Một sáng kiến mới được thực hiện: Nhân kỷ niệm 103 năm Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3, được sự chỉ đạo và giúp đỡ của chính quyền, Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội đã phối hợp với Hội LHPN, Hội CCB và Hội Chữ thập đỏ phường tổ chức buổi gặp mặt, tôn vinh những bà mẹ, người vợ có công trực tiếp chăm sóc chồng, con bị nhiễm và mắc di chứng chất độc da cam.
Hiện tại phường Ngọc Thụy, có 22 trường hợp các bà mẹ, người vợ có chồng và con bị nhiễm chất độc da cam, qua khảo sát, 100% mắc thần kinh phân liệt, suy giảm khả năng miễn dịch, viên phổi, huyết áp; 21% bị tai biến nghiêm trọng; 31% đái tháo đường; 33% vô sinh… Còn các cháu, tuổi bình quân đã tới 35 nhưng chỉ có 1 cháu lành lặn nhưng lại bị vô sinh, còn đều thần kinh phân liệt, thiểu năng trí tuệ, động kinh, câm, điếc, mù lòa…
Bà Nguyễn Thị Nhuận, 66 tuổi, chồng là thương binh, bị nhiễm chất độc da cam, để lại di chứng cho đứa con bị câm điếc từ bé, 26 tuổi lại bị mù và hiện lại thường xuyên lên cơn động kinh, co giật. Đau xót hơn nữa, năm 2011, chồng bà, thương binh Đặng Đức Sỹ lại mắc ung thư dạ dày, cắt bỏ 3/4. Tâm sự trong buổi gặp mặt, bà Nhuận nghẹn ngào: “Suốt gần 40 năm qua, tôi và gia đình đã dày công chăm sóc, nuôi dưỡng chồng và con, dù thế nào tôi cũng không nề hà, bỏ bao sức lực tiền của dồn cho con cho chồng, mong sao ổn định được bệnh tật”.
Bà Nguyễn Thị Trúc, 64 tuổi, chồng 74 tuổi, phục viên không có chế độ gì, nhiễm chất độc da cam khiến sức khỏe ông ngày một kém, bà phải bán một phần đất ở lo chạy chữa cho chồng. Năm 2000 đi xét nghiệm mới biết do nhiễm đi-ô-xin. Hiện chồng bà chỉ nặng 35kg, mắc đủ bệnh xơ vữa động mạch, dãn dây chằng bụng, gan, hen suyễn… Gần đây để có tiền cho chồng đi viện, bà lại bán thêm phần đất ở để trang trải. Đau xót thế nhưng bà vẫn lạc quan, thể hiện qua bài thơ đọc trong hội nghị: …Da cam anh bị tổn thương/ Nhưng niềm hạnh phúc vẫn hơn bao người/ Đã gần bốn chục năm rồi/ Sống bên người vợ suốt đời yêu anh.
Những người phụ nữ như vậy, sự hi sinh thầm lặng hạnh phúc của mình bên người chồng, người con tật nguyền, không có được một chế độ đãi ngộ nào, vẫn vượt lên nỗi đau da cam vui sống với hoàn cảnh khó khăn.
Tại buổi gặp mặt, nhiều đơn vị, các nhà hảo tâm đã đóng góp tiền, quà, trao tặng cho các mẹ, các chị những món quà tuy không nhiều nhưng có giá trị tinh thần lớn, giúp động viện họ tiếp tục vững bước trong cuộc sống (ảnh).
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Phó chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin quận Long Biên phát biểu kiến nghị: “Nên chăng với những người có công hàng ngày chăm sóc các nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, Nhà nước cần có những chế độ đãi ngộ nhất định vì họ là những người hàng ngày, hàng giờ trực tiếp cùng Đảng, Nhà nước chăm sóc những người có công với cách mạng”.
Bài và ảnh: Mai Anh