(Báo tháng 6) - Răng khôn là răng hàm cuối cùng của mỗi bên hàm. Răng khôn thường mọc lệch và gây ra nhiều biến chứng vì khi đó các răng đã mọc hoàn thiện và xương hàm đã cứng nên không đủ chỗ cho răng khôn mọc lên bình thường. Vậy khi nào cần nhổ răng khôn?

Răng khôn mọc không đúng chỗ sẽ gây những biến chứng như: Viêm nướu: Sự tích tụ mảng bám thức ăn ở răng khôn sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm xung quanh nướu, gây đau nhức, cứng hàm, sưng tấy và hôi miệng. Sâu răng: Răng khôn thường mọc trong cùng nên khó vệ sinh sạch sẽ, sự tích tụ mảng bám lâu ngày sẽ gây ra sâu răng. Răng chen chúc: Do thiếu chỗ nên răng khôn thường mọc lệch và đẩy các răng về phía trước gây ra tình trạng răng chen chúc. Huỷ hoại xương và răng xung quanh: Khi răng khôn mọc lệch đâm sang răng số 7, là răng đóng vai trò quan trọng trong việc ăn nhai thì sẽ làm răng này bị lung lay, tiêu huỷ, sâu răng và thậm chí là mất răng.

Răng khôn nên nhổ khi nào?

Cần nhổ răng khôn khi việc mọc răng gây ra các biến chứng đau, nhiễm trùng lặp đi lặp lại, u nang, ảnh hưởng đến răng lân cận. Khi răng khôn chưa gây ra biến chứng, nhưng giữa răng khôn và răng bên cạnh có khe giắt thức ăn, có thể sẽ ảnh hưởng đến răng bên cạnh thì cũng có chỉ định nhổ răng khôn để ngăn ngừa biến chứng.

Khi không có răng đối diện ăn khớp, làm răng khôn trồi dài xuống hàm đối diện, tạo bậc thang giữa răng khôn và răng bên cạnh, gây nhồi nhét thức ăn, lở loét nướu hàm đối diện.

Khi răng khôn có hình dạng răng bất thường, nhỏ, dị dạng, gây nhồi nhét thức ăn với răng bên cạnh, lâu ngày gây sâu răng và viêm nha chu răng bên cạnh thì cũng có chỉ định nhổ.

Bản thân răng khôn có bệnh nha chu hoặc sâu răng lan rộng. Hoặc bệnh nhân muốn nhổ răng khôn để chỉnh hình, làm răng giả, hoặc răng khôn là nguyên nhân của một số bệnh toàn thân khác cũng nên được nhổ bỏ.

Không phải tất cả răng khôn đều cần phải nhổ. Một chiếc răng khôn mọc thẳng, bình thường, không bị kẹt bởi mô xương và nướu, không gây biến chứng, thì có thể được giữ lại với điều kiện bệnh nhân cần dùng chỉ tơ nha khoa và bàn chải để làm sạch một cách triệt để.

Bệnh nhân mắc một số bệnh lý mạn tính như tim mạch, đái tháo đường, rối loạn đông cầm máu… Hoặc răng khôn liên quan trực tiếp đến một số các cấu trúc giải phẫu quan trọng như xoang hàm, dây thần kinh… mà không thể sử dụng các phương pháp phẫu thuật chuyên biệt để thực hiện thì không được nhổ răng.

Thùy Linh