Từ phải qua,Đại tá Nguyễn Đức Hiền, Anh hùng LLVT nhân dân_ Thiếu tướng Trần Minh Hùng, nguyên Phó Tư lệnh QK5 và tác giả, Nhân Mùi là những đồng đội trực tiếp chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ năm 197

    Những ngày này tháng 9 - cách đây 47 năm (1972 -2019), tỉnh Quảng Trị mưa nhiều nước trên thượng nguồn đổ về làm dòng sông Thạch Hãn dâng cao nhấn chìm thị xã - Thành cổ Quảng Trị trong biển nước. Chiến đấu trong địa hình tác chiến bị ngập lụt, nhưng bộ đôi ta vẫn kiên cường bám trụ, ngâm mình nhiều ngày  dưới nước, trong hầm hào công sự chiến đấu đẩy lùi các đợt tấn công của Quân lực Việt Nam Công Hòa (quân địch). Tinh thần chiến đấu dũng cảm, hy sinh anh dũng của bộ đội ta đã làm nên chiến công huyền thoại “81 ngày, đêm chiến đấu bảo vệ Thành Cổ năm 1972”. Thời tiết gây nên địa hình tác chiến bị ngập lụt dài ngày thì việc tổ chức cho bộ đội rút quân đến chiếm lĩnh những vị thế, địa hình cao hơn là việc làm cần thiết của người chỉ huy...

     Khoàng 3 giờ ngày 16/9/1972, chúng tôi những chiến sĩ Đại đội 25 vận tải thuộc Trung đoàn 95 làm nhiệm vụ dìu cõng, cáng thương binh tại Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95, Sư đoàn 325 đang chốt giữ, chiến đấu với quân địch trên hướng Tây-Nam Thành Cổ thì nhận được lệnh của chi huy cấp trên rút quân về bờ Bắc sông Thạch Hãn. Thượng úy Nguyễn Đức Hiền, Chính trị viên tiểu đoàn 4 (nay Đại tá, Anh hùng Lực lương Vũ trang nhân dân) truyền lệnh cho đơn vị; đồng thời, cùng với bộ đội khẩn trương làm công tác tử sĩ chiến trường - xóa dấu vết chiến trận và dìu cõng 19 thương binh lội bì bỏm dưới giao thông hào ngập nước. Ra đến bờ Nam sông Thạch Hãn dòng nước hung dữ cuộn chảy. Chính trị viên Hiền, truyền đạt cho cán bộ, chiến sĩ với tinh thần: 2 người khỏe dìu 1 đồng đội bị thương cùng vượt sông. Trong quá trình vượt sông gặp khó khăn và những điều bất trắc xẩy ra thì các đồng chí phải giữ an toàn tuyệt đối cho những thương binh.

Cùng lúc đó, dưới mặt sông bên chiếc Xuồng máy Cao Su vọng lên giọng nói: “các đồng chí tổ chức cho bộ đội vượt sông nhanh lên, kẻo trời sáng máy bay VO10 của địch (loại máy bay trinh thám, bay suốt ngày, đêm trên trời để phát hiện mục tiêu dưới mặt đất) phát hiện gọi pháo kích, máy bay đến ném bom bây giờ. Đó là Trung úy Trần Minh Hùng, Trợ lý Tác chiến trung đoàn 95, Chỉ huy Bến vượt qua sông Thạch Hãn (nay Thiếu tướng, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5). Đồng chí Hùng  truyền đạt: những thương binh nặng được chuyển lên xuồng cao su, số còn lại khẩn trương vượt sông. Trong quá trình vượt sông các đồng chí không phí sức vật lộn với dòng nước cuộn chảy mà lợi dụng chiều thuận của dòng chảy dùng chân đạp nước, kết hợp tay bơi về phía bờ Bắc sông Thach Hãn”.

   Mưa tiếp tục nặng hạt, bầu trời vẫn giăng đầy các chùm pháo sáng của địch. Mặt sông luôn bị vở toắc bởi những quả đạn pháo bắn vu vơ (cầm canh) của địch, điều đó không làm nản chí những người lính dạn dày chiến trận. Qúa trình vượt sông, được chỉ huy đơn vị quy định 2 đến 3 người cùng cầm chặt tay, dìu giúp nhau cùng bơi. Nhưng, khi ra giữa dòng do tác động của dòng nước chảy mạnh dẫn đến 1 vài  đồng chí tuột tay bị nước cuốn trôi, cho dù đồng đội đã cố sức cứu. Cũng có các trường hợp, bộ đội ngâm mình dài ngày dưới nước chiến đấu trong thành cổ, đau bụng kiết lỵ nhiều ngày liền, bị thương nhẹ vẫn tiếp tục ở lại chiến đấu nên sức khỏe giảm sút dẫn đến kiệt sức trong khi bơi. Về đến Bắc sông Thạch Hãn, những thương binh, những đồng đội sức yếu được các bác sĩ Quân y đợi sẵn chăm sóc, sơ cứu ban đầu và đưa lên xe về tuyến sau điều trị, nghỉ dưỡng. Quần áo của bộ đội đa số bị rách trong chiến đấu được cán bộ Quân Nhu trang bị mới cùng với các loại tư trang cá nhân khác...

Phía đông bình minh hửng sáng. Chúng tôi không ai bảo ai đều ngoảnh lại nhìn về Thành Cổ, mắt nhòa lệ, nhớ thương đồng đội: “mới ít phút trước đây thôi, đồng đội cùng chung chiến hào chiến đấu mà giờ đây đã nằm lại yên nghỉ vĩnh hằng nơi Thành Cổ”. Thành cổ chìm ngập trong biển nước mênh mông, chỉ còn lại những bờ tường đổ, mố đất cao nhô lên mặt nước giống như những đảo nhỏ, gắn trên đó là những đụn khói bay lên lả tả - đuối sức. Thị xã - Thành cổ Quảng Trị có những giây phút im lặng lạ thường... Là chiến sĩ trực tiếp chiến đấu trong “81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ” mang theo tôi lời cảm nhận chiến trường:

                      “Ngoảnh lại nhìn Nam sông - Thành Cổ

                       Không tiếng súng, không bom rơi đạn rít

                       Không nghe tiếng bộ đội xung phong

                       Chỉ còn lại những thân xác đồng đội

                       Hóa thân mình trong bùn đất - gạch vụn Cổ Thành”.

                                                                                           Bài và ảnh: Nhân Mùi