Mục đích sâu xa là lấy cớ để phát động cuộc chiến tranh leo thang phá hoại miền Bắc, các nhà chiến lược Hoa Kỳ đã dựng nên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ” khi tàu Ma-đốc của họ trước đó đã tiến sâu vào lãnh hải miền Bắc, bị lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam tấn công làm hư hỏng nặng, ngày 5-8-1964, 64 máy bay siêu âm của không quân Mỹ đã cất cánh từ hai hàng không mẫu hạm Ticonderoga và Constenllation, tiến công nhiều mục tiêu quân sự miền Bắc từ Quảng Bình đến Quảng Ninh. Phát huy tinh thần, ý chí cách mạng, các lực lượng hải quân, phòng không Không quân cùng nhân dân miền Bắc đã bình tĩnh, gan dạ đánh trả. Nhiều chiếc bị bắn hỏng; 8 máy bay bị bắn cháy, trong đó có chiếc “Chim ưng nhà trời” AD4, do trung úy An-vơ-rét lái, đâm đầu xuống biển Quảng Ninh vào lúc 14 giờ 25 phút.

Những ai đã “vớt sống” An-vơ-rét? Các nhà báo thời kỳ đó đã dày công đi tìm, nhưng những nhân chứng đều bị mất hút vì tất cả đang hòa mình vào cơn lốc chiến sự của đất nước.

Bí mật về nhân chứng lịch sử, những người trực tiếp bắt sống phi công An-vơ-rét đã được giải mã khi Báo CCB Việt Nam số 150/1997, có in bài “Đã tìm được người bắt sống phi công Mỹ đầu tiên” của tác giả Nguyễn Xuân Trọng, Phó chủ tịch Hội CCB phường Cảm Phú, Cẩm Phả, Quảng Ninh. Tác giả cho biết, có ba người trên con thuyền đã “vớt sống” An-vơ-rét đều còn sống. Họ đều là những CCB. Thuyền trưởng là ông Nguyễn Kim Bảo, hiện đang sống ở tổ 123A, tiểu khu 8, phường Cẩm Phả, thị xã Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh.

Đầu năm nay, trong chuyến ra Cẩm Pha, Quảng Ninh thăm người anh họ, được người nhà hướng dẫn, tôi đã có dịp tìm đến địa chỉ trên để tìm nhân vật lịch sử năm xưa. Ông Nguyễn Kim Bảo, năm nay 82 tuổi, ở cùng vợ là bà Hoàng Thị Chắt, 76 tuổi, chuyên bán rau ở chợ Cọc Sáu, Cẩm Phú. Ông bà có 5 con, 1 trai và 4 gái, 2 cháu nội, 9 cháu ngoại. Tất cả đều ở riêng. Trong ngôi nhà cấp bốn, ba gian, xây bằng gạch ba banh nay đang xuống cấp, ông chậm rãi kể cho tôi nghe kỷ niệm một thời chinh chiến và những thời khắc làm nên lịch sử trong ngày 5-8-1964 của mình.

… Năm 1964, 35 tuổi, thượng sĩ Nguyễn Kim Bảo được đơn vị cử đi học cơ yếu. Học xong, ông được điều về Sư đoàn 312, rồi Sư đoàn 320. Sau đó ông được điều về làm tổ trưởng cơ yếu, đóng quân tại huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh, thuộc Quân khu Đông Bắc.

Ngày 3-8-1964, ông chỉ huy chiếc thuyền buồm cùng với binh nhất Lê Văn Lộc và binh nhì Nguyễn Đình Giang về Quân khu ở đất liền báo cáo tình hình. Sáng 5-8-1964, ba người trở lại Cô Tô cũng bằng con thuyền buồm đó. Nhưng do chở thêm lương thực, một số khí tài nên thuyền có phần nặng. Rời Bãi Cháy, ngược gió, mãi gần 14 giờ mà thuyền mới ngang quãng mỏ Hà Tu nhìn ra. Lúc này, cuộc chiến giữa ta và máy bay Mỹ trong đất liền diễn ra rất ác liệt. Hơn 30 phút sau, bất thần một máy bay đâm sầm xuống biển, cách thuyền của họ chừng 200m. An-vơ-rét kịp nhảy dù, chới với giữa biển trong bộ đồ bay khi phao cứu sinh tự động không hoạt động được. Viên phi công này khó lòng thoát khỏi vòng tay hà bá nếu không kịp cứu sống. Lập tức, ông ra lệnh cho Lê Văn Lộc và Nguyễn Đình Giang chèo nhanh đến chỗ có dù rơi xuống để bắt giặc lái.

