai tiểu đoàn công binh cầu phà của Bộ; tổ chức hội nghị xây dựng lực lượng vũ trang địa phương ở vùng tự do.

Về công tác cán bộ, Bộ Tổng tham mưu cùng với Tổng cục Chính trị nghiên cứu, sắp xếp, điều chỉnh lại cán bộ tiểu đoàn và trung đoàn, đồng thời, chỉ thị cho Trường Lục quân Việt Nam đào tạo gần 2.000 cán bộ, một tiểu đoàn binh chủng (pháo binh, công binh, thông tin).

Tháng 9 năm 1953, Bộ Tổng tham mưu chuyển giao Trường Du kích chiến tranh của Bộ cho Liên khu Việt Bắc và chỉ thị mỗi liên khu mở một Trường Du kích chiến tranh. Tính đến tháng 12 năm 1953, lực lượng vũ trang của ta có tổng quân số 252.031 người, trong đó bộ binh có 6 đại đoàn, 12 trung đoàn, 17 tiểu đoàn. Lực lượng binh chủng gồm: Pháo mặt đất có một trung đoàn sơn pháo 75mm, một trung đoàn lựu pháo 105mm và một tiểu đoàn độc lập; công binh có một trung đoàn nằm trong đại đoàn công pháo; phòng không có một trung đoàn pháo cao xạ 37mm; thông tin có một tiểu đoàn; trinh sát có một tiểu đoàn. Bộ đội địa phương mỗi tỉnh có một tiểu đoàn, mỗi huyện có một đại đội. Bộ Tổng Tham mưu rất coi trọng việc nâng cao chất lượng bộ đội, đề ra yêu cầu và nội dung huấn luyện ngay trong Hè Thu năm 1953.

Thực hiện kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân 1953-1954, ta mở các đòn tiến công vào các hướng chiến trường đã xác định. Khi phát hiện chủ lực ta di chuyển lên Tây Bắc, Nava cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.  

Sau khi Bộ Chính trị hạ quyết tâm tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ, Bộ Tổng Tham mưu nghiên cứu ngay kế hoạch tác chiến theo phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Trong quá trình làm công tác chuẩn bị, ta thấy địch đã có sự thay đổi. Trước thay đổi của địch và những khó khăn của ta, nhất là khó khăn về kéo pháo, ngày 26 tháng 1 năm 1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì cuộc họp Đảng ủy chiến dịch và kết luận: chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Phương châm này sau được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị nhất trí. Đến cuối thượng tuần tháng 3 năm 1954, mọi công tác chuẩn bị chiến dịch cơ bản theo phương châm "đánh chắc, tiến chắc" đã hoàn thành, các đơn vị đã sẵn sàng bước vào chiến đấu.

Trong Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, Cơ quan Tiền phương Bộ Tổng Tham mưu vừa là cơ quan giúp Tổng Tư lệnh chỉ huy, chỉ đạo chiến trường ba nước Đông Dương, vừa làm tốt vai trò Cơ quan tham mưu cho Đảng ủy và Bộ Tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ. Bộ Tổng Tham mưu đã tiến hành công tác chuẩn bị một cách hết sức khẩn trương, đầy đủ và chu đáo; luôn theo dõi sát diễn biến chiến trường, kịp thời chỉ đạo, chỉ huy, điều hành các đơn vị vận dụng sáng tạo nhiều hình thức chiến thuật và xử trí các tình huống trong chiến dịch. Bằng việc tập trung lực lượng tác chiến hiệp đồng binh chủng chặt chẽ, quân ta đã đột phá lần lượt từng cứ điểm, cụm cứ điểm, từng phân khu, từng bước thắt chặt vòng vây, tiêu diệt các trung tâm đề kháng vòng ngoài, phá thế phòng ngự có chiều sâu bên trong của địch, tạo lập thế trận vững chắc, tiến tới đánh thẳng vào khu vực trọng yếu của địch, giành thắng lợi quyết định.

