Thời bao cấp, cuộc sống khó khăn nên chuyện lấy vợ lấy chồng cũng bi hài không kém.
Nhà văn Lê Lựu kể: Hồi ông lấy vợ, sau ngày cưới 2 tháng mới mua được một chiếc chiếu và một chiếc màn. Khổ nỗi, màn đôi và chiếu đôi giăng ra quá rộng so với cái giường một, mượn của cơ quan. Vậy là, màn thì buộc túm, chiếu thì gấp đôi, trải ngang ra. Thành thử thừa chiều rộng, thiếu chiều dài!
Nhà thơ Phạm Tiến Duật lấy vợ nhưng không có nhà, ở nhờ căn bếp nhà vợ trong ngõ Yên Thế (đường Nguyễn Thái Học). Căn phòng bẩn, hôi hám, vậy mà hai vợ chồng và hai đứa con ngủ trên cùng một chiếc phản trong nhiều năm.
Ông Nguyễn Văn Hảo, ở Nghệ An quả quyết: Có người nhà liên quan đến quầy mậu dịch, thì còn gì bằng! Nếu lấy được những người này, mỗi lần mua lương thực, thực phẩm đỡ phải xếp hàng, lại được hàng tươi ngon. Câu “nhất thân, nhì quen” là vì thế. Ngày ông nghỉ phép cưới vợ, hai vợ chồng chạy vạy mãi mới mua được mấy lạng thịt ở cửa hàng mậu dịch để làm bữa cơm ăn mừng. Ngày cưới, bạn bè đến chúc mừng “cỗ bàn” chủ yếu là nước chè, ít bánh kẹo. Quà cưới gồm: Chậu, bát, đĩa, phích nước, nồi niêu, xoong, chảo. Tàn tiệc cưới, cô dâu chú rể phải kiếm bao gom quà mừng, vác về.
Sống trong thời thiếu thốn cực đến vậy, “món ngon” nhất cho đám cưới có lẽ là tiếng hát ca của bạn bè đến góp vui.
Hoài Niệm