1. Hết sức tránh phiền hà người khác

Các đồng chí ở gần anh Thanh kể lại rằng: Anh rất ngại làm phiền hà người khác. Đi công tác về cơ sở, nếu không tiện báo trước thì anh tính độ đường sao cho đừng đến địa điểm quá muộn, để khỏi làm phiền các đồng chí nhà bếp chạy bữa ăn cho khách.

Một lần, giữa mùa hè, từ Hà Nội vào thị xã Thanh Hóa thì vừa trưa. Ai nấy đều đói và mệt. Dĩ nhiên có thể vào cơ quan Tỉnh uỷ hoặc khách sạn giao tế đầy đủ tiện nghi. Anh gợi ý những người cùng đi nên vào cửa hàng ăn uống thị xã: “Chúng mình chỉ đi qua, không phải là khách đến làm việc với tỉnh, không nên làm phiền anh em”.

Cả đoàn vào cửa hàng ăn uống quốc doanh ở phố Vườn Hoa cũ. Anh tìm một chiếc bàn trống ép ghế ngồi, hút thuốc lá chờ chúng tôi chia nhau, người xếp hàng mua vé ăn, người đợi đến lượt nhận các món ăn. Dạo ấy, cơm ở cửa hàng ăn độn ngô vàng rộm. Anh ăn một suất như mọi người. Ngồi nghỉ một lát ngay ở bàn ăn, rồi tiếp tục lên đường.

Lại một lần khác, có việc vào gấp Khu 4 cũ, anh rủ anh em đi đêm cho mát. Các đồng chí cùng đi ăn cơm chiều sớm và chờ ở nhà anh, 4 giờ rưỡi chiều, anh họp Bộ Chính trị về, tất cả lên xe đi luôn. Cơm tối của anh đã được chuẩn bị nắm sẵn. Anh học tập Bác Hồ thường nắm cơm theo mỗi khi đi công tác đường xa.

Đến Ninh Bình trời tối hẳn. Đồng chí Nghĩa lái xe, tìm một nơi quang đãng bên đường, dừng xe lại rồi hai người mở cơm nắm ra ăn ngon lành. Ăn xong, hai người lấy chiếc bình toong bộ đội ra làm mỗi người mấy ngụm nước, rồi tiếp tục lên đường.

  1. Không để lại trong Đảng những con người thoái hóa

Thời kỳ giáp hạt năm ấy, một số địa phương mất mùa, nhân dân thiếu ăn. Nhà nước đưa gạo về giúp, nhưng có một vài nơi cán bộ làm ăn không đến nới đến chốn. Anh Thanh được phái đi kiểm tra hiệân tượng cán bộ tự tư, tự lợi này. Anh xử lý nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên xâm phạm lợi ích của quần chúng.

Tại đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh… anh Thanh phát biểu ý kiến, có lúc thật gay gắt và giọng anh lạc đi:

  • Đảng viên gì? Cán bộ gì? Dân đói, Nhà nước gửi về mấy tạ gạo cứu tế cho dân, mà ba ông chi uỷ chia nhau trước mỗi người mấy chục cân, thật không bằng… “con chó”. Xin các đồng chí bỏ qua cho. Tôi biết những hiện tượng như vậy không nhiều, nhưng nó diễn ra trong hoàn cảnh không thể nào tha thứ được. Không thể nào để lại trong Đảng ta những con người thoái hóa đến mức độ như thế!
  1. Phải tôn trọng tổ chức

Đầu năm 1965, Đại hội Phụ nữ toàn miền Nam họp ở vùng Lò Gò (Tây Ninh). Anh Nguyễn Chí Thanh, Bí thư T.Ư Cục được mời đến dự đại hội. Đến địa điểm họp, các đồng chí bảo vệ không cho anh Thanh vào vì anh không có giấy ra vào cửa như các đại biểu khác. Anh Thanh đành ngồi chờ để các đồng chí bảo vệ hỏi ý kiến ban tổ chức.

Nghe tin anh Thanh đến, chị Nguyễn Thị Định vội vã ra đón anh. Chị xin nhận khuyết điểm về phần ban tổ chức, nhưng anh không đồng ý và nói:

  • Đảng đặt ra tổ chức, Đảng phải tôn trọng tổ chức trước hết. Anh em bảo vệ làm nhiệm vụ thế là tốt, cần biểu dương. Các đồng chí không có khuyết điểm gì cả.

Phan Ngọc Đồng (st)