Nhưng ngay giữa thời bình, tại vùng biển Tiền Hải- Thái Bình, Đại đội dân quân Gái với những “nữ chiến binh” vẫn ngày ngày gắn bó với trận địa pháo.
“Các đồng chí chuẩn bị công tác chiến đấu, kiểm tra binh khí, lấy thăng bằng, thống nhất điểm bắn…”- Tiếng hô của Đại đội trưởng Đại đội dân quân Gái (Đại đội C4- Bộ chỉ huy biên phòng tỉnh Thái Bình) Phạm Thị Quýt vang lên giữa công sự trận địa, khiến bất cứ ai tham gia cuộc tập luyện đều như có cảm giác bâng khuâng khó tả, có phần nể phục khi các chiến sĩ trên trận địa toàn bộ là nữ.
“Nhớ về…trận mạc năm xưa”
Chúng tôi đi xuyên qua con đường mòn rợp bóng phi lao mát rượi, nhìn thấy những nòng pháo dựng lên trong ráng chiều biển Đồng Châu và nghe thấy thưa thưa tiếng cười con gái lao xao vọng lại từ khoảng đồng xanh um cỏ. Những tiếng lao xao ấy bắt đầu dẫn dắt cho chúng tôi nghe về nỗi “tương tư” của họ với… những khẩu pháo hiên ngang, với cuộc sống trận mạc nhiều gian khó.
Câu chuyện của Đại đội trưởng Quýt, giúp chúng tôi nhận biết về những ngày tháng đầu tiên hình thành lên Đại đội nữ dân quân anh hùng này. Cách đây hơn 40 năm, cuộc chiến chống Mỹ ở miền Bắc diễn ra ác liệt. Ngày 22-12-1967, Đại đội dân quân Gái huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình được thành lập, nhằm bảo vệ các công trình thủy lợi phục vụ cho những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay phía Nam của tỉnh; bảo vệ những cây cầu và trục đường giao thông quan trọng của huyện, đồng thời, khống chế địch trên hai cửa sông Trà Lý và cửa Ba Lạt - sông Hồng, chặn đánh các đường bay thấp của địch vào miền Bắc.
Ngày đó, Đại đội C4 đã tham gia nhiều trận đánh trên quê hương, bắn rơi 3 máy bay địch và làm bị thương nhiều chiếc khác. Người dân quanh vùng kể lại, cứ sau mỗi trận đánh, khúc sông Kiến Giang chảy qua xã Đông Lâm, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình lại dậy sóng. Con sóng ấy cuộn lên từ tiếng khóc, tiếng cười và cả máu trên cơ thể những người con gái bên mâm pháo khét lẹt mùi khói đạn...
Phận nữ pháo binh…
Từ những chiến công hào hùng đã đi vào lịch sử, biết bao thế hệ phụ nữ đã chấp nhận cuộc sống xa gia đình để chuyên tâm cho con đường binh nghiệp. Hiện nay, số quân toàn Đại đội C4 có gần 40 người. Đại đội trưởng Phạm Thị Quýt cho biết: Tôi gắn bó với Đại đội từ khi còn là một cô học trò tóc bím 2 vai, nhỏ nhắn, xinh xắn; đến giờ tôi là người phụ nữ mang trọng trách chỉ huy Đại đội và bên cạnh thiên chức người mẹ, người phụ nữ trong gia đình tôi vẫn luôn động viên chị em miệt mài với trận địa. Tuy nhiên, chị không ngại bộc bạch: Nếp sống trong quân đội đối với những “bóng hồng”, nhất là với nữ pháo binh vẫn luôn là điều không dễ dàng!