Vận dụng những bài học kinh nghiệm trong Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 và Chiến dịch Điện Biên Phủ, công tác tham mưu chiến lược hiện nay cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Thứ nhất, Bộ Tổng Tham mưu tiếp tục thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ tham mưu chiến lược cho Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng về quân sự, quốc phòng; thường xuyên nắm chắc tình hình, kịp thời đề xuất các chủ trương, đối sách đúng đắn, xử trí kịp thời, có hiệu quả các tình huống; chủ động nghiên cứu, tham mưu đề xuất, soạn thảo kế hoạch, nội dung về chiến lược, sách lược bảo vệ Tổ quốc, dự kiến những tình huống có thể xảy ra và các biện pháp đối phó có hiệu quả, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, ngăn chặn xung đột từ sớm, từ xa, không để bị động bất ngờ.

Thứ hai, chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang ba thứ quân, các quân, binh chủng vững mạnh; củng cố, kiện toàn tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh; vũ khí, trang bị từng bước hiện đại, trong đó có một số quân, binh chủng tiến thẳng lên hiện đại. Tổ chức, sử dụng lực lượng linh hoạt, phù hợp. Xây dựng quân đội có chất lượng tổng hợp ngày càng cao. Tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập. Coi trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất, năng lực, trình độ, khả năng tư duy quân sự của người chỉ huy và cơ quan tham mưu chiến lược, chiến dịch, đáp ứng yêu cầu bảo về Tổ quốc trong tình hình mới.

Thứ ba, trong tác chiến chiến lược cần chủ động nghiên cứu, nắm chắc tình hình, quán triệt tư tưởng tiến công; kịp thời xây dựng kế hoạch tác chiến chiến lược, lựa chọn phương pháp tác chiến phù hợp, linh hoạt. Chỉ đạo, chỉ huy kiên quyết, sáng tạo, linh hoạt; tổ chức hiệp đồng chặt chẽ. Luôn giữ vững quyền chủ động chiến lược. Phát huy cao độ sức mạnh của chiến tranh nhân dân với sức mạnh của các binh đoàn chủ lực; kết hợp lực lượng tại chỗ với lực lượng cơ động; giữa tiến công với phòng ngự, phòng thủ; phát huy sức mạnh tác chiến của lực lượng ba thứ quân ở cả ba vùng chiến lược, trên từng hướng chiến trường cũng như phạm vi cả nước.

Thứ tư, tăng cường củng cố tiềm lực quốc phòng, xây dựng nền Quốc phòng toàn dân, thế trận Quốc phòng toàn dân gắn với thế trận An ninh nhân dân và xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh. Thực hiện tốt chủ trương kết hợp kinh tế - xã hội và quốc phòng, quốc phòng với kinh tế - xã hội và an ninh, ưu tiên các hướng chiến lược, địa bàn trọng điểm, biên giới, biển đảo. Làm tốt công tác giáo dục Quốc phòng - An ninh; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đối với nhiệm vụ củng cố Quốc phòng bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Những bài học kinh nghiệm về công tác tham mưu chiến lược trong Đông Xuân 1953-1954, mà đỉnh cao là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã được kế thừa, phát triển và vận dụng sáng tạo trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Hiện nay, những bài học đó vẫn còn nguyên giá trị. Cán bộ chỉ huy cơ quan, đơn vị các cấp, nhất là cơ quan tham mưu chiến lược, chiến dịch cần tiếp tục nghiên cứu trong điều kiện mới, vận dụng sáng tạo vào huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

----------------------------------

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái, Tổng biên tập Tạp chí Công an nhân dân:

Dấu ấn và bài học về sự phối hợp giữa công an và quân đội

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954 là chiến công lớn nhất của dân tộc ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954). Trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến dịch Điện Biên Phủ, Công an nhân dân đã phối hợp chặt chẽ với Quân đội nhân dân và các lực lượng khác giữ gìn, bảo đảm tốt an ninh, trật tự, phòng gian, giữ bí mật, đảm bảo an toàn ở cả tiền tuyến và hậu phương, góp phần to lớn vào chiến công chung vĩ đại đó.

