Những bảo vật vô giá của một thời chiến tranh
Nói về niềm đam mê này, ông Khôi tâm sự: “Tôi là người lính giải phóng, tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong chiến tranh có những huân, huy chương đã được trao tận tay, đeo tận ngực các chiến sĩ nhưng cũng có nhiều huân, huy chương cấp trên chưa kịp trao thì người nhận đã hy sinh... Vì vậy, sau ngày giải phóng miền Nam, tôi đã đi sưu tầm và chỉ sưu tầm các loại huân. huy chương của Quân giải phóng miền Nam, của QĐND Việt Nam để lưu giữ những di vật, hiện vật của đồng chí, đồng đội”.
Chúng tôi được Doanh nhân CCB Nguyễn Ngọc Khôi đưa vào thăm khu bảo tàng các huân, huy chương. Một dãy bàn dài xếp đủ loại huân, huy chương, huy hiệu, danh hiệu. Cái vẫn còn sáng vàng óng ánh, cái đã xỉn màu theo thời gian; có những tấm còn nguyên trong gói giấy bọc từ những thời chống Mỹ. Ông Khôi cho biết: Hiện trong bộ sưu tập của ông có 9.300 huân chương, huy chương, huy hiệu các loại, trong đó phần lớn là huân, huy chương, huy hiệu, danh hiệu Chiến sĩ thi đua, Dũng sĩ diệt Mỹ, Huy hiệu Giải phóng... Đối với ông Khôi, tất cả các huân, huy chương, danh hiệu, huy hiệu này đều là bảo vật, vì đây là bằng chứng ghi nhận công lao hi sinh của đồng chí, đồng đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (giai đoạn từ 1960-1975).
Nhẹ nhàng, thậm chí như nâng niu mở một gói giấy úa vàng bởi tác động của thời gian, ông Khôi giới thiệu với tôi một tấm huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Thời chiến, thật đơn giản. Phần thưởng được trao tặng chỉ được gói trong một tấm giấy, không rườm rà lễ nghi nhưng sao mà trân quý đến vậy. Trong mắt ông thấy ánh lên cả sự kính ngưỡng lẫn niềm tiếc thương người đồng chí không bao giờ được gặp còn chưa có được cơ hội nhận cái danh hiệu đầy tự hào, được đeo cái huy hiệu tượng trưng cho lòng dũng cảm.
Trong gần 10.000 huân, huy chương, huy hiệu, danh hiệu này, quý nhất là gần 500 tấm còn nguyên cả giấy chứng nhận cho người lính giải phóng được trao tặng. Những cái tên như: Nguyễn Hữu Doanh, tiểu đội phó, quê Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình, được đeo huy hiệu chiến sĩ thi đua, theo quyết định số 586 ngày 24-1-1967; hay Trần Nhật Tảo, quê Gia Lương, Hà Bắc (cũ), được đeo huy hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ… Phần thưởng của họ còn đây, theo ông Khôi cho biết, chưa kịp trao cho người chiến sĩ thì các anh đã anh dũng hi sinh. Những kỷ vật này từng bị vùi lấp trong những căn hầm chứa tài liệu, sau này được khai quật lên. Nhiều huân, huy chương ông Khôi phải tranh mua của nhiều nhà sưu tầm nước ngoài, đặc biệt là những cái còn nguyên giấy chứng nhận. Những kỷ vật của ông Khôi sưu tầm đã từng được nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Có không ít gia đình thấy được tên con, em mình đã tìm đến ông, xin mua lại kỷ vật. Ông Khôi tuy không thể bán nhưng giúp họ làm một bản sao và ông sẵn sàng xác nhận từ bản gốc sự chân thực để làm chứng cứ cho sự đóng góp cho đất nước của người chiến sĩ.