Chị kể: Mới 21 tuổi, nữ dân quân Nguyễn Thị Mến- cô em út của Đại đội đã có “thâm niên” 4 năm gắn bó với nơi này. Mến thường hồi tưởng về những ngày còn đi học, nhớ về câu hát “Lúc còn thơ ngắm nhìn anh bộ đội, thấy ngôi sao sáng ngời con thích lắm mẹ ơi!”. Câu hát ấy giờ Mến vẫn luôn nhắc đi nhắc lại khi cùng với đồng đội tập trận. Nhưng trong mỗi buổi tập luyện, sự nặng nhọc đè lên đôi vai nhỏ gầy làm các chị vất vả hơn. Thao tác mở lán pháo, đặt pháo, di chuyển pháo lên xuống nếu như với nam giới chỉ cần 3 người, nhưng với Đại đội C4 của các chị lại cần tới tận 10 nữ dân quân. Và sau mỗi buổi lăn lộn trên thao trường, ai nấy đều mệt nhoài, áo quần lấm lem đất.
Mong manh hạnh phúc…!
Bên cạnh công việc của pháo binh, cuộc sống lao động tăng gia của chị em ở nơi này cũng nhiều gian nan. Việc tăng gia sản xuất chăn nuôi, trồng rau, cây quả để nâng cao cuộc sống hàng ngày được duy trì. Nhưng khó khăn nối tiếp khó khăn khi nơi các chị “đóng đô”- vùng ven biển Tiền Hải, phần lớn là đất cát, rất khó trồng lúa; hoa màu khó có thể tốt tươi. Bởi vậy có những đợt đại đội trồng cả mấy héc- ta hoa, rau màu nhưng đều thất bại, mất trắng. Nhìn những cánh đồng bạc màu vì xói mòn của gió biển, ai nấy đều thắt lòng… Nhưng hơn bao giờ hết, với những nữ pháo binh họ vẫn vượt qua.
Đại đội trưởng Quýt tâm sự, bộ phận trực chiến 24/24 là một khẩu đội gồm 8 người, đều là “lính phòng không” cả! “Với những đồng chí lập gia đình thì phải gánh vác trách nhiệm nhiều hơn. Trong cuộc sống các nữ pháo binh còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi với mức lương chỉ có 1 triệu đồng; nếu đem so sánh với mức lương của công nhân thì thu nhập có nhỉnh cao hơn chút ít nhưng lại không có thời gian chăm sóc cho gia đình bởi phải “bám pháo” 24/24 giờ. Nhiều lúc nghĩ đến hạnh phúc riêng, muốn tìm một công việc khác, nhưng vì không dứt được tình yêu với… pháo nên vẫn miệt mài gắn bó”.
Cuộc sống tập thể tuân theo những nguyên tắc nhà binh đã thành nếp trong các chị. Sau những giờ phút tập trận, các chị lại chan hòa trong vui tươi, vượt qua những bỡ ngỡ, xa cách ban đầu để chia sẻ cùng nhau. Mọi người trong Đại đội C4 đều coi chị Quýt là chị cả, có buồn, có vui đều tâm sự như chị em trong gia đình.
Chị Quýt kể, mỗi chị em là một hoàn cảnh, người xa gia đình, người thì hạnh phúc riêng không trọn vẹn… Như mình đây thì sống trong cảnh mẹ góa con côi, có đứa con duy nhất cũng phải xa mẹ- gửi ở nhà ông bà ngoại trông giữ hộ. Vẫn biết là còn nhiều khó khăn, nhưng ngoài những nhiệm vụ chung, mọi người dành cho nhau tình thương yêu để bỏ qua những nỗi tủi buồn, mặc cảm, rồi động viên nhau cố gắng!
Nghe những gì và thấy những gì các nữ dân quân giữa thời bình ở Tiền Hải, chúng tôi phần nào hiểu được rằng, tình đồng đội không chỉ có ở trong chiến đấu, không chỉ có ở giữa chiến trường khốc liệt, mà nó luôn hiện hữu giữa mọi thời đại và còn là sự sẻ chia giữa đời thường - người lính luôn có những khoảnh khắc vui buồn, giản dị mà nồng ấm vô cùng…
Bài và ảnh: Tư Hoành - Nguyễn Dung