Anh Bông và tôi thường thay nhau xuống các đơn vị triển khai công tác nắm địch, tuyên truyền làm rã ngũ địch, đặc biệt là xây dựng quyết tâm bắt tù binh để khai thác. Mỗi lần đi cơ sở về, anh em trao đổi tình hình, kinh nghiệm với nhau, kể cho nhau nghe những chuyện vui buồn, chia cho nhau gói cà-phê, điếu thuốc lá, có khi cả kim khâu, viên đá lửa, chút quà của chiến sĩ cho. Hai người sống với nhau hai năm, cùng cơ động suốt từ Tây Nguyên vào miền Đông Nam Bộ, cùng chịu đựng những trận bom B52, cùng chung màn trời, chiếu đất, cùng chia nhau những nắm gạo rang trộn đường kính và hàn huyên với nhau bao chuyện quê nhà, nên ngoài tình đồng đội, chúng tôi còn thân thiết với nhau như ruột thịt.
Tôi rất mến anh, một con người hiền lành, chân thật và vui tính. Chị Oanh, vợ anh là người cùng quê với anh ở xã Bình Thới, quận Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, ngày đó chị đang công tác ở Vụ Tổ chức cán bộ Bộ Ngoại thương. Anh chị có hai cháu, một trai, một gái, tên là Long và Phụng. Những năm anh ở chiến trường (1966-1967) cháu Long đã vào học cấp 1, cháu Phụng thì còn nhỏ. Chị Oanh viết thư cho anh rất đều. Thư từ Hà Nội vào đến Tây Nguyên ròng rã 3 đến 4 tháng, song khi chúng tôi chuyển quân vào miền Đông, thư được chuyển qua cơ quan đại diện Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam ở Phnôm Pênh, nên nhanh hơn, chỉ mất 10 đến 15 ngày. Nhiều thư ở hậu phương chuyển vào, không kịp đến tay bộ đội, bởi các anh đã hy sinh.
Thư chị Oanh viết giản dị mà thật tình cảm: “Anh thân yêu! Anh đang làm gì đấy? Hãy dừng tay trò chuyện cùng em nhé!...”. Và chị kể về những người bạn gái có chồng đi chiến trường như chị, cùng chung bao hò hẹn và nỗi nhớ thương của người hậu phương với người ở tiền tuyến. Rồi chị kể tỉ mỉ chuyện học hành của hai cháu, chuyện nhà, chuyện ở khu tập thể, cả chuyện quân dân Thủ đô bắn rơi nhiều máy bay Mỹ. Tháng nào chị cũng viết hai ba bức thư dài. Chị bảo viết thư cũng vơi được chút nhớ nhung, viết nhiều còn đề phòng thư bị thất lạc do địch đánh phá trên đường giao liên… và viết luôn để anh yên tâm công tác và chiến đấu…
Ngày 26-12-1968, tôi và anh Đặng Bông theo đồng chí Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 1 xuống Trung đoàn 10 để chuẩn bị cho chiến dịch mới, trong đó có việc triển khai kế hoạch địch vận đối với Sư đoàn kỵ binh không vận. Anh Bông có mang theo đài bán dẫn và ít quà hậu cứ, định sau bữa cơm chiều, sẽ liên hoan với tổ địch vận của trung đoàn. Có ngờ đâu, khoảng 6 giờ tối, một loạt bom B52 của giặc Mỹ ném trúng đội hình trú quân, hầm chúng tôi bị sập và anh Bông đã ra đi. Chỗ này là khu vực Suối Chiếc, quận Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh. Khi đồng đội mai táng anh thì tôi đang cấp cứu. Cũng may là hôm ấy, tôi giúp tổ nuôi quân đi khiêng nước ăn, lấy nước ở đây rất vất vả, thường phải dùng một tấm nilông buộc túm hai đầu vào đòn khiêng, mỗi người còn mang thêm cái nạng gỗ phòng khi đại bác địch bắn gần, dùng nạng gỗ chống cáng nước vào gốc cây, rồi người mới xuống hố cá nhân đào sẵn hai bên đường để trú ẩn. Vì đi khiêng nước với các anh, nên khi bom đánh sập hầm, anh Nghênh, chiến sĩ nuôi quân đã nhớ đến tôi còn sót lại trong hầm, mà ra tay đào bới…
Khi được cứu sống, tôi mới biết rõ hầm tôi có bốn người, hy sinh hai, một người bị thương nặng, còn tôi chỉ bị sức ép, lại được tìm cứu kịp thời, nên thoát chết. Thế là chúng tôi không kịp liên hoan, quà hậu cứ anh Bông mang xuống đã nằm lại trong lòng đất cùng với anh hôm đó… Ngày hôm sau, đại bác địch lại bắn phá dữ dội xuống vùng này, các anh nằm đó mà đâu được mồ yên mả đẹp, có ngôi mộ bị xới tung, không còn nguyên vẹn…
Từ sau ngày anh Bông hy sinh (26-12-1968) cho đến đầu năm 1970 khi tôi bị thương lần thứ hai ở kênh Vĩnh Tế (An Giang), tôi vẫn ở Ban địch vận và đảm nhiệm phần việc của anh và suốt những năm ấy, chị Oanh vẫn viết thư đều đặn cho anh và tất nhiên chúng tôi là người nhận và đọc thư của chị. Cứ mỗi lần thư đến, nhiều người lại không cầm được nước mắt mà không dám có một lời hồi âm. Chúng tôi thương chị ngày đêm mong thư anh; thương anh đã hy sinh rồi mà còn bị chị trách là “lười viết thư về quá”. Chị nói với anh rằng dù không thấy thư anh, chị vẫn viết với hy vọng mỗi lá thư của chị là nguồn động viên anh, song cũng là nguồn động viên chị… Chị có biết đâu người chồng thương yêu của chị, người cha yêu dấu của hai cháu Long và Phụng đã không còn. Thế nhưng điều này chắc chị không hình dung thấy: Thư chị đã trở thành thư chung của chúng tôi, nhân lên bao sức mạnh chiến đấu và chiến thắng cho tôi và cho các đồng đội của anh Bông ở chiến trường!...
NGUYỄN TIẾN HUỲNH
NGUYỄN PHÚC ẤM
(lược ghi)