Chị H’Blơn kể: khoảng hơn 15 năm trước, làng chị rất nghèo, chuyện đói cơm, đứt bữa ở các gia đình xảy ra thường xuyên. Gia đình chị cũng vậy, vì thiếu lương thực nên bà nội lấy lá sắn trộn với gạo nấu cho cả nhà ăn, ăn xong cả nhà bị ngộ độc, suýt mất mạng. Nghĩ lại những ngày tháng đó, giờ chị vẫn còn sợ. “Vươn lên thoát nghèo là cả một hành trình gian nan, nhưng với bà con dân tộc thiểu số thì phải bắt đầu từ thay đổi nếp nghĩ, cách làm” - chị Rơ Lan H’Blơn khẳng định.
Rơ Lan H’Blơn tâm sự: Chị và nhiều hộ gia đình khác ở làng Đo, xã Ia Dơk có cuộc sống khá giả như ngày hôm nay, bắt đầu từ việc vào làm công nhân cho Công ty 74. Ở đây, Công ty đã tuyên truyền cho bà con thay đổi suy nghĩ và lối canh tác cũ dựa vào tự nhiên. Động viên bà con dám nghĩ, dám vươn lên làm giàu. Đồng thời tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc các loại cây, hỗ trợ vốn, phân bón cho bà con. Cứ như vậy, trong suốt quá trình trò chuyện với tôi, Rơ Lan H’Blơn chỉ nói về bà con và công ty, chị không hề nhắc đến mình. Nhưng tôi biết chị là một người công nhân có tay nghề cao, luôn đạt loại giỏi và xuất sắc trong các lần kiểm tra, hội thi, hội thao các cấp. Vì vậy, vườn cây chị nhận chăm sóc luôn sinh trưởng tốt, kết quả khai thác đạt và vượt kế hoạch công ty giao. Riêng năm 2017, đạt 120% kế hoạch. Ngoài ra, vườn cây riêng của gia đình chị với gần 4ha, gồm: điều, cao su, cà phê cũng phát triển tốt, cho thu nhập mỗi năm hơn 70 triệu đồng, giúp gia đình không chỉ thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên quê hương mình.
“Chăm sóc cây cũng như chăm sóc con người vậy đó anh! Mình phải toàn tâm, toàn ý với nó. Mọi tác động vào cây đều phải đúng thời điểm, đúng kỹ thuật” - Chị Rơ Lan H’Blơn nói rồi chỉ tôi xem làm thế nào để có mái che chắn nước mưa cho từng cây cao su trên phần cạo mủ đạt chuẩn. Sự sắc bén của con dao cạo mủ cao su, đường cạo đúng kĩ thuật và khi vào mùa mưa chị phải tỉ mỉ kiểm tra, đánh dấu vị trí rò rỉ trên từng cây cao su như thế nào để khắc phục… Những điều đó không chỉ cho thấy tâm huyết, sự yêu nghề, mà là cả quá trình học tập, rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm của chị Rơ Lan H’Blơn trong gần 10 năm làm công nhân của Công ty 74.
Trên cương vị là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ Đội 9, chị Rơ Lan H’Blơn còn truyền cảm hứng và giúp chị em, đặc biệt là người đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”. Khi tôi hỏi về Danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở 5 năm liên tục (2013-2017), chị nói đó chưa phải là phần thưởng lớn nhất, mà lớn nhất là bà con làng Đo, xã Ia Dơk bây giờ không phải ăn cơm trộn lá sắn nữa.
Sơn Tùng