Từ nguồn vốn chính sách và được tập huấn kỹ thuật, nhiều hộ CCB Huyện Hòa Vang đã hình thành nhiều vườn cây ăn quả theo hướng hữu cơ.
Tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác là chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ, có tính nhân văn sâu sắc, là giải pháp sáng tạo nhằm giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị và phát triển kinh tế đất nước.
Trên địa bàn T.P Đà Nẵng, hằng chục năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, sự phối hợp đầy trách nhiệm của các địa phương, các ngành, đoàn thể có liên quan, sự nỗ lực rất lớn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), đồng vốn tín dụng chính sách chuyển dịch rất nhanh đến từng nhu cầu thiết yếu của người nghèo và đối tượng chính sách. Những đồng vốn nhân văn này được sử dụng hiệu quả, không chỉ đem đến cho bà con điều kiện chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi mà còn trao cả tương lai tươi sáng cho con em họ.
Sau đại dịch, năm 2022, đồng vốn chính sách chuyển động dần đều và có tăng trưởng đáng mừng. Đến cuối năm 2022, thành phố có 90.748 khách hàng còn dư nợ, với tổn dư nợ đạt 3.910,6 tỷ đồng, tăng 546 tỷ đồng so với năm 2021, đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết Ban đại diện thành phố đề ra. Riêng nợ quá hạn và nợ khoanh toàn thành phố còn 2.062 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,05% tổng dư nợ, giảm 269 triệu đồng so năm 2021. Đây là con số thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Ngành Ngân hàng chính sách, 4 đoàn thể chính trị cũng như các quận, huyện, xã, phường, đặc biệt là của 1.825 tổ tiết kiệm và vay vốn trong toàn thành phố. Bên cạnh công tác tín dụng, việc huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) tiếp tục đi vào ổn định, đạt 192,7 tỷ đồng.
Có thể nói, vốn tín dụng CSXH của thành phố đã đầu tư đến 100% xã, phường. 100% người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các chương trình tín dụng chính sách xã hội. Năm 2022, Ngân hàng CSXH cho vay 1.199 lượt hộ nghèo, cận nghèo, thoát nghèo bổ sung nguồn vốn SXKD, vươn lên trong cuộc sống, thoát nghèo bền vững, duy trì, mở rộng và tạo việc làm mới cho 21.973 lao động; 626 học sinh, sinh viên được vay vốn trang trải chi phí học tập, cho vay xây dựng 1.957 công trình nước sạch, 1.908 công trình vệ sinh môi trường ở huyện Hòa Vang, 714 khách hàng vay vốn nhà ở xã hội... Việc tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng Nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị và trật tự xã hội.
Đối với Hội CCB thành phố, năm 2022 có 405 Tổ TKVV do CCB quản lý, có tổng dư nợ ủy thác 886,2 tỷ đồng, tăng 19,69% so với năm 2021, doanh số cho vay đạt 382,3 tỷ đồng, với 6092 khách hàng, thu nợ 240,1 tỷ đồng, nợ quá hạn 0,05%, trong đó nổi bật trong tín dụng chính sách là các Hội CCB Ngũ Hành Sơn và Liên Chiểu có tỷ lệ nợ quá hạn bằng 0, huyện Hòa Vang là 0,01%. Đây là thành tích đáng kể của các cấp Hội trong thực hiện chương trình giảm nghèo, giúp nhau làm kinh tế, cải thiện đời sống cán bộ, hội viên cũng như nhân dân trên địa bàn. 100% Tổ TKVV do CCB quản lý đều được xếp tốt và khá, không có tổ yếu kém.
Trong những kết quả, thành tích đạt được của chương trình tín dụng chính sách xã hội phải công nhận sự đóng góp mang tính quyết định của Tổ TKVV ở cơ sở. Tổ TKVV là “cánh tay nối dài”, là cầu nối giữa Ngân hàng với người vay vốn. Tổ trưởng Tổ TKVV có vai trò quyết định sự thành công của hoạt động tín dụng chính sách xã hội, đồng thời là người gần gũi, thấu hiểu và sẻ chia những khó khăn với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Với vai trò quan trọng của Tổ trưởng Tổ TKVV, việc ghi nhận và đánh giá đóng góp của họ là rất cần thiết để khuyến khích các Tổ trưởng tiếp tục cống hiến trong hoạt động CSXH.
Thời gian tới, thành phố tiếp tục tổ chức vinh danh Tổ trưởng tổ TKVV lần thứ 2 (2018-2023), khuyến khích công tác tín dụng chính sách xã hội ngày càng phát triển và hiệu quả hơn; đồng thời đánh giá và khen thưởng các thành tích xuất sắc của những tổ trưởng tiêu biểu. Chắc chắn những điển hình này sẽ có những kinh nghiệm tốt, sáng tạo, đây là những gương sáng trọng hoạt động tín dụng chính sách cần được nhân rộng trong năm 2023 và những năm tiếp theo, góp phần xóa nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thành phố.
Đại tá Bùi Chí Loan - Phó chủ tịch Thường trực Hội CCB T.P Đà Nẵng, Thành viên HĐQT Ngân hàng CSXH thành phố