Để giữ bí mật cho chiến dịch, tại những khu vực cơ quan có cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, lực lượng Công an đã phát động phong trào “Phòng gian, bảo mật”, tổ chức cho quần chúng tham gia giám sát, phát hiện những người lạ mặt, những hoạt động nghi vấn; lập các trạm gác và kiểm tra giấy tờ, kịp thời phát hiện bọn gián điệp, chỉ điểm trà trộn trong số cán bộ cơ quan của ta hoặc đồng bào khu vực các cơ quan đóng quân để thâm nhập điều tra, phá hoại.

Để bảo vệ lực lượng vũ trang tham gia chiến dịch, lực lượng Công an phối hợp với Cục Bảo vệ của quân đội xây dựng kế hoạch và nội dung công tác bảo vệ, tập trung thực hiện bảo đảm tuyệt đối bí mật kế hoạch chiến dịch, bảo đảm nguyên tắc “vũ khí nằm trong tay những người tin cậy”... Trên các tuyến đường chiến lược quan trọng, các điểm giao thông trọng điểm như bến phà Âu Lâu, Tạ Khoa... Công an phối hợp với lực lượng bảo vệ Quân đội thành lập các ban bảo vệ, sắp xếp điều động theo thứ tự ưu tiên, bảo đảm thông suốt, trật tự và an toàn.

Đối với công tác tiễu phỉ, tháng 11-1953, Khu ủy Tây Bắc thành lập “Ban thống nhất chống phỉ” do đồng chí Trần Quyết, Phó Bí thư Khu ủy, Giám đốc Công an Khu Tây Bắc làm Trưởng ban với lực lượng tham gia chủ yếu là Quân đội và Công an nhằm mục đích trừ phỉ, bảo vệ địa bàn xuất phát lực lượng, cung cấp hậu cần cho Chiến dịch. Việc giải quyết căn bản nạn phỉ ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và Tây Bắc đã góp phần củng cố hậu phương vững mạnh, an toàn, đảm bảo huy động được nhân lực, vật lực đáp ứng yêu cầu của chiến dịch.

Bài học vệ sự phối hợp giữa Quân đội và Công an trong chiến dịch Điện Biên Phủ đã được hai lực lượng kế thừa, phát triển trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ căn cứ địa cách mạng, an toàn khu, vùng giải phóng, hành lang cơ động chiến lược, các chiến dịch tiến công, phản công, tiễu phỉ, bắt biệt kích, thám báo, loại trừ các tổ chức phản động chống phá cách mạng…

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, mối quan hệ phối hợp giữa Công an và Quân đội được nâng lên tầm cao mới, được thể hiện rõ trong xây dựng nền an ninh nhân dân và nền quốc phòng toàn dân, phối hợp chặt chẽ các hoạt động quốc phòng với an ninh và đối ngoại; kết hợp quốc phòng - an ninh với kinh tế - xã hội theo quy hoạch, kế hoạch và các chương trình, dự án trên từng vùng, miền, nhất là địa bàn chiến lược.

Hiện nay, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Quốc phòng tham mưu với Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 107/2003/QĐ-TTg ngày 2/6/2003 về “Quy chế phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới”; tham mưu với Chính phủ ban hành Nghị định số 77/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 về “Phối hợp giữa Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và nhiệm vụ quốc phòng”.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã lùi xa nhưng dấu ấn và bài học về sự phối hợp giữa Công an và Quân đội vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Trải qua các giai đoạn cách mạng của đất nước, lực lượng Công an nhân dân luôn kề vai sát cánh với Quân đội nhân dân, cùng toàn Đảng, toàn dân đánh bại mọi kẻ thù xâm lược, giữ vững ổn định chính trị và an ninh, trật tự, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đến nay, truyền thống đó ngày càng được củng cố, tăng cường, phát triển và được nâng lên tầm cao mới. Điều này thể hiện sự đúng đắn trong lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và điều hành của Chính phủ nhằm tăng cường quan hệ phối hợp giữa lực lượng Công an và Quân đội. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Công an và Quân đội là hai cánh tay của nhân dân, của Đảng, của Chính phủ, của chuyên chính vô sản. Vì vậy, càng phải đoàn kết chặt chẽ với nhau, giúp đỡ lẫn nhau”.

