Dường như ai cũng hết sức căm phẫn và thấy chua xót về thói vô cảm của những người tham gia tố tụng nói riêng và đội ngũ cán bộ có liên quan vụ kỳ án đó nói chung. Họ vô cảm trước nỗi oan của ba mẹ con bà Nga đến mức, ngày 18-12-1990, Tòa phúc thẩm TANDTC tuyên hủy bản án để điều tra lại mà các cơ quan tố tụng cũng vẫn tiếp tục bỏ lửng vụ án cho đến tận cuối tháng 10-2017 vụ án mới được minh oan.
Mấy khóa Tỉnh ủy, mấy khóa chính quyền tỉnh Lai Châu (cũ) nay là tỉnh Điện Biên có biết vụ án đó không? Chắc chắn là có, ít ra là được báo cáo. Đáng buồn là những người được nghe báo cáo cũng vô cảm như các cơ quan tố tụng! Còn Tòa án NDTC tuyên hủy bản án, nhưng cũng thờ ơ đến vô cảm, không theo dõi, không giám sát cấp dưới...
Giống như vụ án Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, vụ án “vườn điều” ở Bình Thuận và một số vụ án oan sai khác, nguyên nhân dẫn đến oan sai không phải do cán bộ tố tụng tiêu cực, ăn hối lộ để bẻ cong vụ án, mà hầu hết là sư thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau, sự mất mát của người khác trong đội ngũ cán bộ tham gia tố tụng.
Minh oan, sửa sai một vụ án đã khó, nhưng không khó bằng “chữa” bệnh vô cảm của đội ngũ cán bộ. Vì nó thuộc phạm trù đạo đức, không thể dùng tiền kể cả “rất nhiều tiền” để gột rửa và làm lại ngay được!
Khi căn bệnh vô cảm không được ngăn chặn thì xã hội trong những hoàn cảnh nhất định, cái thiện và cái tốt sẽ bị cái xấu, cái ác tấn công, xâm hại; lẽ phải bị triệt tiêu, công lý bị đẩy lùi, dẫn đến mất niềm tin trong nhân dân.
Đã đến lúc công tác tổ chức, đào tạo cán bộ phải nhìn thẳng vào sự thật đó để sửa sai thì mới hy vọng có được đội ngũ công chức làm tròn bổn phận của mình.
Huy Thiêm