Trong những ngày tháng Tư lịch sử này, chúng tôi đã có dịp về công tác tại huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa). Cũng như mọi người dân Việt  Nam, hai tiếng “Trường Sa” với mỗi chúng tôi thật thiêng liêng và cuốn hút. Ba ngày, hai đêm từ thành phố mang tên Bác ra Trường Sa, con tàu mang số hiệu 957 của chúng tôi gặp cơn gió mùa đông bắc muộn. Biển động, sóng gió cấp 5 như thử sức, thử lòng người. Mưa, gió lớn và những con sóng biển lừng lững thi nhau đùa nghịch, vần vũ con tàu làm hơn nửa số người trên tàu say sóng, nôn mật xanh mật vàng… ấy vậy mà, vào lúc chiều muộn ngày thứ ba, khi ai đó kêu lên: “Đảo! Đảo! Thấy Song Tử Tây rồi các anh, các chị ơi!”, thì toàn tàu như có phép màu lạ kỳ. Từ các khoang tàu, mọi người cùng chạy ùa lên boong chào đảo. Trường Sa thân thương ơi! Chúng tôi đã đến đây!…  Tình người ở Trường Sa 

Ra Trường Sa, tình người, tình đồng chí anh em đậm đà lắm. Tình yêu Tổ quốc gắn kết con người lại rất nhanh, đặc biệt tại nơi xa xôi, vất vả như thế này, con người ta dễ tin, dễ gần nhau, cảm thông, chia sẻ cho nhau. Đến bất cứ đảo nào, đoàn công tác của chúng tôi cũng được đón tiếp thật trọng thị. Biết nước ngọt là của quý ở đảo, khi thấy anh em chiến sĩ mang những chậu nước ra mời rửa mặt mà lòng không nỡ. Ngủ ở đảo Song Tử Tây một đêm, lại trằn trọc khi thấy anh em mình rải chiếu ra sàn nhà ngủ, nhường giường cho mình. Cả anh em dân chài cũng vậy, đến thăm nhà dân, có chủ nhà hiểu ý mời luôn khách vào tắm. Cảm thông với những vất vả của chiến sĩ, anh em đoàn chúng tôi chẳng ai bảo ai đều san bớt phần lớn những thuốc lá, bánh kẹo, đồ hộp, sữa Vinamilk… vợ chuẩn bị trước lúc lên đường để đem lên đảo tặng cho chiến sĩ.

Nhưng những chuyện này thực là chuyện nhỏ khi chúng tôi lên đảo chứng kiến mối quan hệ máu thịt giữa quân và dân trên các đảo ở Trường Sa. Chúng tôi đã đến thăm một số gia đình ngư dân, trong đó có gia đình anh Nguyễn Ngọc Hải, hộ số 7 ở thị trấn Trường Sa khi anh vừa đi đánh lưới ở biển về. Để một con cá chép biển lưng gù lại cho vợ con nấu bữa tối, anh nhanh tay xếp những con to còn lại vào chiếc túi lưới mang lên tặng cho bếp ăn chiến sĩ. Anh cho biết ở đảo, không có chuyện bán - mua mà chỉ có sự giúp đỡ nhau thực lòng. Bộ đội giúp dân nhiều lắm, không chỉ nhà anh mà các nhà dân ở đây đều được giúp làm nhà vững chãi, chia sẻ những bao đất trồng rau, khám chữa khi có bệnh, giúp con trẻ học bài. Ngư dân trên các xã đảo ở Trường Sa nay đều có cuộc sống khá sung túc, một phần lớn đều được sự giúp đỡ của bộ đội. ở xã đảo Song Tử Tây, gia đình ngư dân Hồ Dương hơn hai lần được bộ đội giúp. Dịp cuối năm 2008, anh Dương bị tai biến mạch máu não, hẹp phế quản cấp tính, đã được các bác sĩ quân y trên đảo do bác sĩ trạm trưởng Đào Thanh Tùng phụ trách kịp thời cứu chữa... Sau một tuần điều trị tại bệnh xá, anh Dương đã được xuất viện. Vợ anh, chị Trương Thị Liên đang mang thai sắp đến ngày sinh cũng được các bác sĩ quân y thường xuyên khám sức khỏe. Kíp y bác sĩ làm nhiệm vụ đỡ đẻ đã được bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật và sau khi xác định nhóm máu chị Liên, chỉ huy đảo cũng đã xác định nhóm máu của một số cán bộ, chiến sĩ để sẵn sàng hiến máu nếu cần. Cả xã đảo đang hồi hộp đón chào người công dân mới của mình. Các đoàn khách đến đảo đều đến thăm và tặng quà cho gia đình chị và các hộ dân trên đảo. Mỗi năm, có hàng chục đoàn khách ra thăm đảo và cùng đó là hàng chục đoàn văn công, nghệ thuật từ đất liền ra biểu diễn, mang hơi ấm của tiếng hát chèo, quan họ, cải lương của Đoàn chèo Tổng cục Hậu cần, của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang… ra với nhân dân và chiến sĩ nơi đảo xa, làm dịu bao nỗi nhớ nhung quê hương của người chiến sĩ. Cùng đó, đến nay mạng điện thoại di động đã phủ kín các đảo. Sách báo, thư từ ra đảo cũng thường xuyên hơn. Tình người ở Trường Sa, ở Trường Sa với đất liền, đất liền với Trường Sa do vậy thật gần gụi và nồng ấm .