-------------------------------

Đại tá Đặng Huy Cương, Trưởng phòng Khoa học Quân sự, Quân khu 2:

Đồng bào Tây Bắc với Chiến thắng Điện Biên Phủ

Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã có những đóng góp to lớn về sức người, sức của, góp phần cùng với quân và dân cả nước giành thắng lợi, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược (1945-1954).

Đầu tháng 12-1953, Bộ Chính trị quyết định mở chiến dịch tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến của Tổng Quân uỷ. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đây là một chiến dịch lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng về quân sự, chính trị, ngoại giao; phải đánh thắng, chắc thắng mới đánh, không chắc thắng không đánh. Để bảo đảm chắc thắng, Trung ương Đảng ra chỉ thị “Toàn dân, toàn Đảng và Chính phủ nhất định đem toàn lực chi viện Chiến dịch Điện Biên Phủ và nhất định làm mọi việc cần thiết để giành toàn thắng cho chiến dịch”. Theo đó, Khu ủy Tây Bắc đã động viên toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân vùng tự do cũng như vùng tạm chiếm, huy động mọi khả năng, nhân lực, vật lực phục vụ cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Đồng bào Tây Bắc đã đóng góp hơn 7.143 tấn gạo; 389 tấn thịt, khoảng 700-800 tấn rau xanh; động viên hơn 31.818 dân công ngắn hạn, gồm 1.296.078 ngày công làm cầu đường, kho lán.

Đồng bào dân tộc tỉnh tỉnh Lai Châu, đã huy động vượt mức được giao 43 tấn gạo, hàng chục tấn thịt, rau xanh, 348 ngựa thồ, hàng chục nghìn cây gỗ chống lầy, làm đường cho xe cơ giới và bộ đội hành quân vào mặt trận. Tỉnh Yên Bái đã huy động hàng chục nghìn lượt dân công, thanh niên xung phong đi mở đường, tải đạn, tiếp lương cho bộ đội, đảm bảo giao thông thông suốt tuyến đường số 13. Nhân dân trong tỉnh còn đóng góp 300 tấn gạo, 105 tấn thịt và hàng vạn tấn rau xanh; hàng nghìn thanh niên được động viên nhập ngũ, bổ sung cho các đơn vị chủ lực.

Tỉnh Sơn La bảo đảm tuyến giao thông huyết mạch Đường 13 (nối từ tỉnh Yên Bái đến tỉnh Sơn La, dài hơn 100 km) và Đường 41 (từ cao nguyên Mộc Châu lên Tuần Giáo, Lai Châu, nối liền Việt Bắc với Tây Bắc); tỉnh đã huy động được hàng chục nghìn dân công, hàng nghìn tấn gạo, thịt và rau xanh.

Tỉnh Phú Thọ đã tuyển chọn 1.434 thanh niên lên đường nhập ngũ bổ sung vào đơn vị chủ lực; huy động một lực lượng lớn dân công với hàng chục nghìn ngày công tham gia vận tải, làm đường, bảo đảm giao thông thông suốt. Hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm được nhân dân địa phương đóng góp, kịp thời chuyển tới mặt trận.

Quân và dân Hà Giang vừa phải trực tiếp chiến đấu bảo vệ hậu phương, vừa huy động sức người, sức của phục vụ chiến dịch, với hàng chục nghìn lượt dân công, đóng góp 250 tấn thóc cho Chiến dịch Điện Biên Phủ. Tỉnh Tuyên Quang cùng với Việt Bắc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ địa cách mạng, trung tâm của cuộc kháng chiến chống Pháp, ATK của Trung ương. Đồng bào các dân tộc Tuyên Quang đã huy động hàng chục nghìn dân công, đóng góp hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm; duy trì thông suốt tuyến đường 37, nối liền Việt Bắc với Tây Bắc.

Quân và dân tỉnh Lào Cai đã tiến hành gần 1.000 trận phục kích, tập kích tiêu diệt và làm tan rã hàng nghìn tên phỉ, đập tan âm mưu gây phỉ và âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt”, bảo vệ hậu phương kháng chiến, tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần vào chiến thắng Điện Biên Phủ và giải phóng hoàn toàn Tây Bắc.

