**I- Đồng chí sĩ quan, hãy đứng thẳng lên! **
Tôi viếng thăm nhà tù Phú Quốc với cuốn sử ký Nhà lao Cây Dừa của nhà văn Chu Lai. Sau gần nửa thế kỷ bỏ hoang, cái xác của của con quái vật giết người khổng lồ giờ chỉ còn lại lác đác vài nền nhà giam và cọc sắt hoen rỉ, khuất lấp trong cây cỏ, đang tan rữa trong gió biển mặn mòi. Nhưng phần hồn của nhà tù thì còn đây, trong ký ức những cựu tù từng băng qua cái chết một cách bi tráng, trở về với cuộc chiến đấu.
Nhà tù Phú Quốc vốn là doanh trại của đội quân Tàu Tưởng do tướng Hoàng Kiệt chỉ huy, trốn chạy cuộc truy đuổi của Hồng quân Trung Quốc, dạt lên đảo lập trại trú ngụ, đợi quân Mỹ đến đưa về Đài Loan. Chừng đầu hè 1953, vừa khi doanh trại tạm trú của quân Tưởng làm xong thì có tàu Mỹ đến hót đám lính đi Đài Loan. Trước đó, năm 1942, quân Pháp đã muốn lập nhà tù trên đảo Phú Quốc để giam cầm những người Việt Nam yêu nước. Nay, sẵn có doanh trại lính Tưởng bỏ lại, Pháp chiếm, ra đời nhà tù Phú Quốc. Thời Mỹ-ngụy, nhà tù Phú Quốc được mở rộng, dành riêng cho tù binh chiến tranh, có lúc giam tới 40.000 người. Cách ly với xã hội bên ngoài, nên bộ máy nhà tù Phú Quốc không từ một thủ đoạn tra tấn người tù hết sức dã man như đóng đinh vào đầu, luộc người trong chảo nước sôi, kẹp tù vào hai thanh ván, vặn ốc cho đến không thể thở, bóp đầu tù nhân cho phọt óc. Hơn 4.000 tù nhân bị giết và hơn 10.000 người tù bị hành hạ đến tàn phế. Một bộ máy mất hết tính người.
Dừng lại trước chuồng cọp - một cái lồng hình ống làm bằng nhiều lớp kẽm, vừa một người chui, tôi không thể hình dung người tù khi đã bị ấn vào đó nằm phơi nắng lại có thể sống sót. Vậy mà, ở đây, có những hình thức tra tấn còn hơn cả cái chuồng cọp vừa một người chui kia. Chuyện ông Hai Hội, chiến sĩ công binh ở mặt trận Điện Biên phủ, vào Nam chiến đấu, bị địch bắt ở Hố Nai, đưa ra trại giam Phú Quốc từng bị bắt chui vào chuồng cọp, rồi leo cột gai, rồi nằm trên tấm thiếc phơi nắng mà vẫn sống, vẫn đủ sức vượt ngục trở về tiếp tục chiến đấu.
Ông kể, một sáng giám thị lôi ba chục người bạn tù ở khu giam sĩ quan ra phơi nắng trên dàn thiếc. Nằm úp mặt trên tấm thiếc, mới đầu còn nhịn được, càng về trưa càng nóng bỏng, da ở bụng, ở ngực phồng rộp, đến chiều thì nhiều chỗ da bị cháy sém, người yếu sức thường ngất xỉu. Sáng hôm sau chúng lại phơi nữa. Sau phơi nắng, chúng còn bắt anh em leo cây nhun. Cây cao chừng mười mét, gai tua tủa. Người leo chỉ chừng vài ba nhoài, đùi, ngực, chân tay bị gai đâm nhòe máu. Ai trèo được đến đỉnh, không thể bám cây tụt xuống, mà thả mình rơi tự do, toàn thân nát bấy…
Trong số anh em , có một người bỗng mếu máo kêu đau bụng suốt đêm, không leo cây được, xin tha cho. Bỗng ở bên kia nhà giam hạ sĩ quan và chiến sĩ, cách bên này bảy lớp rào vang lên một tiếng nói uất ức: “ Đồng chí sĩ quan, hãy đứng thẳng dậy, có chết cũng không cần phải xin xỏ, chúng nó khinh!”. Tiếng thét khác nào tiếng nổ động trời. Cả anh em tù và tụi giám thị đều sửng sốt. Người vừa hét lên câu đầy khí phách là một chiến sĩ trẻ, gầy trơ xương, tóc rụng gần hết, đôi mắt mở to nhìn thẳng sang phòng giam các sĩ quan. Mọi người chưa kịp phán đoán thì một tiếng nổ vang lên. Người lính trẻ ngã xuống, giãy mấy cái, rồi nằm im, mắt vẫn mở trừng trừng nhìn trời.
Tức nước vỡ bờ! Cái áp suất ngột ngạt bấy lâu nay do những trận đòn, những bữa ăn, những cái chết tức tưởi, những hình phạt man dại, những cơn ngứa ghẻ, những ngày nắng và những ngày mưa…cùng một lúc bị đôi mắt của người linh trẻ kéo thức dậy gào thét đòi giải tỏa. Hầu hết anh em hai trại tù sĩ quan và hạ sĩ quan gào lên, lao những bộ xương quều quào vào đám giám thị và bọn lính. Cát trong sân bay mù mịt. Tiếng hộc, tiếng thét, tiếng rú rít vang lên hầu như không còn là tiếng của người. Lác đác có tiếng súng nổ và những thây người đổ gục xuống. Tiếng gào của số đông vẫn nổi lên. Một vài giám thị đeo băng đỏ bỏ chạy. Một vài cái mũ quân cảnh bay ra khỏi những sọ vỡ nát. Những nhà giam, những phân khu khác cũng rền lên tiếng hô lạc giọng: “ Đả đảo bọn giết người !”. Cả nhà tù như lên cơn say. Tưởng như chỉ với tiếng gào thét, những bộ da bọc xương nhào về phía trước , trong phút chốc là hàng trăm tấn rào kẽm gai, hàng trăm phòng giam đen đúa, cả bầy lũ quân cảnh và giám thị, cai ngục đông lúc nhúc kia sẽ bị nghiền nát, bị quét sạch.
Nhưng chừng nửa giờ sau mọi sự đâu lại vào đấy. Những khẩu đại liên đầy đạn, những xe bọc thép gắn súng trọng liên, trung liên đã hoàn tất công việc tưới máu của nó. Xác quân cảnh được đem đi, nhưng gần hai trăm xác anh em ta bị để lại, phơi nắng… Một cuộc nổi dậy như bão tố. Một cuộc tàn sát thảm khốc nhưng không đè bẹp được ý chí của những người tù. Ngọn lửa đấu tranh trong tù ngày đêm âm ỉ cháy, giữ lửa cho những cuộc nổi dậy không bao giờ chấm dứt trong tù Phú Quốc.
(Còn tiếp)
Hà Đình Cẩn