Lấy công việc làm lẽ sồng

Năm 1968, vừa tròn 23 tuổi, đang là Phó chủ tịch kiêm Trưởng công an xã, chị Lương Thị Tuệ được điều động làm đại đội trưởng, đại đội TNXP 555, thuộc đội 55-P18, chỉ huy gần 200 cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông từ Ngã ba Đồng Lộc, Cầu Bạng đến Cống 19 (Phú Lộc), đường 70, đường 15… đều là những trọng điểm đánh phá các liệt của máy bay Mỹ. Đại đội TNXP 555 luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, hai năm liền được T.Ư Đoàn tặng cờ thi đua. Năm 1973, chị Tuệ được đề bạt làm Đội phó, Đội 55-P18 kiêm Bí thư đoàn Tổng đội, sau đó chị chuyển ngành về Hội Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày ấy, chị Tuệ có người yêu, hai gia đình đã dạm ngõ từ năm 1965 thì anh vào miền Nam chiến đấu. 8 năm sau, anh chị mới làm lễ thành hôn. Lại 8 năm sau nữa, khi đứa con thứ hai vừa tròn 1 tuổi thì chồng chị đột ngột ra đi do căn bệnh sốt rét ác tính mang ở chiến trường về. Chị nén đau thương vừa nuôi con nhỏ, vừa công tác, dự học các lớp bổ túc để nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn. Lấy công việc làm lẽ sống, chị được bầu làm Phó chủ tịch, rồi Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh Hà Tĩnh, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, bằng khen Chính phủ, chiến sĩ thi đua toàn quốc... Nghỉ hưu năm 2001, chị tham gia vào Dự án “Tín dụng tiết kiệm”, được vay 200 triệu đồng chia cho các xã điển hình để chị em phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Với cương vị Phó chủ tịch Hội cựu TNXP tỉnh, chị cùng BCH tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, nhất là vận động từ nhiều nguồn vốn xây tặng hơn 450 ngôi nhà tình nghĩa cho hội viên. Chị em phụ nữ, TNXP tự hào về chị, người “Lấy công việc làm lẽ sống”.

Thân gái dặm trường

Năm 1965, cô gái trẻ Lê Thị Phương Thảo tạm biệt quê hương Hà Nam vào C5 anh hùng, Đội 25 TNXP, bảo đảm giao thông đường 20 quyết thắng. Trong 3 năm liên tục, C5 hứng chịu 969 trận bom B-52 rải thảm, trên 2.000 trận máy bay cường kích đánh phá trọng điểm cua chữ A và ngầm Ta Lê. Chị đã cùng đồng đội chiến đấu, bảo vệ cung đường, được kết nạp vào Đảng khi mới tròn 18 tuổi và bổ nhiệm làm Tiểu đội trưởng, Chính trị viên trung đội. Trong lần ra Hà Nội báo cáo thành tích, chị được cử đi học khóa 1, Trường Tuyên giáo T.Ư (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Không phụ lòng tin của đồng đội đang chiến đấu ngoài chiến trường, chị tích cực phấn đấu và đạt thành tích cao trong học tập. Tốt nghiệp, chị được chọn về Trường Nguyễn Ái Quốc II (nay là Học viện Chính trị, Hành chính khu vực I, Học viện Chính trị, Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh), làm công tác giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Chị đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, được bổ nhiệm Phó khoa, Trưởng khoa rồi Phó giám đốc học viện. Trên mỗi cương vị ở giảng đường hay nhà quản lý, nhà khoa học, chị đều thể hiện khí chất người nữ chiến sĩ Trường Sơn anh hùng. Nghỉ hưu chị được bầu làm Phó chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam, Chủ tịch Hội Đồng đội nữ cựu TNXP T.Ư, Trưởng ban liên lạc toàn quốc Nữ chiến sĩ Trường Sơn. Chị cùng đồng đội chăm lo xây dựng tổ chức Hội phát triển sâu rộng, hoạt động có hiệu quả; nhất là tham gia giải quyết chế độ chính sách và hoạt động tình nghĩa. Chị cùng Hội và Ban liên lạc đưa 14 cựu TNXP và 2 cháu con TNXP mồ côi dân tộc K'ho ở Quảng Ngãi về nuôi dưỡng tại Trung tâm dưỡng lão và hướng nghiệp tài năng trẻ Phật Tích (tỉnh Bắc Ninh); giúp 200 nữ cựu TNXP, nữ chiến sĩ Trường Sơn đặc biệt khó khăn được hỗ trợ thường xuyên mỗi người 500.000 đồng/tháng. 3 năm qua, nữ cựu TNXP và nữ chiến sĩ Trường Sơn được các tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm ủng hộ 20 tỷ đồng, trên 500 nhà tình nghĩa, chị đã cùng Hội và Ban liên lạc kịp thời chuyển đúng đối tượng ở các địa phương với tâm nguyện sớm ngày nào, đồng đội bớt khó khăn ngày ấy.

Các chị là niềm tự hào, là sự truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay, góp phần vào công cuộc đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

Bài và ảnh: Xương Giang