Tại Vĩnh Phúc, Quân và dân địa phương đã chiến đấu kiên cường, dũng cảm tổ chức nhiều đợt phản công, tiêu diệt và bắt sống trên 2.000 tên, phá hủy 72 xe cơ giới, thu 624 khẩu súng các loại, phá tan âm mưu bình định và củng cố vùng chiếm đóng của địch. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ đã huy động hàng nghìn dân công, tuyển chọn 791 thanh niên lên đường nhập ngũ bổ sung vào đơn vị chủ lực.

Cùng với đó, việc chuẩn bị mọi mặt cho Chiến dịch được tiến hành khẩn trương, trong đó khâu quan trọng nhất là làm đường, bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ tốt cho Chiến dịch. Đường lên Điện Biên Phủ lúc này chỉ có Đường 41 nối với Đường 6 từ Hòa Bình đi Suối Rút lên Cò Nòi, Sơn La; từ Thuận Châu qua Tuần Giáo đến Điện Biên Phủ dài 210km và Đường 13 từ Yên Bái qua Phù Yên, Bắc Yên, Tạ Khoa rồi hợp với Đường 41 tại Cò Nòi dài khoảng 120km.

Trên cả hai tuyến đường, hàng vạn dân công, thanh niên xung phong của đồng bào Tây Bắc cùng với bộ đội Trung đoàn công binh 151, ngày đêm xẻ núi, làm cầu, kè ngầm, phát tuyến trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt và sự kiểm soát, bắn phá liên tục của các loại máy bay địch. Tại những trọng điểm như đèo Lũng Lô, đèo Puốc, Pha Đin, đèo Mèo và các đầu mối giao thông quan trọng như ngã ba Cò Nòi, đèo Pha Đin, ngày cao nhất địch sử dụng 250 lần chiếc máy bay ném từ 160 đến 300 quả bom các loại. Đặc biệt, các cung đường qua đèo Pha Đin và Tuần Giáo - Điện Biên Phủ, đồng bào và các lực lượng làm đường phải lao động vô cùng vất vả, vật lộn với bao khó khăn thiếu thốn, không kể ngày đêm, nổ mìn, xẻ núi, vận chuyển hàng vạn mét khối đất đá, khẩn trương làm hàng nghìn cầu cống bằng vật liệu khai thác tại chỗ. Bằng quyết tâm và lòng dũng cảm, sau hơn ba tháng (từ tháng 12-1953 đến đầu tháng 3-1954), ta đã hoàn thành việc tu sửa các tuyến đường 13, 37, 41; mở mới thông tuyến kịp thời, bảo đảm cho vận tải cơ giới và xe kéo pháo cơ động vào mặt trận đúng kế hoạch tác chiến.

------------------------------

Đại tá Vũ Việt Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Sư đoàn 308, Quân đoàn 1:

Cơ động nhanh, chấp hành nghiêm mệnh lệnh

Ngay sau khi có mặt tại Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308 được lệnh phối hợp với một số đơn vị bạn mở tuyến đường Tuần Giáo - Điện Biên và mở gấp tuyến đường kéo pháo 105mm vào chiếm lĩnh trận địa. Mặc dù thời gian gấp, phương tiện thiếu, địa hình hiểm trở, đèo dốc phức tạp, không kịp nghỉ ngơi, nhưng toàn Đại đoàn nêu cao quyết tâm “làm đường là chiến đấu”, cán bộ, chiến sĩ gạt mọi tư tưởng ngại khó, ngại khổ trong lao động, vượt qua mưa rừng, gió rét, bom đạn địch, hoàn thành nhiệm vụ.

Theo kế hoạch, chiều ngày 26-1-1954, toàn đại đoàn đã chiếm lĩnh xong vị trí xuất phát tiến công, nhưng được lệnh chuyển sang phương án tác chiến mới “đánh chắc, tiến chắc”. Để đánh lạc hướng địch và cũng là nhằm phá thế, tiêu diệt sinh lực của chúng, tạo thêm điều kiện thuận lợi cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, Bộ Chỉ huy Mặt trận lệnh cho Đại đoàn 308 phối hợp với bộ đội Pathét Lào tiến công vào phòng tuyến sông Nậm Hu. Dù không có thời gian chuẩn bị, chưa nắm sát địa hình và tình hình, nhưng thấu triệt tinh thần “quân lệnh như sơn”, toàn Đại đoàn đã vượt qua núi cao, rừng sâu, vừa đi vừa nắm tình hình, “nhằm thẳng hướng tây mà tiến”.

