Chuyến bay của Tổng công ty bay dịch vụ Việt Nam đưa đoàn CCB Mỹ do Trung tướng lục quân Harold G. Moore – nguyên trung tá, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn 1, Trung đoàn 7, Lữ đoàn 3, Sư đoàn kỵ binh không vận số 1 Mỹ (sư đoàn kỵ binh bay) dẫn đầu, sang thăm lại chiến trường Ia Đrăng – Chư Prông, thuộc tỉnh Gia Lai, đã giảm độ cao, từ từ hạ cánh xuống một vùng đất rộng, bằng phẳng. Bãi cỏ xanh xung quanh rạp hẳn xuống đất bởi gió từ cánh quạt của máy bay lên thẳng. Những cây “khộp” thưa thớt, khẳng khiu, mấy chiếc lá to bằng chiếc quạt mo đung đưa, nghiêng ngả muốn rụng theo từng đợt gió mạnh của cánh quạt máy bay. Đây đó, trên vạt cỏ le (lính Mỹ gọi là cỏ voi) nhấp nhô các ụ mối màu nâu xám…
Ngày 19-10-1965, tiếng súng mở màn chiến dịch Plây Me lịch sử được lệnh khai hỏa. Chư Ho, đồn tiền tiêu án ngữ trên điểm cao hướng đông nam của Trại huấn luyện đặc biệt (biệt kích) Plây Me, chỉ sau vài phút đã bị tiêu diệt.
Trung đoàn 33 (E33) đảm nhiệm bao vây trại huấn luyện đặc biệt Plây Me nhằm mục đích “vây đồn” để Trung đoàn 320 (E320) phục kích trên đường 21 “diệt viện” ngày 23-10-1965. Bằng sự châm ngòi hoàn hảo, thắng lợi giòn giã, E320 đã xóa sổ chiến đoàn 3 thiết giáp ngụy, tiêu diệt gọn tiểu đoàn lính biệt động quân (BĐQ) và đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn BĐQ ngụy khác…
Núng thế, Woetmoreland phải điều Sư đoàn kỵ binh bay Mỹ từ Bình Định lên Tây Nguyên và đúng như kế hoạch ta chuẩn bị, chúng đã dẫn xác đến đổ quân “nhảy cóc” và ồ ạt ném lính kỵ binh bay xuống các “bãi đáp” để cho Trung đoàn 66 (E66), E33 và các đơn vị bạn đánh cho tơi tả, diệt gọn một tiểu đoàn kỵ binh bay Mỹ, đánh thiệt hại nặng một tiểu đoàn kỵ binh bay Mỹ khác, bắn rơi và cháy gần sáu chục máy bay.
Dẫn đoàn khách CCB Mỹ tham quan Ia Drăng lần này, có Thượng tướng Nguyễn Hữu An, Đại tá Vũ Đình Thước và Đại tá Nguyễn Hảo.
Mỗi người đều hồi tưởng lại sự kiện diễn ra ở Ia Đrăng. Ngày ấy, Thượng tá Nguyễn Hữu An là Phó tư lệnh Mặt trận B3, được phân công đi chiến dịch với cương vị Tư lệnh Sở chỉ huy tiền phương mặt trận; Trung úy Vũ Đình Thước là đại đội trưởng C3, D7, E66. Các anh nhớ lại những vị trí của mình trong trận chiến ấy, dường như mới xảy ra rất gần đây thôi. Hình ảnh những cán bộ, chiến sĩ ta tả xung, hữu đột với quân thù. Bom pháo địch trút xuống xé trời, lở đất… Phía đoàn khách Mỹ không giấu vẻ ngậm ngùi vì họ đang trở lại chính nơi mà hàng mấy trăm đồng đội của họ đã vĩnh viễn ra đi.
Bỗng từ phía bìa rừng, một vị khách Mỹ cao lênh khênh, tay cầm nửa chiếc mũ sắt rỉ nói: “Đây là chiếc mũ của Roossway Adam. Một viên đạn AK47 đã xé đôi chiếc mũ. May mắn cho Adam không chết nhưng anh bị thương rất nặng ở đầu. Chúng tôi đã mang được anh ấy lên trực thăng. Tôi sẽ mang nửa chiếc mũ sắt này về Mỹ làm kỷ niệm”.
Một người nghe câu chuyện mà Bibét, nguyên xạ thủ súng máy, đồng đội cũ của Adam vừa kể, đều ngỡ ngàng với câu tuyên bố của anh.
Vài ngày nữa anh sẽ về Mỹ, gặp lại Adam và những người CCB Mỹ khác, khi đưa “vật kỷ niệm” này liệu mọi người sẽ phản ứng như thế nào?... Riêng với Adam thì chắc chắn phải lẩm bẩm cầu Chúa vì đã ban cho anh sự may mắn! Còn bao người khác của Sư đoàn kỵ binh bay Mỹ và các quân nhân Mỹ đã từng tham chiến tại miền Nam Việt Nam chỉ có thể rùng mình xác nhận sự thất bại cay đắng không riêng gì ở thung lũng Ia Đrăng, mà còn ở bất cứ nới nào trên đất nước Việt Nam này họ đến, cũng đều phải trả giá như thế!...
Hoàng Khánh