Cuộc sống mới ở Trường Sa

Những khó khăn của quân và dân huyện đảo Trường Sa, ngay từ trong bờ, chúng tôi đã được hiểu phần nào trong những lần gặp gỡ bác Mai Năng - Thiếu tướng, nguyên Tư lệnh bộ đội đặc công Hải quân, người đã trực tiếp chỉ huy bộ đội giải phóng quần đảo Trường Sa 34 năm trước; anh Nguyễn Văn Hồng - chuyên viên Hội CCB TP Hải Phòng, nguyên chiến sĩ đặc công Hải quân, tháng 4-1975 đã tham gia giải phóng các đảo Song Tử Tây, Sơn Ca… trên quần đảo Trường Sa. Bên cạnh những câu chuyện về chiến công vang dội của bộ đội hải quân là những khó khăn kéo dài nhiều năm liền trong cuộc sống của những con người nơi đây như thiếu nước ngọt, không có điện sinh hoạt, không thư từ, không ti vi, không đài, thiếu sách báo, thiếu rau, thiếu thịt, thiếu bóng cây xanh, thiếu vắng tiếng trẻ bi bô học bài... đã ăn sâu trong tâm trí của bao lớp CCB từng là cán bộ, chiến sĩ hải quân đã từng sống, chiến đấu ở nơi đầu sóng ngọn gió này.

Mang những kỷ niệm ấy cùng với những gì đã xem, đã nghe khá nhiều từ đất liền ra Trường Sa, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sức sống mới ở nơi đây từ các đảo nổi Song Tử Tây, Sơn Ca, Sinh Tồn Đông, Trường Sa Lớn đến các đảo chìm Đá Nam, Đá Thị, Cô Lin, Đá Tây… Buổi chiều tối đầu tiên hôm đến đảo Song Tử Tây, cả đoàn chúng tôi như không tin vào mắt mình khi thấy đảo như một xóm ở vùng đồng bằng trong đất liền mọc lên giữa biển. Cây xanh mọc khắp đảo, thấp thoáng trong bóng những cây bàng vuông, bàng xoài, phong ba, bão táp… là những mái nhà ngói đỏ. Những năm gần đây, cuộc sống của bộ đội và nhân dân đảo Song Tử Tây cũng như các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã được cải thiện đáng kể. Xung quanh các đảo đã được kè kín bằng xi măng để đương đầu với sóng gió, đảo nào cũng có hệ thống đèn điện cao áp năng lượng mặt trời chiếu sáng suốt đêm, có hệ thống ăng ten thu sóng đài phát thanh, ti vi, điện thoại di động... phục vụ cho mỗi hộ gia đình dân cư và bộ đội nơi đây. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, vấn đề điện sinh hoạt cho bộ đội và nhân dân trên các đảo ở Trường Sa đang từng bước được giải quyết. Không chỉ ở Song Tử Tây mà tại nhiều đảo khác, hệ thống đèn chiếu sáng dùng năng lượng mặt trời và năng lượng gió - nguồn năng lượng như vô tận mà thiên nhiên ban tặng cho Trường Sa đang được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, các địa phương và nhân dân cả nước hết lòng ủng hộ giúp đỡ với công sức, nguồn kinh phí hàng trăm tỷ đồng để lắp đặt và khai thác hiệu quả, khắc phục tình trạng bộ đội và nhân dân chỉ được dùng điện 4-5 giờ mỗi ngày từ nguồn máy nổ. Đến thời điểm đầu tháng 4- 2009, đã có 9 đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa được lắp đặt hệ thống đèn cao áp chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời, gồm: Trường Sa Lớn 25 bộ, Song Tử Tây 25 bộ, Sinh Tồn 15 bộ, Nam Yết 25 bộ, Sơn Ca 16 bộ, Trường Sa Đông 8 bộ, Sinh Tồn Đông 10 bộ, Phan Vinh 8 bộ và An Bang 8 bộ, lượng điện tích đủ để sử dụng trong điều kiện trời mưa hai ngày liên tục. Cùng với nguồn máy phát dự phòng, nguồn điện sinh hoạt trên các đảo ở Trường Sa nay đang đi vào ổn định, “kéo” Trường Sa gần hơn rất nhiều với đất liền, tất cả các hộ dân và đơn vị bộ đội ở đây đều đã có điện thắp sáng, có ti vi, đài để theo dõi tin tức. Những thiết bị điện “xa xỉ” như tủ lạnh, máy điều hòa nhiệt độ… đến nay, bộ đội và nhân dân Trường Sa đã có thể sử dụng như trong đất liền. Ngành y tế tuyến đảo ở đây đã có thể sử dụng các thiết bị hiện đại để khám, chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân, không còn phải chờ chuyển vào đất liền như trước. Nhìn lũ trẻ nô đùa chạy vòng quanh đảo trên những bờ kè dưới ánh đèn nê ông sáng trắng, xung quanh là biển nước sóng vỗ rì rào dưới ánh trăng, ai cũng vui náo nức.