Công nhận của Liên minh Kỷ lục thế giới
Những tấm huân, huy chương, danh hiệu, huy hiệu được ông Khôi sử dụng với ý định lập hẳn một phòng trưng bày một phần chứng tích chiến tranh. Những kỷ vật của ông sưu tầm không phải để lấy danh mà là niềm đam mê đặc biệt. Ông đã đặt hàng khắp đất nước, bất kỳ đâu có phát hiện được huân, huy chương, danh hiệu, huy hiệu… ông đều tìm mua. Nhiều nhất là ở vùng miền Tây Nam bộ. Ông Khôi cho biết, có những ngôi mộ liệt sĩ, khi quy tập, người ta chỉ chú ý hài cốt, còn những kỷ vật có khi bị lãng quên và bị gạt ra một bên. Sau đó có người thu thập được, ông Khôi đều tìm mua bằng được. “Hữu xạ tự nhiên hương”, càng ngày càng có nhiều người biết đến hàng ngàn chiếc huân huy chương, danh hiệu, huy hiệu mà ông đã sưu tầm được. Đầu năm 2014, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam đã tìm đến ông. Sau khi kiểm tra, xem xét từng tấm huân, huy chương, huy hiệu, danh hiệu, chỉ riêng số kỷ vật được ông trưng bày đã lên tới gần 3.000 chiếc. Những người giám định của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cho ông Khôi biết, với số lượng huân, huy chương, huy hiệu, danh hiệu này, ở Việt Nam ông là người đứng đầu. Vì thế tháng 8-2014, số kỷ vật của ông đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cấp giấy chứng nhận đạt danh hiệu kỷ lục Việt Nam về sưu tầm huân, huy chương, danh hiệu, huy hiệu… Tuy nhiên, Tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng cho biết, trên thế giới có người đã sưu tập tới gần 6.000 chiếc. Bấy giờ ông Khôi đã thông báo, số huân, huy chương, danh hiệu, huy hiệu của mình không chỉ dừng ở con số gần 3.000 mà có thể lên tới gần 10.000 chiếc. Số lượng nhiều nhưng vì chưa sắp xếp được chỗ trưng bày nên còn lưu trữ trong các bao, gói. Sau đó ông Khôi cho nhân viên đem hết số huân, huy chương, danh hiệu, huy hiệu ra cọ rửa, đánh sạch sẽ và đưa ra bàn trưng bày thêm.
Nhận được hồ sơ báo cáo của Tổ chức Kỷ lục Việt Nam, Liên minh Kỷ lục thế giới (Worldkings) đã cử người tới tận nơi giám định. Khi ông Khôi đổ mấy bao cất giữ. Các huân chương, huy chương, danh hiệu, huy hiệu tràn ra, óng ả cả một khu đất thì Đội giám định như hết sức bất ngờ. Họ cho biết, người đang giữ kỷ lục sưu tầm huân huy chương trên thế giới mới chỉ có hơn 6.000 chiếc. Số kỷ vật của ông Khôi, đếm từng cái, được hơn 9.300 chiếc, vượt xa người đang chiếm kỷ lục. Sau khi giám định kỹ càng với đủ các phương tiện kỹ thuật, tháng 2-2015, Worldkings đã trao cho ông Khôi bằng chứng nhận kỷ lục thế giới chứng nhận ông Nguyễn Ngọc Khôi có bộ sưu tập huân huy chương chiến tranh Việt Nam lớn nhất. Dự kiến, ngày 15-6-2015, lễ trao cho ông chứng nhận kỷ lục thế giới sẽ chính thức được Worldkings tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.
Cũng chính từ những tấm huân, huy chương mà ông Khôi đã sưu tầm được, ông đã viết một luận văn với đề tài là “Những người lính trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc”, trong đó đưa ra những luận cứ, luận chứng từ những tấm huân chương, huy chương, huy hiệu, danh hiệu mà những người lính Việt Nam đã nhận được khi đạt được chiến tích trong cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc. Luận văn này đã được Trường đại học thuộc Viện hàn lâm khoa học sáng tạo thế giới có trụ sở tại Luân Đôn công nhận đạt học vị tiến sĩ khoa học. Ông Khôi còn được đề cử là viện sĩ của Viện hàn lâm khoa học sáng tạo thế giới.
Nói về công việc sưu tầm các kỷ vật này, Ông Khôi đã tâm sự: “Tôi thực sự muốn những người tham quan, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam hiểu về các loại huân huy chương, hiểu về các công trạng của các chiến sĩ đấu tranh giải phóng dân tộc ta như thế nào. Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội đã ngã xuống tại các chiến trường. Hơn ai hết tôi hiểu và cảm nhận được sự mất mát của những gia đình có những người thân đã hi sinh. Cho nên những việc nghĩa tôi làm không đáng gì so với những mất mát đó”
Bài và ảnh: Quang Vinh-Anh Hải