Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc, đường Hồ Chí Minh trên biển đã đi vào lịch sử như một con đường huyền thoại.

Cách mạng miền Nam bước sang năm 1960, một giai đoạn phát triển mới cực kỳ quan trọng. Tháng 1, tỉnh Bến Tre đồng khởi. Cùng năm đó, phong trào cách mạng ở các tỉnh Nam Bộ bùng nổ thành cao trào đồng khởi. Trước tình hình này, Bộ Chính trị chỉ thị cho các tỉnh Nam Bộ tổ chức thuyền ra miền Bắc vừa để thăm dò, vừa để kiểm tra, khảo sát luồng lạch, bến bãi, chuẩn bị một kế hoạch lâu dài, vận chuyển vũ khí từ Bắc vào Nam.

Tỉnh Bến Tre là quê hương phong trào đồng khởi, giờ đây lại là địa phương đi đầu về chuyến vượt biển bằng thuyền ra miền Bắc. Sau một thời gian bí mật, khẩn trương chuẩn bị, chiều tối ngày 1-6-1961, tại bãi biển Thạnh Phú, một chiếc thuyền gỗ, cùng 6 cán bộ, chiến sĩ lặng lẽ rời bến ra đại dương. Tám ngày, chuyến thuyền trên đã cập được vào bờ biển Hà Tĩnh. Tiếp theo là thuyền của các tỉnh: Cà Mau, Trà Vinh, Bến Tre 2 và Bà Rịa - Vũng Tàu vượt biển ra Bắc thành công.

Có thể nói, 34 cán bộ, chiến sĩ, hành trình trên 5 chiếc thuyền gỗ, vượt biển đầu tiên ra Bắc là những chiến sĩ cảm tử. Các thuyền ra khơi phải cải trang thành thuyền ngư dân đánh bắt cá; phương tiện đi biển không có gì; không có hải đồ và la bàn. Có thuyền không có máy móc, chỉ dùng buồm, đồng thời nhìn sao Bắc đẩu, nhìn mặt trời mà đi. Hơn nữa, các thuyền còn gặp sóng to, bão lớn, cồn cát, đá ngầm và đặc biệt là sự săn lùng ráo riết suốt ngày đêm của tàu chiến, máy bay Mỹ - ngụy. Ấy là chưa nói đến các cán bộ, chiến sĩ còn phải chịu đói khát, thiếu nước uống, lương thực, thực phẩm.

Song xuất phát từ lòng yêu nước, tràn đầy nhiệt huyết cách mạng, ai nấy đã vượt lên khó khăn, nguy hiểm, ra tới miền Bắc, giúp Trung ương quyết định thành lập Đoàn tàu không số, mở đường Hồ Chí Minh trên biển. Và chính họ trở thành những thủy thủ đầu tiên, đi trên các con tàu vận tải vũ khí, chi viện chiến trường miền Nam suốt 14 năm liên tục, cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30-4-1975.

Nhân kỷ niệm 50 năm ngày những con thuyền từ miền Nam ra miền Bắc (1-6-1961 – 1-6-2011), 5 cán bộ, đại diện cho 34 đồng chí (đến nay chỉ còn 15 đồng chí, trong đó gần 10 người không đủ sức khoẻ) ra thăm miền Bắc. Đoàn vinh dự được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đón tiếp thân mật. Chủ tịch xúc động trước những tấm gương dũng cảm của cán bộ, chiến sĩ và quan tâm giải quyết chính sách thỏa đáng đối với 34 gia đình, đồng thời yêu cầu cơ quan chức năng truy xét khen thưởng cho tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong công tác vận chuyển vũ khí, cán bộ, tiền của chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tiếp đó, Đoàn được Đại tướng Phùng Quang Thanh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân uỷ T.Ư, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra tận cửa xe ô tô đón. Sau khi nghe đồng chí trưởng đoàn Nguyễn Văn Đức báo cáo tình hình, Bộ trưởng thăm hỏi sâu sắc các gia đình, đồng thời quyết định tặng 10 căn nhà tình nghĩa, trị giá 60 triệu đồng mỗi căn và tặng 34 suất quà cho các thành viên trên 5 con thuyền ra Bắc năm xưa.

Trong thời gian ở thăm Thủ đô Hà Nội, Đoàn đã vào viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mọi người vô cùng xúc động nhớ lại sự quan tâm ân cần và lời dạy bảo của Bác 50 năm về trước.

Đoàn xuống thăm Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân. Chuẩn đô đốc, Phó tư lệnh quân chủng Lê Văn Đạo cùng một số cán bộ, chiến sĩ nhiệt tình đón đoàn. Đồng chí Phó tư lệnh giới thiệu vài nét về thành tích của Hải quân nhân dân Việt Nam trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa của Tổ quốc và xây dựng quân chủng cách mạng, tiến lên chính quy, tinh nhuệ, hiện đại. Đồng chí thông báo với đoàn về quyết định của Thường trực Ban Bí thư T.Ư Đảng, sẽ tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày mở Đường Hồ Chí Minh trên biển vào dịp 23-10-2011, ở cấp quốc gia. Thay mặt Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân, đồng chí Lê Văn Đạo đã tặng quà cho 5 cán bộ và thành viên của 34 gia đình.

Tiếp đó, Đoàn đã đến thắp hương và thả vòng hoa ở cảng K15, nơi cách đây 50 năm, chuyến tàu đầu tiên vận chuyển vũ khí, chi viện cho chiến trường miền Nam. Mọi người vô cùng xúc động, tưởng nhớ tới đồng đội, đã anh dũng hy sinh cho sự nghiệp cách mạng và hứa sẽ tiếp tục phát huy bản chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ” trong cuộc sống hôm nay.

CHI PHAN