Trên tay cầm chiếc cào cỏ và một cái thùng, sáng từ 8 giờ đến 9 giờ 30, chiều từ 16 giờ đến 17 giờ 30, ông Hồ Cửu đi dọc theo kè biển nơi ông ở để thu gom rác thải. Ông Cửu luôn rong ruổi ở khắp bờ kè, hễ nơi nào có rác là ông đến, từ các loại rác thải đến xác cá, động vật chết... được ông thu gom về một chỗ đốt mỗi ngày. Chính vì thế mà tuyến kè biển ngày càng sạch hơn.

Sau khi thu gom, ông Cửu tập kết rác lại và đốt ngay trong ngày.
Không chỉ thế, vệ sinh môi trường ở thôn 3, nơi ông Cửu đang sinh sống cũng khá sạch sẽ. Người dân ở đây đều bỏ rác đúng nơi quy định, không còn vứt rác ra đường nữa. Bởi ông Cửu đã trang bị cho thôn ông một thùng đựng rác và mua một chiếc xe ba bánh, vận động bà con bỏ rác vào thùng. Cứ chiều tối ông đẩy xe 3 bánh kéo rác đến nơi tập kết rồi đốt sạch sẽ.

Ông Lê Hậu - Trưởng ban điều hành Dự án bảo vệ rùa biển cho biết: Trong khuôn khổ Dự án “Bảo vệ rùa biển phục vụ phát triển du lịch sinh thái có sự tham gia của cộng đồng tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau tỉnh Bình Thuận” thì việc thu gom rác dọc kè biển của ông Hồ Cửu là một hành động thiết thực góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ rùa biển. Việc làm của ông đã được địa phương, Ban Điều hành Dự án rùa biển ghi nhận, biểu dương những nỗ lực của ông trong công tác vệ sinh môi trường.

Tuy là hộ nghèo, nhưng ông Hồ Cửu đã tự trang trải chi phí mua xe và các vật dụng phục vụ cho công việc thu gom rác của mình mà không đòi bất cứ quyền lợi nào từ chính quyền địa phương.

Năm 2017, khi xã Phước Thể phát động phong trào thực hiện chương trình ánh sáng nông thôn, ông Hồ Cửu cũng đã tự bỏ tiền để mua 8 bóng điện thắp sáng những con đường hẻm chưa có điện, với chi phí gần 3 triệu đồng.

Thông qua việc làm giữ gìn vệ sinh môi trường biển của ông Hồ Cửu sẽ đánh thức tinh thần tự giác và ý thức cộng đồng của mọi người từ một việc làm rất nhỏ, đó là không vứt rác bừa bãi để cùng chung tay bảo vệ môi trường sống xanh sạch đẹp.

Kim An