Chân dung nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm và bức tượng của chị trong sân trường THCS Bình Ngọc, Móng Cái, Quảng Ninh.
Hoàng Thị Hồng Chiêm cùng những liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc như tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ hôm nay.
"Có những đóa hoa dịu dàng không rực rỡ, mà hương thơm thắm mãi chẳng hề phai. Có những cuộc đời bình dị mà trong sáng, gợi cho chúng ta một lẽ sống đẹp tuyệt vời”. Đó là những ca từ nhạc sĩ Phạm Tuyên viết về Hoàng Thị Hồng Chiêm - nữ liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại Đồn biên phòng Pò Hèn (Móng Cái, Quảng Ninh) trong trận chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc Tổ quốc ngày 17/2/1979.
"Khoảng 4h45’ ngày 17/2/1979, trời còn tối, chiến sự nổ ra. Địch dùng hỏa lực pháo bắn quá nhiều. Tôi đi từ hầm chỉ huy ra cổng thì gặp cô Chiêm đi lên cầm 1 khẩu K44, không rút lui mà lại cầm súng lên đồn cùng anh em chiến đấu. Chỉ có lòng yêu nước mới có được tinh thần ấy". 40 năm đã trôi qua nhưng người lính cựu Hoàng Như Lý vẫn nghẹn ngào khi nhắc đến người đồng đội đặc biệt trong trận chiến bi tráng năm xưa.
Trong ký ức của người lính đồn Công an vũ trang 209 (nay là Bộ đội biên phòng) Pò Hèn năm ấy, Hoàng Thị Hồng Chiêm là cô gái mậu dịch viên nhanh nhẹn, tháo vát của cửa hàng bách hóa thương nghiệp cách đồn không xa. Sinh năm 1954, quê ở Bình Ngọc, Móng Cái và từng trải qua rèn luyện trong quân ngũ, năm 1975, Hoàng Thị Hồng Chiêm chuyển ngành về Hợp tác xã địa phương, rồi được điều lên Pò Hèn, thường xuyên vượt 30 km đường rừng để chuyển hàng lên điểm cao biên giới.
Ở tuổi thanh xuân, tình yêu đẹp nảy nở giữa Hồng Chiêm và hạ sĩ Công an vũ trang Bùi Văn Lượng. Tình yêu ấy bình dị, nhẹ nhàng mà sâu đậm sau những buổi giao lưu văn nghệ, thi đấu bóng chuyền với anh em chiến sĩ đồn Công an vũ trang 209.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, nữ công nhân lâm nghiệp tại Pò Hèn ngày ấy, vẫn vẹn nguyên trong ký ức hình ảnh về liệt sỹ Hoàng Thị Hồng Chiêm: “Chị Hoàng Thị Hồng Chiêm là người trắng trẻo, niềm nở, nói năng dễ nghe, đi vào lòng người nên rất dễ gần. Chị ấy đã một đời cống hiến cho sự nghiệp, chúng tôi rất kính phục”.
Trước khi cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới nổ ra, đã có nhiều lần các đơn vị, cơ quan của ta bị địch phục kích, quấy phá. Khối lâm trường, thương nghiệp cũng được lệnh lùi về tuyến sau. Ngày 16/2/1979, nhận thấy dấu hiệu của một trận đánh lớn, Hoàng Thị Hồng Chiêm và anh Vượng, cửa hàng trưởng chuyển nốt số hàng, cùng anh Thắng Chủ tịch xã, anh Định y sĩ ở lại trông coi, bảo vệ...và rạng sáng ngày 17/2, họ đã trở thành những chiến sĩ nơi tuyến đầu.
Ông Hoàng Như Lý nhớ lại, sau loạt pháo kích ồ ạt, địch dùng chiến thuật biển người tấn công lên đỉnh Đồi Quế. Lực lượng của ta khi đó chỉ khoảng 60 người nhưng vẫn cầm cự được hơn 6 tiếng đồng hồ. Giữa khói lửa đạn bom, Hồng Chiêm lúc trực tiếp cầm vũ khí chiến đấu, lúc làm nhiệm vụ băng bó cho các chiến sĩ bị thương.
“Cô ấy đi trên giao thông hào, hình ảnh rất nhanh nhẹn mà vững vàng. Khi mà súng hóc đạn có một chiến sĩ đưa cho cô ấy khẩu súng khác, cô ấy cầm súng lên cùng anh em ở đồn chiến đấu. Chắc là vì có một băng đạn nên có khi hết rồi, cô ấy quay lại tôi mới bảo lấy bông băng băng cho anh em. Lúc ấy cô ấy bị thương nên vào hầm. Sau này được biết là cô ấy hy sinh trong hầm của chỉ huy”, ông Hoàng Như Lý kể lại.
Thanh xuân của chị mãi mãi dừng lại ở tuổi 25. Người yêu của chị là anh Bùi Văn Lượng, Đồn phó Anh hùng LLVTND Đỗ Sỹ Họa,…và hơn 40 chiến sĩ của đồn Công an vũ trang 209 Pò Hèn đều có cùng một ngày giỗ - một ngày xuân bi tráng.
40 năm đã qua, Đồn Công an vũ trang 209 nay là Đài tưởng niệm uy nghiêm, xung quanh cây xanh rợp mát. Hàng vạn cựu chiến binh và học sinh, sinh viên cùng nhân dân cả nước đã về đây, cùng nhau ôn lại truyền thống và thể hiện ý chí đoàn kết, tiếp bước cha anh bảo vệ, dựng xây đất nước. Trên tấm bia vấn vít khói hương, cái tên Hoàng Thị Hồng Chiêm cùng những liệt sỹ đã anh dũng hy sinh năm ấy như rực lên, tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ trẻ hôm nay.
Năm 1979, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã truy tặng Hoàng Thị Hồng Chiêm Huy chương Tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc, ghi tên chị vào trang sử truyền thống của Đoàn.
Thiếu tướng Phùng Quốc Tuấn, Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng Việt Nam bồi hồi: “Tôi cảm thấy rất xúc động và tự hào khi được nghe về nữ liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, chị đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả sự sống của mình cho Tổ quốc. Máu đào của các anh chị đã tô thắm lá cờ Tổ quốc. Sự hy sinh của các anh các chị là tấm gương sáng về lòng quả cảm vì nghĩa lớn. Chiến công, tên tuổi của các anh chị là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng”.
Từ biên viễn Pò Hèn ra tới biển khơi Trà Cổ, Bình Ngọc, có một ngôi trường kề bên sóng biển. Trong sân trường là bức tượng người con gái đất Bình Ngọc, mắt sáng ngời, tay trái cầm báng súng, tay phải cầm thủ pháo sẵn sàng chiến đấu. Ngày ngày, các em thơ ê a học bài, ríu rít vui đùa quanh chị - đóa hoa Hồng Chiêm nở mãi khi xuân về./.
Theo VOV.VN