Ông Hội (thứ hai phải sang) trao đổi với khách hàng về kỹ thuật trồng bưởi.
Chúng tôi, nhóm CCB từ Hà Nội đến xã Hùng Xuyên (Đoan Hùng, Phú Thọ) để mua bưởi, được ông Bùi Võ - đồng đội cũ hồ hởi giới thiệu: “Các bác chẳng phải đi đâu xa, vào ngay “ông Hội đổi mới”! Hóa ra là CCB Đặng Quốc Hội!
Sĩ quan trẻ… phục viên
Đầu năm 1980, Huyện đội Đoan Hùng, tỉnh Vĩnh Phúc (nay thuộc Phú Thọ) và Lữ đoàn 144 Bộ Tổng Tham mưu nhận được bản đơn do ông Đặng Đức Tý - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đông Khê (nay là xã Hùng Xuyên, huyện Đoan Hùng) đồng kính gửi. Trong đơn có đoạn: “Vợ chồng tôi có 9 con đẻ (7 trai, 2 gái) và 2 con nuôi, thành 11 đứa. Đặng Quốc Hội sinh năm 1957, nhập ngũ ngày 15-2-1975, ở Lữ đoàn 144, là cả. Nay, đàn con đều chưa lập gia đình…, mà bố mẹ thì tuổi già xồng xộc tới. Vạn bất đắc dĩ, chúng tôi đề nghị Huyện đội Đoan Hùng và Lữ đoàn 144 giúp đỡ, cho cháu Hội ra quân để hỗ trợ bố mẹ nuôi dạy các em. Khi chúng tôi qua đời thì Hội chủ trì trách nhiệm để các em nên người”.
Hai lần gửi đơn đi, ông Tý đều nhận được phúc đáp, đại ý: Gia đình cố gắng khắc phục, vì rất cần những người như đồng chí Hội để phục vụ Quân đội lâu dài.
Lần thứ ba, ông Tý dùng bài “Rợ buộc chân”, bắt Hội lấy vợ - cô Thu, giáo viên mầm non ở xã mà bà Nụ vợ ông đã đánh tiếng “giữ chỗ” từ khi cô mới ra trường (1977). Năm 1983, Hội - Thu sinh con đầu lòng. Ông Tý liền trực tiếp gặp Chỉ huy Lữ đoàn 144, trình bày: “Các đồng chí cho phép tôi lấy tư cách một đảng viên báo cáo với tổ chức Đảng của Lữ đoàn. Tôi vào Đảng trước năm 1945, làm cán bộ xã Đông Khê liên tục, từ Bí thư Nông hội, rồi Phó chủ tịch - Trưởng Công an, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp hồi chống Mỹ; hiện là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã. Quê tôi còn nghèo khó lắm. Mà lớp cán bộ chủ trì như chúng tôi thì đến lúc phải nghỉ rồi! Vậy nên, tôi muốn Hội về tham gia đội ngũ nòng cột xây dựng địa phương. Cũng là bởi Hội có sức khỏe, có chí tiến thủ và quan trọng nhất là được rèn luyện trở thành cán bộ, đảng viên tại đơn vị bộ đội “chính quy bậc nhất”. Đó còn là một cách để gia đình tôi báo ân đối với xã Đông Khê - miền đất đã giang tay đón chúng tôi, từ khi tôi mới thành niên. Do hồi đó xóm quê tôi (nằm ven sông Hồng, thuộc huyện Phúc Thọ tỉnh Hà Tây) bị sạt lở, không còn chỗ đứng”.
Nghe đến khúc này, chỉ huy đơn vị đã họp bàn… Và năm sau - 1983, Thiếu úy, Trung đội trưởng Đặng Quốc Hội được đơn vị giải quyết chế độ phục viên
.
Trận tuyến mới và danh xưng “Ông Hội”
Thiếu úy Hội về quê, bố mẹ ông còn khỏe. Nhưng chế độ bao cấp đã đạt đỉnh điểm lỗi thời. Đói rét rình rập sau cánh cửa từng gia đình. Trong gian nhà tạm mới dựng giữa mảnh vườn, ông nghe cụ Tý dặn dò: “Bố mẹ cho con ở riêng để sớm biết tự lập. Con phát huy truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, nối nghiệp bố, góp phần để xã nhà khỏi đói nghèo. Muốn vậy, phải vừa lo kinh tế gia đình, nuôi nấng con cái nên người, giúp đỡ các em; vừa phải “chung lưng đấu cật” với lãnh đạo xã. Rất nặng nề, nhưng bố tin con làm được!”.
Thấm lời bố, ông Hội dành 3 năm đầu “bới đất lật cỏ”, tăng gia trên mảnh vườn gầy. Cô giáo Thu, ngoài giờ hành chính, sát cánh cùng chồng… bắt đầu và chính yếu từ cây quýt, tạo cơ sở vật chất. Ông bà vận động các em cùng làm theo mình. Chẳng bao lâu, những gánh hàng “Quýt ông Hội”, “Rau ông Hội”, “Gà vịt nhà ông Hội”… đắt như tôm tươi ngay tại vườn, tại chuồng và ở các chợ. Cảm phục ý chí, tinh thần trách nhiệm và sự năng động của ông Hội, Đại hội Đảng bộ xã Đông Khê, nhiệm kỳ 1986-1987 bầu ông vào cấp ủy. Ông được phân công làm Phó chủ tịch xã. Rồi qua đại hội các nhiệm kỳ sau, ông làm Chủ tịch xã 10 năm liền (1989-1999).
Ngay từ những ngày mới tham gia công tác lãnh đạo xã, ông Hội đã nghĩ, nhà mình mà đói rách thì vận động dân làm kinh tế xóa đói nghèo, liệu có ai nghe!? Thế nên, ông quyết phương châm: Nêu gương đi đôi với thuyết phục, và quyết liệt tổ chức thực hiện. Không nói suông! Đầu năm 1990, ông chỉ đạo đầu tư xây dựng trạm điện của xã. Có điện, ông tiên phong lập xưởng xẻ gỗ của gia đình, áp dụng khoa học kỹ thuật chế biến nông sản, nuôi lợn nái…, kinh tế lên rõ rệt. Nhà nhà học tập ông đổi mới cách làm ăn. Từ năm 1994, nông sản Đông Khê ngày càng dồi dào, ông cho thành lập khu mua bán trao đổi hàng hóa phục vụ dân sinh. Bà con thích quá, gọi nó là “Chợ ông Hội”. Xã còn cho cải tạo, nâng cấp đường sá ngày một rộng rãi, khang trang.
Điện, đường, trường, trạm hiện hữu cùng với mối liên kết “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông) làm cho Đông Khê khởi sắc đến rộn ràng trong các khu vườn. Cây quýt qua 7 mùa bội thu, bắt đầu thoái hóa, trả lại đất cho cây đặc sản truyền thống. “Bưởi Đoan Hùng” có thêm bạn, như bưởi Xuân Vân, bưởi Khả Lĩnh…
Nhờ kinh tế từng bước phát triển, xã Đông Khê ngày càng ổn định về mọi mặt, từng bước đi lên. Ông Hội, tiếp tục công tác đến khi nghỉ hưu.
Nay, với 3 người con đã trưởng thành, 7 cháu nội ngoại đều chăm ngoan. Ông Hội vẫn nhắc nhở các em và con cháu noi gương tiền nhân, gia cảnh đầm ấm đừng quên góp phần xây dựng quê hương đất nước mạnh giàu…
Bài, ảnh: Phạm Xưởng