Một thời xông pha chiến trận
Phan Tư Kỳ, sinh ra và lớn lên tại thôn Long Quang, (xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nơi đây là địa bàn xẩy ra nhiều chiến trận ác liệt, nhưng quân và dân ta đã kiên cường, chịu đựng chiến đấu lập chiến công. Để rồi từ đó, cái “Thôn” nhỏ bé này được vinh danh bằng một tên gọi khác là “Chốt thép Long Quang” trên chiến trường Quảng Trị.
Lớn lên trong những năm tháng chiến tranh, tích cực tham gia hoạt động, Phan Tư Kỳ được tiến cử giữ chức Xã đội trưởng xã Triệu Trạch. Với tác phong chỉ huy gan dạ, mưu trí, đồng chí Kỳ đã chỉ huy lực lượng du kích hoàn thành nhiêm vụ và phối hợp với bộ đội địa phương, các lực lượng tại chổ chiến đấu nhiều trận lập chiến công xuất sắc. Thành tích của Phan Tư Kỳ được tóm tắt là, đã tham gia chiến đấu 84 trận, trong đó trực tiếp chiến đấu với đồng đội 67 trận, tiêu diệt 637 tên địch, bắn cháy 17 xe tăng, phối hợp với đơn vị bạn bắn cháy 3 máy bay địch. Ghi nhận thành tích đó, Phan Tư Kỳ đã được Mặt trận DTGP miền Nam Việt Nam tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công Giải phóng hạng 2, hạng 3, cùng với nhiều Danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ quyết thắng, và Huy hiệu dũng sĩ các loại. Từ khi quê hương giải phóng cho đến 1984, ông được cán bộ, đảng viên, nhân dân tin bầu giữ các chức vụ Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch xã và Chủ nhiệm Hợp tác xã, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, uy tín với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương...
Sâu sắc: “nghĩa cử, nghĩa tình” với đồng đội
Nghĩa trang liệt sĩ xã Triệu Trạch có 610 ngôi mộ là các liệt sĩ tại địa phương và trên nhiều miền quê đất nước, đa số họ là bộ đội, du kích đã từng hoạt động, chiến đấu cùng Phan Tư Kỳ, nhưng không may đã hy sinh tại “Chốt thép Long Quang” này. Trong đó, có các liệt sĩ quê ở các tỉnh, thành phố miền Bắc đi theo tiếng gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Vì đồng bào miền Nam ruột thịt”. Nay quê hương, đất nước đã được thống nhất 42 năm, (tỉnh Quảng Trị 45 năm), nhưng các liệt sĩ vẫn yên nghĩ mãi mãi tuổi 20 tại đất khách quê người. Những gia đình của liệt sĩ có điều kiện, nhân các dịp lễ, tết hàng năm vào đây thắp hương, thăm viếng, nhưng cũng có các gia đình cha mẹ già yếu, hoặc hoàn cảnh đặc biệt không đến thăm viếng chồng, con, em mình được. Vì lẽ đó mà hội viên Cựu chiến binh (CCB) Phan Tư Kỳ tự nguyện đến với công tác quản lý nghĩa trang liêt sĩ (gọi tắt: quản trang) để ngày đêm được chăm sóc hương khói các phần mộ, làm sạch đẹp NTLS. CCB Tư Kỳ đã 12 năm làm công tác quản trang thì gần 4000 ngày bên các liệt sĩ, nhất là vào các ngày Thành lập Quân đội Nhân dân (22/12), ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc (30/4), ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7) và Tết cổ truyền của dân tộc, đến từng phần mộ thắp hương và tâm sự, để hương hồn các liệt sĩ nơi chín suối không cảm thấy đơn côi. Và trong các ngày lễ đó, ông thường dùng máy, băng nhạc đi đến bên các phần mộ ngồi hồi lâu mở các bài ca cách mạng cho các liệt sĩ nghe. Theo ông, các bài hát là động lực tinh thần chiến đấu trong chiến tranh, nhưng sẽ không thừa khi mình đưa đến các ca khúc cách mạng truyền cảm này đến với các liệt sĩ. Bởi vì, thân xác các liệt sĩ đã yên nghỉ vĩnh hằng nơi chín suối, nhưng linh hồn của họ vẫn còn sống mãi. Cùng với công tác quản trang, ông Kỳ và đồng đội kết hợp với chính quyền địa phương, dành nhiều thời gian đi tìm kiếm, cất bốc nhiều hài cốt liệt sĩ, trả lại tên tuổi, bổn quán cho nhiều trường hợp bị thất lạc, hoặc có mộ nhưng là mộ vô danh. Ông kỳ còn viết nhiều lá thư, tin thông báo, trả lời người bốn phương gửi đến tìm mộ người thân hy sinh…
Đã có các đồng chí lãnh đạo, thân nhân các liệt sĩ và các nhà báo hỏi về công việc quản trang, ông Tư Kỳ nói: “Sự hy sinh của các liệt sĩ đã để lại nỗi mất mát, đau thương rất lớn cho thân nhân, gia đình và đồng đội cùng đơn vị thì việc mình làm có nề hà chi khó nhọc và đòi hỏi đến phụ cấp, mà đó là một cách bồi đáp trả ơn xương máu của bao đồng bào, đồng chí, đồng đội đã anh dũng hy sinh tại mảnh đất “Chốt thép Long Quang” này. Mình sẽ tự nguyện làm công việc này cho đến khí sức tàn lực kiệt, không làm được nữa thì mới thôi và khi vĩnh biệt cõi đời này thì mình cũng tự hào đã làm được một việc có ích cho đời, đóng góp công sức nhỏ bé vào hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, với xã hội và thể hiện trách nhiệm “Nghĩa cử, nghĩa tình” với đồng đội đã anh dũng hy sinh”….
Năm 2012, Phan Tư Kỳ được Tỉnh ủy Quảng Trị tặng bằng khen về “Thành tích trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Mười hai năm tự nguyện làm công tác quản trang là những năm tháng âm thầm, lặng lẽ cống hiến công sức nhỏ bé của mình với thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ người trồng cây” mà người Việt Nam đã bao đời nay tôn trọng nâng niu, gìn giữ. Ông thất xứng đáng với tên gọi gần gũi giữa đời thường mà cán bộ, nhân dân và đồng đội mến tặng: Ông Tư Kỳ “quản trang”.

Nguyễn Ngọc Chiến (kể)(Nhân Mùi ghi)