Anh Phạm Văn Chi, xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang thả lưới bắt cá mùa nước nổi.
Trong những ngày qua, khi con nước ngoài sông Hậu, sông Tiền chuyển dần sang màu đỏ của phù sa cũng là lúc nước từ thượng nguồn Campuchia đổ về khiến người dân vùng đầu nguồn 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp mừng vui khấp khởi.
Cả tháng mong chờ, người dân thượng nguồn tỉnh Đồng Tháp cứ ngỡ năm nay nước lũ không về. Vậy mà hơn tuần lễ nay nước lũ về muộn, nhuộm trắng quãng đồng các xã biên giới Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B (huyện Hồng Ngự), phường An Lạc (thị xã Hồng Ngự) khiến người dân vui mừng khôn xiết. Những ngày này, hoạt động đánh bắt cá dưới sông, trên đồng ngập nước và mua bán cá… nhộn nhịp hẳn lên.
Có lẽ, điều mà người dân vùng lũ vui mừng nhất là đã có sự xuất hiện của cá linh. Bởi thông thường, mùa cá linh non bắt đầu với con nước đầu mùa lũ của tháng 7 âm lịch. Khi ấy, cá xuôi theo dòng nước lũ từ thượng nguồn sông Mê Công đổ về các nhánh sông Tiền, sông Hậu. Những địa phương ở thượng nguồn tỉnh Đồng Tháp là nơi đón lũ trước thì cũng là nơi đón mùa cá linh sớm nhất. Anh Trần Văn Dũng ở ấp Bình Hòa Trung, xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự phấn khởi cho biết: “Năm nay tưởng lũ không về nữa. Vậy mà không ngờ từ đầu tháng chín đến nay, nước lũ liên tục lên. Mừng lắm. Nước lũ về nên nhiều loại cá cũng về theo. Mừng nhất là đã có cá linh để làm các món kho, canh chua với bông súng, điên điển”.
Năm nay, dù chuẩn bị ngư cụ từ khá sớm nhưng gia đình anh Nguyễn Văn Hiếu ở phường An Lạc, thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp cũng như những gia đình trong xóm phải thấp thỏm “ngóng lũ”. Vừa đặt lại 8 cái đú dưới kênh Trà Đư, anh Hiếu phấn khởi chia sẻ: “Mấy hôm nay nước bắt đầu lên, dù cá chưa nhiều nhưng trong gia đình tôi, ai cũng phấn khởi. Tôi giăng bắt cá tôm mỗi ngày bán được khoảng 200.000-300.000 đồng. Ngoài ra, gia đình còn có cá ăn, tiết kiệm được chi tiêu hằng ngày”.
Mùa lũ năm nay, trừ cánh đồng 2.600ha đang canh tác lúa vụ 3 của 2 xã Thường Phước 2 và Thường Thới Tiền, còn lại hơn 8.500ha đất ruộng đều được huyện Hồng Ngự cho xả lũ vào đồng. Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Tháp cho biết “Việc xả lũ vào các cánh đồng là điều mong muốn của các hộ dân. Xả lũ sớm để vệ sinh đất ruộng, nhằm để đất nghỉ, tái tạo chất dinh dưỡng cho đất, hạn chế được nhiều loại dịch bệnh, chuột phá hại mùa màng, tạo thuận lợi cho nông dân trong canh tác ở những vụ mùa tới. Dự kiến tổng diện tích xả lũ năm 2019 ở tỉnh Đồng Tháp là 90.200ha”.
Ngược qua bờ tây sông Hậu, tại thị xã Tân Châu, một địa phương đầu nguồn của tỉnh An Giang, trên sông, rạch và một số cánh đồng trũng nước đã tràn bờ. Ngay khi nước tràn đồng, nhiều người dân đã tất bật với việc chài lưới. Anh Phạm Văn Chi - xã Phú Lộc, thị xã Tân Châu chia sẻ: “Hơn 2 tháng nay, người dân nơi đây ngóng mùa nước nổi. Có nước về, bà con rất vui tuy mực nước còn thấp hơn mọi năm. Nước về muộn và thấp như hiện nay thì lượng cá tôm sẽ ít hơn so với các năm trước. Tôi sống bằng nghề lưới, đi giăng một đêm cũng khoảng 3-4kg với đủ loại cá. Tuy không nhiều nhưng cũng tạm đủ sống. Năm rồi, vào tháng này nước sâu ngập đầu luôn, tôm, cá rất nhiều, với mỗi dây lưới 100m bắt được chừng 6-7kg cá là bình thường, còn giờ thì giảm nhiều”.
Tại xã Phú Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang cũng bắt đầu đón nhận những dòng nước lũ tràn về trong những ngày qua. Ông Lê Văn Hải ở ấp 1, xã Phú Hội chuyên sống bằng nghề đặt dớn cho biết: “Mấy ngày nay, mực nước vùng đầu nguồn có lên nhưng còn ở mức thấp. Còn ở những vùng trũng, nước đã tràn đồng. Nước mới về nên cá linh non chưa nhiều. Nếu có, cân cho bạn hàng cũng được tầm 150.000 đồng/kg, còn các loại cá lòng tong, sặc, rô non thì bán cá làm thức ăn cho cá lóc bông, giá cũng khoảng 15.000 đồng/kg.
Chừng 10 ngày qua, mỗi ngày cũng kiếm 300.000 đồng...”.
Trở lại xóm làm lọp cá linh ở Cồn Cóc, xã Phước Hưng, huyện An Phú, tuy không sôi động như chục năm trước nhưng nghề làm lọp cũng giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương. Năm nay, lượng lọp làm ra không nhiều. Ông Huỳnh Văn Tòng ở ấp 2 xã Phước Hưng đã gắn bó mấy chục năm với nghề làm lọp cá linh ở Cồn Cóc cho biết: “Nhớ chục năm trước mà thấy ham, mỗi năm làm mấy chục nghìn cái lọp, giao khắp các tỉnh, thành phố, có cả dân bên Campuchia đi ghe lớn qua mua. Cả xóm làm nhộn nhịp ngày đêm mới kịp giao hàng. Mấy năm nay lũ kém, cá ít dần nên người ta cũng bỏ nghề đặt lọp cá linh”.
Năm nay lũ về muộn, lượng cá tôm có ít hơn những năm trước, nhưng hiện người dân 2 tỉnh đầu nguồn Đồng Tháp và An Giang thấy phấn khởi vì có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống, lũ cũng mang phù sa về cho đất thêm màu mỡ. Cho nên, người dân luôn hy vọng năm nay sẽ có một mùa lũ đẹp để họ có thể hòa mình “sống chung với lũ”.
Phương Nghi