Olympic 2012 đã chính thức khép lại với nghi lễ trao cờ cho thành phố đăng cai Olympic lần sau là Rio de Janeiro (Brazil). Hầu hết các ý kiến đều thống nhất Olympic London 2012 là một trong những Thế vận hội thành công nhất lịch sử, cả về công tác tổ chức và chuyên môn. Chủ nhà thành công rực rỡ Nước chủ nhà Anh đã nỗ lực tối đa để cung cấp cho hàng chục nghìn HLV, VĐV, quan chức, báo chí đến từ hơn 200 quốc gia trên thế giới một kỳ đại hội thể thao đáng nhớ. Các điều kiện sinh hoạt, tập luyện và thi đấu của VĐV đều đạt tiêu chuẩn cao cấp nhất thế giới hiện nay. Ngay chuyện ăn uống cũng được BTC lo chu đáo đến khẩu vị của từng vùng miền nên nhận được nhiều lời khen ngợi từ các VĐV. Nước chủ nhà cũng tổ chức rất nhiều sự kiện văn hóa để hưởng ứng Thế vận hội. Ngay trong Làng Olympic cũng thường xuyên có những lễ hội nhỏ hoặc những buổi biểu diễn mang lại không khí vui nhộn cho các VĐV. Theo tính toán, nước chủ nhà đã tổ chức đến 500 sự kiện văn hóa bên cạnh Olympic để tạo nên không khí "ăn Olympic, ngủ Olympic'' trên toàn Vương quốc Anh. Công tác an ninh cũng được bảo đảm tối đa, nhưng vẫn giữ được sự thoải mái cho các đoàn tham dự. Hệ thống giao thông của London cũng được vận hành tối đa và hiệu quả để hạn chế chuyện tắc đường, trong đó việc dành làn đường riêng cho Olympic được đánh giá cao. Về chuyên môn, Olympic lần này cũng có nhiều bước tiến đáng ghi nhận. Có tổng cộng 30 kỷ lục thế giới được phá, xét về con số thì còn kém so với Olympic trước, nhưng không kém về chất. Ở Olympic trước, sự bùng nổ về số lượng kỷ lục chủ yếu gắn với việc các VĐV bơi sử dụng đồ bơi công nghệ cao để hỗ trợ thành tích nên đã có 25 kỷ lục mới. Ở lần này, dù không có đồ bơi LZR Racer (có thể tăng thành tích từ 1,9-2,2% giây), nhưng vẫn có 9 kỷ lục mới được phá. Theo nhiều chuyên gia, số lượng kỷ lục bơi giảm 2/3 nhưng vẫn được đánh giá cao vì chúng được phá bởi chính sức mạnh thật sự của VĐV chứ không dựa trên thiết bị hỗ trợ. Nếu bỏ qua các kỷ lục ở môn bơi thì số lượng kỷ lục ở Olympic lần này nhiều hơn Olympic 2008 khá nhiều (21 so với 12). Ngoài thành công về công tác tổ chức, nước chủ nhà Anh cũng ghi dấu ấn khi đoạt thành tích cao nhất trong lịch sử tham dự các kỳ tham dự Olympic từ năm 1908 trở lại đây. Đây cũng là kỳ Olympic đánh dấu bước tiến lớn về bình đẳng giới khi lần đầu tiên các đoàn Saudi Arabia, Qatar, Brunei Darussalam có VĐV nữ trong thành phần đoàn của mình, đồng thời môn quyền Anh nữ cũng lần đầu được tổ chức. Mỹ giành lại ngôi đầu Sau khi để mất ngôi đầu vào tay Trung Quốc ở Olympic trước, đoàn Mỹ đã trở lại mạnh mẽ khi giành đến 46 HCV, bỏ xa Trung Quốc đến 8 HCV. Đây là thành tích cao nhất của thể thao Mỹ kể từ sau Olympic Los Angeles 1984 và cũng là thành tích cao thứ ba trong lịch sử tham dự Thế vận hội, chỉ sau 2 lần vào năm 1904 và 1984 khi Mỹ đóng vai chủ nhà. Đóng góp lớn vào sự tăng tiến thành tích của đoàn Mỹ là 2 môn chủ lực: bơi lội và điền kinh. Bơi lội Mỹ giành đến 16 HCV, hơn Olympic trước 4 HCV, chiếm 50% số HCV ở nội dung bơi trong bể. Điền kinh Mỹ cũng đứng đầu với 9 HCV, hơn Olympic trước 2 HCV, đặc biệt là giành lại ưu thế ở các nội dung chạy nước rút nữ từ tay Jamaica. Đoàn Trung Quốc giảm 13 HCV so với Olympic trước do sự sa sút của hàng loạt môn thế mạnh: thể dục (từ 11 HCV xuống còn 5 HCV), cử tạ (8 HCV xuống 5 HCV), bắn súng (5 HCV xuống 2 HCV), judo (3 HCV xuống 0 HCV), nhảy cầu (7 HCV xuống 6 HCV)... Tuy nhiên, cũng phải ghi nhận sự tiến bộ chung của thể thao nước này khi có được kỳ Olympic thành công nhất trong những lần tham dự ở nước ngoài. Tiến bộ đáng kể nhất của đoàn Trung Quốc chính là môn bơi khi trở thành cường quốc số 2 thế giới sau Mỹ với 5 HCV cùng 2 kỷ lục thế giới. Nhìn chung, trật tự trong tốp 10 nước đứng đầu khá ổn định khi các cường quốc vẫn phát huy được thế mạnh, thay đổi duy nhất trong tốp 10 là Hungary thế chỗ cho Nhật Bản, nước bị mất ưu thế ở môn judo sở trường. Tuy vậy, Olympic 2012 vẫn là đại hội thành công với thể thao Châu Á khi hàng loạt quốc gia như Kazakhstan, Iran, CHDCND Triều Tiên... tiến khá nhanh để tiếp cận tốp 10. Ngược lại, thể thao Đông Nam Á lại có kỳ Thế vận hội buồn khi lần đầu không có HCV sau 24 năm. Hải Anh (TH)