Hoảng sợ trước bước tiến của Đại đoàn Quân Tiên phong, quân Pháp vội bỏ Mường Khoa. Lập tức, Đại đoàn chuyển sang truy kích, đuổi địch đến tận Mường Sài, tiến công giải phóng Nậm Bạc, tiếp tục truy kích địch đến gần cầu Luông Pha Băng, diệt địch ở Nậm Ngà, Pắc Xường, Bản Na, sát bờ sông Mê Công. Phòng tuyến sông Nậm Hu của địch bị phá vỡ làm cho tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bị cô lập từ phía Tây.

Ngày 18-2-1954, sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Thượng Lào, Đại đoàn được lệnh gấp rút hành quân về tham gia tiêu diệt địch ở Điện Biên Phủ. Khi Đại đoàn vừa về đến mặt trận, thì cũng là lúc chiến dịch bắt đầu mở màn. Mặc dù không có thời gian chuẩn bị, Đại đoàn vẫn lập tức bước vào cuộc chiến đấu mới. Đêm 14 rạng ngày 15-3, Đại đoàn 308, tiến công tiêu diệt cứ điểm Độc Lập. Phải chiến đấu trong điều kiện mưa to, địa hình phức tạp, hỏa lực địch dày đặc, nhưng chỉ sau ba giờ chiến đấu, các đơn vị của Đại đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ. Ngay sau đó, Đại đoàn tiếp tục đánh tan 2 tiểu đoàn lính dù và 8 xe tăng địch từ Mường Thanh ra phản kích. Bước vào đợt 2 của chiến dịch các đơn vị của đại đoàn vừa làm dự bị cho cánh quân phía Đông, vừa phụ trách phía Tây Mường Thanh sau đó là chiến đấu ở đồi A1…

Ngày 10-4, Đại đoàn nhận lệnh của Bộ Tổng tư lệnh yêu cầu Đại đoàn 308, tiếp tục làm trận địa tiến công 206, 312A, 311B, 310 và trận địa chặn viện giữa 105 và 206, 206 và 208 và phối hợp với Đại đoàn 312 làm giao thông hào cắt ngang sân bay phía Nam. Củng cố các trận địa trú quân và xuất phát tiến công. Đại đoàn đã chấp hành nghiệm mệnh lệnh và từng bước bóc những lớp vỏ cuối cùng của tướng Đờ Cát-xtơ-ri.

Ngày 1-5-1954, đợt 3 chiến dịch bắt đầu. Trung đoàn 36 nhanh chóng làm chủ cứ điểm 311A; tiêu diệt gọn cứ điểm 311B (ngày 4 tháng 5); Trung đoàn 102 tiến công tiêu diệt cứ điểm 310 (ngày 6 tháng 5). 15 giờ ngày 7-5, Bộ Chỉ huy Mặt trận ra lệnh tổng công kích. Từ phía Tây, các đơn vị của Đại đoàn 308 đánh thẳng vào sở chỉ huy địch ở Mường Thanh, cùng các đơn vị bạn ở phía Đông giáp công tiêu diệt các vị trí cuối cùng của địch. Đến 17 giờ 30 phút, quân ta đánh chiếm sở chỉ huy địch, bắt sống tướng Đờ Cát-xtơ-ri cùng toàn bộ Bộ Tham mưu của tập đoàn cứ điểm, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, Đại đoàn 308 luôn nhận nhiệm vụ trong tình trạng gấp, thời gian chuẩn bị gấp rút, phải triển khai thực hiện ngay, nhưng với tinh thần kỷ luật, chấp hành nghiêm mệnh lệnh, Đại đoàn đã vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ. Những bài học này vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay, để xây dựng Sư đoàn “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước biện đại”, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

-------------------------------------

Đại tá, TS Phạm Đình Bách, Chủ nhiệm bộ môn Lịch sử quân sự, Khoa Chiến lược, Học viện Quốc phòng:

Bước phát triển vượt bậc về nghệ thuật quân sự

Cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953-1954, đỉnh cao là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ đã giáng đòn quyết định đánh bại hoàn toàn kế hoạch Nava, đập tan ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Giơnevơ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nghệ thuật quân sự Việt Nam có bước phát triển vượt bậc trên cả ba lĩnh vực: chỉ đạo chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật.