Có ra đây mới biết, chiến sĩ ta “siêu” lắm: ở những đảo nổi, để “chọi” lại với gió biển, với cát bay, chiến sĩ ta đào “ao”, xây bờ cao hai mét chắn gió cát để trồng rau, còn ở đảo chìm thì trồng trong những khay gỗ, có nơi còn phải bọc kín bằng ni lon như ở Cô Lin, Đá Tây, Đá Thị… Nhờ những bao tải đất chuyển từ đất liền ra, bộ đội và nhân dân ở Trường Sa đã đóng khay trồng được rất nhiều rau, chủ yếu là rau cải, mồng tơi, rau muống, bầu đất. Chỉ tính riêng xã đảo Song Tử Tây, năm 2008 đã thu hoạch 17 tấn rau xanh; 2,3 tấn thịt các loại; 1,2 tấn cá, nuôi 9 con bò béo mộng để phục vụ những ngày lễ tết cho nhân dân và bộ đội. Gà vịt thì đảo nào cũng có hàng trăm con. Đến đảo Đá Tây, chúng tôi cứ cười mãi vì lần đầu tiên thấy anh em chiến sĩ huấn luyện được mẹ gà ấp nở và nuôi đàn vịt, ngan, rồi lại cảnh vịt bơi được ngoài sóng biển. Chó thì nhiều vô kể, mỗi đảo có vài chục con làm nhiệm vụ canh gác người lạ và để cải thiện bữa ăn cho chiến sĩ. Ngoài ra, thỉnh thoảng chiến sĩ ta còn đi buông câu, bắt được khá nhiều mực, bạch tuộc, cá các loại phục vụ bữa ăn bộ đội. Kể những chuyện như vậy, không có nghĩa là cuộc sống của người lính đảo đã thật đầy đủ, mà trái lại còn khá nhiều khó khăn. Sức trẻ lính đảo, nhiệt huyết với Tổ quốc đã, đang và sẽ giúp họ vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Chuyện Trường Sa còn nhiều, nhiều lắm, như chuyện về những cây bàng vuông, chuyện về san hô đỏ, chuyện về những đàn cá chuồn, cá mập, về những cơn bão đầy thịnh nộ của biển cả… toàn những chuyện gắn bó với cuộc sống của người chiến sĩ và nhân dân Trường Sa. Mỗi đảo, mỗi người ở nơi đây là một kho chuyện về lòng kiên trung, tất cả vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.” Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước” là như vậy.

?xml:namespace

?xml:namespace

Lê doãn chiêu