Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên.
Bằng tất cả những tình cảm đối với Bác, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cùng đứng dậy đi theo Bác Hồ đánh thực dân Pháp. Những gương như anh hùng Núp xuất hiện khắp Tây Nguyên, tạo nên một Tây Nguyên bất khuất, góp phần cùng toàn Dân tộc đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.

Thời chống Mỹ, tình hình cách mạng khó khăn, phức tạp, nhưng đồng bào Tây Nguyên hướng về miền Bắc nơi có Bác Hồ, nghe theo lời Người, nghe theo Đảng nổi dậy đánh Mỹ - ngụy để dành quyền sống và độc lập, thống nhất cho dân tộc. Thời kỳ đen tối của những năm 50, đồng bào các dân tộc Tây Nguyên cùng đồng bào miền Tây các tỉnh Nam Trung Bộ đoàn kết thành một khối. Sức mạnh đoàn kết này từ năm 1958 đã đánh nhiều cuộc càn quét đẫm máu của Mỹ-ngụy nhằm gom dân theo cái mà chúng gọi là “chiến dịch thượng du vận”.

Điển hình là cuộc nổi dậy của đồng bào dân tộc ở Bác Ái (Ninh Thuận). Nhân dân ở đây đã làm chủ buôn rẫy suốt từ tháng 2-1959 cho đến ngày chiến tranh giải phóng miền Nam toàn thắng năm 1975.

Ngày 28-8-1959, có lực lượng vũ trang hỗ trợ, nhân dân các dân tộc huyện Trà Bồng (Quảng Ngãi) đã đoàn kết nổi dậy đồng loạt, quét sạch quân địch trên địa bàn huyện. Nhân dân các huyện Ba Tơ, Sơn Trà, Minh Long... học tập Trà Bồng cũng lần lượt nổi dậy, góp phần để đất nước nở hoa độc lập, thống nhất nước nhà.

Tình cảm đặc biệt mà Bác Hồ dành cho đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói riêng, đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung còn thể hiện ở sự quan tâm của Người đối với sự nghiệp đào tạo con em đồng bào các dân tộc. Khi miền Bắc được hòa bình, cán bộ và con em đồng bào miền Nam tập kết ra miền Bắc, Người đặc biệt chú ý con em đồng bào miền Nam ra tập kết.

Một loạt các trường học cho con em miền Nam được mở ra ở các địa phương. Riêng một số con em dân tộc Ba Na, Ê Đê, Hrê, Gia Rai, M’Nông, Xê Đăng, Stiêng, Ra Giai, Cơ Ho, Chăm, Chơ Ro, Mạ, Vân Kiều, Cà Tu... và một số con em dân tộc Khơme Nam Bộ tập kết ra Bắc ở hai trường: Cán bộ dân tộc thiểu số miền Nam (Gia Lâm-Hà Nội) và Trường học dân tộc thiểu số miền Nam số 5 (Giảng Võ-Hà Nội). Học sinh của hai trường này luôn luôn được Bác Hồ quan tâm, động viên khích lệ. Năm học 1954-1955, hai trường phát động phong trào thi đua học tập, rèn luyện thành cháu ngoan Bác Hồ, lấy thành tích mừng Ngày sinh của Bác Hồ. Sáng ngày 19-5-1955, đoàn học sinh của hai trường đến Phủ Chủ tịch chúc thọ Bác. Vừa đến cổng, thấy Bác Hồ đi từ trên bậc thang xuống, cả đoàn học sinh chạy ùa đến và gọi thật to: Bác Hồ, Bóok Hồ, Prák Hồ... rồi quấn quýt chung quanh Người. Em bé nhất được Bác ôm gọn vào lòng.

Nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9- 1955, Bác Hồ lại gửi Huy hiệu Hồ Chí Minh tặng học sinh xuất sắc của trường. Từng bước đi của học sinh các dân tộc Tây Nguyên, đồng bào miền Nam được Bác Hồ quan tâm chăm sóc.

Ngày nay, dù Bác đã đi xa nhưng đồng bào Tây Nguyên nguyện tiếp tục học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, chung tay xây dựng Tây Nguyên ngày một giàu mạnh và phát triển toàn diện. Làm theo lời Bác Hồ, theo Đảng, đồng bào Tây Nguyên đã và đang đem tất cả tâm lực của mình, xiết chặt khối đoàn kết dân tộc bảo vệ vững chắc địa bàn chiến lược của Tổ quốc, cùng nhân dân cả nước thực hiện xuất sắc lời Bác Hồ dạy: Xây dựng đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn và quyết bảo vệ đến cùng nền độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Vũ Minh