Về chỉ đạo chiến lược, Bộ Chính trị, Tổng Quân ủy đã rất nhạy bén, sớm phát hiện và đánh giá đúng âm mưu chiến lược của địch; chỉ đạo kiên quyết, linh hoạt, giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược của ta.

Trong Đông Xuân 1953-1954, ta đã giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược gắn liền với nắm vững và đánh giá đúng âm mưu chiến lược mới của địch. Do đó, trong chỉ đạo chiến lược, ta sử dụng mọi biện pháp để giữ vững và phát huy quyền chủ động chiến lược nhằm phá vỡ khối cơ động tập trung của địch, buộc chúng phải điều từng bộ phận địch đến những hướng khác nhau, chọn những hướng thuận lợi để tập trung lực lượng tiến công tiêu diệt chúng; đánh địch cả trên mặt trận chính diện và mặt trận sau lưng địch, phối hợp và tiến công địch trên khắp các chiến trường, khoét sâu vào mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán binh lực của địch buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó. Và như vậy, nghệ thuật chỉ đạo chiến lược đã tạo ra sự kiện Điện Biên Phủ, buộc Nava phải chấp nhận quyết chiến với ta ở Điện Biên Phủ. Khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ hình thành, cấp chiến lược đã phân tích tình hình rất khoa học và sớm hạ quyết tâm chiến lược: tập trung lực lượng mở chiến dịch tiến công tiêu diệt tập đoàn cứ điểm này. Đây là quyết định rất chính xác của Bộ Chính trị, là sự vận dụng rất sáng tạo tư duy quân sự “tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu” trong nghệ thuật quân sự truyền thống, phát triển sang đánh thẳng vào chỗ mạnh nhưng có nhiều sơ hở của địch để giành thắng lợi quyết định. Đó cũng chính là nét đặc sắc, là bước phát triển cao về nghệ thuật chỉ đạo chiến lược của chiến tranh nhân dân Việt Nam.

Về nghệ thuật chiến dịch, trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã giải quyết thành công nhiều vấn đề mới, nhất là nghệ thuật chiến dịch tiến công, được thể hiện ở những nét tiêu biểu sau:

Một là, xác định đúng phương châm chiến dịch, tập trung ưu thế binh hoả lực, đánh chắc thắng, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch, từng bước uy hiếp, tiến tới tiêu diệt khu vực trọng yếu của địch. Qua đi sâu phân tích, đánh giá chủ trương “đánh nhanh, giải quyết nhanh”, thấy rằng đánh nhanh không bảo đảm giành thắng lợi, nó trái với tư tưởng chỉ đạo tác chiến: đánh chắc thắng của ta. Việc chuyển phương châm sang “đánh chắc, tiến chắc” phù hợp với điều kiện địa hình, cho phép ta tạo ưu thế lớn không chỉ về binh lực mà cả về hoả lực cho từng trận đánh, bảo đảm chắc thắng cho từng trận chiến đấu, do đó bảo đảm chắc thắng cho chiến dịch. Phương châm tác chiến đúng đã được thực tế chứng minh, chúng ta đã tập trung ưu thế binh hoả lực đột phá đánh chắc thắng, tiến công tiêu diệt lần lượt từng bộ phận quân địch, đập vỡ từng mảng phòng ngự của chúng, tiến lên tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ.