Đến nơi, ông Nguyễn Kim Bảo kéo An-vơ-rét lên thuyền. Lục trong túi viên phi công vừa được cứu nạn ấy, ông đã lấy được con dao găm, một đồng hồ thủy quân lục chiến và một chiếc chứng minh thư. Vừa lúc đó, bầu trời ràn rạt máy bay phản lực Mỹ. Có lẽ chúng đi tìm cứu đồng bọn. Nhanh trí, người chỉ huy con thuyền ấn An-vơ-rét ngồi xuống chỗ cột buồm và kéo bạt phủ lên người. Tìm không thấy dấu vết, những phản lực Mỹ đi tìm cứu bọn tản ra xa rồi mất hút về phía tây nam. Thấy An-vơ-rét run lạnh, người chỉ huy con thuyền rút một điếu thuốc lá trong bao của mình châm lửa mời anh ta. An-vơ-rét hút ngấu nghiến và gật đầu tỏ lòng cảm ơn.

Con thuyền lại thẳng hướng đảo Cô Tô. Vì ngược gió nên người chỉ huy lệnh cho thuyền chạy vát, hình dích dắc. Như thế, buồm sẽ bắt được gió, chém sóng mà lướt đi. Với lối tiến bằng cách này thì ít ra đến khuya, thuyền mới về được bến đỗ. Lại hai giờ nữa trôi qua. Họ đang băn khoăn trước một tù binh phi công Mỹ đang ở trong tay mình thì một tàu Hải quân tuần tiễu ký hiệu T.134, từ hướng đất liền chạy tới. Họ cuốn buồm, dùng áo làm cờ, quay tròn trên đầu ra hiệu muốn tiếp xúc với tàu hải quân. Quả vậy, tàu hải quân T.134 tiến lại phía con thuyền của họ. Người chỉ huy con thuyền nhảy lên boong tàu và báo cáo với thuyền trưởng tất cả sự việc vừa diễn ra. Cuối cùng, ba người đã bàn giao tù binh An-vơ-rét và toàn bộ “chiến lợi phẩm” cho tàu T.134. Tàu T.134 đã quay trở vào đất liền.

Cuộc bàn giao tù binh và chia tay giữa thuyền buồm và tàu hải quân T.134 diễn ra chóng vánh, trong trạng thái phấn khởi, hồ hởi của mọi người với tinh thần “Tất cả để chiến thắng giặc Mỹ xâm lược”. Không sổ sách, không ký giấy tờ, ngay cả họ tên của ba người đã trực tiếp “vớt sống” An-vơ-rét lúc đó là gì, thủy thủ trên con tàu T.134 không ai nghĩ tới.

  • Thế thuyền trưởng tàu T.134 là ai, ông có biết không? Tôi hỏi.

Ông Nguyễn Kim Bảo nhìn tôi lắc đầu:

  • Làm sao biết được! Giữa biển mênh mong, sóng nước dập dềnh, “trao hàng” và “nhận hàng” xong là thuyền và tàu đi mỗi hướng, có phải trên bờ đâu mà hàn huyên, tâm sự!

Tôi liền giở sổ tay, nói với ông, đó là trung úy Huỳnh Hường, nay là đại tá hải quân, đang nghỉ hưu tại Hà Nội. Ông Nguyễn Kim Bảo gật đầu cảm ơn và tiếp tục câu chuyện đang kể của mình.

Về đến đảo, họ thuật chuyện với đảo trưởng và đơn vị liền báo cáo lên Quân khu. Khoảng hơn nửa tháng sau, Quâng khu đã cấp bằng khen cho ông, còn Lê Văn Lộc và Nguyễn Đình Giang được cấp giấy khen.

Một tháng sau, đơn vị điều Nguyễn Kim Bảo và Lê Văn Lộc trong diện bổ sung quân số đi chiến trường B, thuộc Trung đoàn 1/5. Trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968, đơn vị ông đóng quân tại Hoài Châu, Hoài Nhơn, Bình Định. Trong một trận đánh phản công, bọn Mỹ đã rải bom phốt-pho xuống trận địa, làm ông bị mờ mắt. Do đó, ông phải ra Bắc an dưỡng tại Đoàn 580. Sức khỏe hồi phục, tổ chức điều ông về làm Chính trị viên phó Tiểu đoàn 32, Trung đoàn 96. Đơn vị lúc này đóng quân ở tỉnh Hà Nam Ninh (cũ). Còn ông Lê Văn Lộc cũng bị thương, năm 1968 ra Bắc với hàm trung úy, giữ chức đại đội trưởng, cùng đơn vị với ông. Hiện nay, ông Lộc đang nghỉ hưu tại xã Hải Lạng, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh. Riêng Nguyễn Đình Giang, sau ngày 5-8-1964, chuyển sang công nhân quốc phòng, làm ở Xưởng đóng tàu 46 hải quân, nay cũng đã nghỉ hưu ở thôn 1, xã Quảng Ngãi, tỉnh Móng Cái. Thỉnh thoảng, ba CCB vẫn tìm về đồng đội, cùng nhau ôn lại những ngày chiến đấu trên biển.

Chiến tranh đã đi vào quá khứ. Chiến công của quân và dân miền Bắc bắn rơi máy bay và bắt sống phi công Mỹ đầu tiên trên biển Quảng Ninh ngày 5-8-1964 là một trong những mốc lịch sử trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hồ Ngọc Diệp