Công tác di dân, tái định cư các dự án thủy điện luôn được Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương quan tâm, chỉ đạo; chính quyền địa phương các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu có nhiều nỗ lực, khắc phục khó khăn, đặc biệt có sự đồng tình ủng hộ của người dân. Công tác di dân, tái định cư Dự án thủy điện Sơn La đã thực hiện hoàn thành đúng và vượt tiến độ, góp phần quan trọng vào việc xây dựng hoàn thành dự án thủy điện Sơn La đúng tiến độ, cung cấp điện năng để phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Sau hơn 15 năm thực hiện, Dự án di dân, tái định cư thủy điện Sơn La, đời sống của người dân tái định cư đã từng bước được ổn định, tuy vậy vẫn còn gặp nhiều khó khăn như, sản xuất quy mô nhỏ, phân tán, manh mún còn phổ biến, phương thức canh tác lạc hậu, năng suất, chất lượng thấp, sức cạnh tranh không cao, thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, phát triển kém bền vững; hệ thống kết cấu hạ tầng đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ nhưng do địa hình có độ dốc lớn, hay xảy ra thiên tai (mưa, lũ, sạt lở đất, ...) công tác quản lý còn hạn chế và không có nguồn kinh phí để duy tu, bảo dưỡng nên các công trình bị hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng (đặc biệt là các công trình giao thông và công trình cấp nước sinh hoạt, thủy lợi), làm ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của người dân. Chính vì vậy, việc xây dựng Đề án nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất gắn với cơ cấu kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp cho đồng bào vùng di dân tái định cư là rất cần thiết.
Để triển khai thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư, Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ về Đề án, Phó Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thiện Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La, rà soát Đề án theo định hướng chỉ tập trung vào các đối tượng tái định cư còn nghèo (người già, người tàn tật, mất khả năng lao động, trẻ em); hỗ trợ giảm nghèo cho người dân tái định cư còn nghèo đói (gạo, thực phẩm, vật dụng phục vụ sinh hoạt); hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng xây dựng vùng hàng hóa lớn, tập trung (chăn nuôi đại gia súc, trồng cây ăn quả, trồng rừng, nuôi trồng thủy sản lòng hồ, chế biến nông lâm sản...); hỗ trợ duy tu bảo dưỡng và cải tạo nâng cấp các công trình hạ tầng (giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch); nhằm phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ... nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân vùng khó khăn, nâng cao đời sống tinh thần cho người dân vùng tái định cư, góp phần giảm nghèo bền vững.
Thời gian thực hiện Đề án từ năm 2018-2025 (giai đoạn 1: 2018-2020 và giai đoạn 2: 2021-2025).
Phó Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan, cân đối bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương cho Đề án (dự phòng trung hạn giai đoạn 2016-2020 và đề xuất nguồn cho giai đoạn 2021-2025), báo cáo Thủ Tướng Chính phủ theo quy định.
Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách trung ương cho Đề án; báo cáo Thủ tướng Chính phủ cơ chế hỗ trợ lại cho các địa phương từ việc phân chia lợi nhuận của dự án thủy điện Sơn La.
UBND các tỉnh: Sơn La, Điện Biên, Lai Châu phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, hoàn thiện Đề án; cân đối nguồn vốn ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động khác để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án.
Căn cứ ý kiến của các Bộ, cơ quan liên quan và nhiệm vụ đã giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương hoàn thiện Đề án, dự thảo Quyết định phê duyệt Đề án, phối hợp với UBND tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu báo cáo Phó Thủ tướng Chính phủ chủ trì cuộc họp thông qua Đề án tại tỉnh Sơn La trong tháng 3/2018.
VPCP