Hai là, chiến dịch đã sớm hình thành thế bao vây, xây dựng trận địa tiến công và bao vây ngày càng siết chặt từng cụm cứ điểm và cả tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế trận liên hoàn của địch. Từ khi cấp chiến lược hạ quyết tâm mở chiến dịch và quá trình chuẩn bị chiến dịch Điện Biên Phủ, ta đã từng bước tăng cường lực lượng, hình thành thế bao vây quân địch. Khi chiến dịch diễn ra, hệ thống giao thông hào đan xen và xiết chặt từng phân khu, từng cụm cứ điểm, thậm chí từng cứ điểm địch, phát huy tác dụng trong tiến công cũng như bao vây chia cắt địch.

Ba là, chọn cách đánh hiểm, phát huy uy lực mọi loại vũ khí của ta, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch. Nét đặc sắc của cách đánh chiến dịch Điện Biên Phủ là lựa chọn “vây hãm, tiến công đột phá dứt điểm lần lượt”. Vây hãm tạo điều kiện cho đột phá, đột phá thắng lợi tạo điều kiện cho vây hãm chặt hơn, lại để đột phá có hiệu quả hơn, mạnh hơn, từng bước làm suy yếu quân địch cả về lực lượng và thế trận, tiến tới tổng công kích.

--------------------------------

Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Chấp, nguyên chiến sĩ của Đại đoàn 312:

Ký ức không phai mờ về trận Him Lam

Khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi là chi ủy viên, Khẩu đội cối 82, Đại đội 290, Tiểu đoàn 166, Trung đoàn 209, Đại đoàn 312 (nay là Đại đội 12, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 312, Quân đoàn 1).

Ở Chiến dịch Điện Biên Phủ, sau khi giúp các đơn vị pháo binh kép pháo vào trận địa, chúng tôi về trú quân ở dãy Tà Lèng chờ đợi ngày xuất quân. Quân gần hai tháng chuẩn bị, các đơn vị đều mong mỏi được đánh trận mở màn nhưng chỉ Đại đoàn 312 chúng tôi mới được Bộ chỉ huy mặt trận chọn tấn công vào cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch.

Để tiến công cứ điểm này, cán bộ, chiến sĩ của đại đoàn được quán triệt là trận đánh khó khăn phải nêu cao quyết tâm chiến đấu giành thắng lợi trận đầu, các đảng viên đều viết quyết tâm thư, sẵn sàng xung phong hoàn thành nhiệm vụ ngay trong đêm 13-3 không để trận đánh kéo dài sang những ngày hôm sau.

12 giờ đêm ngày 12-3-1954, từ Tà Lèng, chúng tôi hành quân chiếm lĩnh trận địa, gần sáng đội hình của đại đoàn đã đến cánh đồng quanh cứ điểm. Cả ngày bao quanh cứ điểm Him Lam, cứ nghe loa của Pháp ra rả “Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm bất khả xâm phạm, các bạn đừng nghe lời tướng Giáp mà đánh vào. Đánh vào không còn đường về với bố mẹ”. Nhưng chúng tôi đâu có để ý. Tinh thần chiến đấu lên cao, chờ giờ nổ súng mở màn chiến dịch. Cả ngày nắng chang chang, không một ai nao núng.

17 giờ ngày 13-1954, pháo ta tập trung bắn vào Him Lam, ngày loạt đầu đã trúng vị trí cờ chỉ huy của Pháp trong cứ điểm nên anh em hết sức phấn khởi. Trong khi pháo đang bắn cấp tập quân địch chưa kịp phản ứng thì các đơn vị xung kích đánh chiếm cửa mở. Sau một giờ chiến đấu lá chờ “Quyết chiến, quyết thắng tung bay trên cứ điểm 3. 22 giờ 30 phút cứ điểm 2 cũng nằm dưới sự khống chế của ta. 23 giờ 30 phút Đại đoàn 312 đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, diệt 300 tên, bắt 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị. Như vậy sau 5 giờ chiến đấu đại đoàn chúng tôi đã hoàn toàn làm chủ trung tâm đề kháng Him Lam, tạo nên một niềm tin mãnh liệt, có sức lan tỏa nhanh chóng đối với bộ đội ta trên tất cả các mặt trận.

PV

Đồng chí Trần Văn Sơn.