Ngày 1- 2 - 1964. Đêm đó em không ngủ được anh biết vì sao không? Vì anh đã ngỏ lời yêu em. Tiếng anh nói rất nhỏ mà em cảm thấy như hét vào tai em, em sợ người ngoài nghe thấy thì xấu hổ chết. Em còn biết mấy ngày nữa anh đã nhập ngũ rồi mọi việc tùy anh định đoạt thôi.

Tôi sắp xếp lại vật dụng trong cái tủ đã cũ lắc cũ lơ của mẹ. Bỗng một chiếc hộp bằng đuya-ra hay nói đúng hơn là làm bằng xác máy bay Mỹ rơi xuống nền nhà, một quyển vở học sinh giấy đen, cùng mấy phong thư đã vàng ố rơi ra. Sẵn tính tò mò tôi xem thử cái gì trong này. Thì ra đó là quyển nhật ký của mẹ viết về bố.

Ngày 1- 2 - 1964. Đêm đó em không ngủ được anh biết vì sao không? Vì anh đã ngỏ lời yêu em. Tiếng anh nói rất nhỏ mà em cảm thấy như hét vào tai em, em sợ người ngoài nghe thấy thì xấu hổ chết. Em còn biết mấy ngày nữa anh đã nhập ngũ rồi mọi việc tùy anh định đoạt thôi.
Ngày 10-2-1964. Đó là ngày em tràn đầy hạnh phúc, đám cưới đơn giản nhưng lại có nhiều người thân bạn bè đến dự. Đêm đó nằm bên anh mà em vẫn cảm thấy như hồi mình mới yêu nhau.
Ngày 20-2-1964. Anh lên đường nhập ngũ, em đành nuốt nước mắt vào trong, cười cười nói nói cho có vẻ như không có chuyện gì xảy ra, nhưng thực chất ruột em đang đứt từng khúc. Một tháng sau gửi thư về, anh nói là anh được vào lính Hải quân đang huấn luyện ở Quảng Ninh và kèm theo tấm ảnh anh mặc quân phục Hải quân rất đẹp. Trước khi đi ngủ bao giờ em cũng để tấm hình anh trên gối nằm bên cạnh em. Ngày 5-8-1964, em nghe đài báo tin giặc Mỹ ném bom bắn phá miền Bắc. Bộ đội hải quân ta đã thắng trận đầu bắn rơi máy bay địch ở vịnh Bắc Bộ, đưa tàu chiến địch ra khỏi vùng lãnh hải. Mừng thì mừng thật đấy, nhưng em lại lo cho anh và đồng đội của anh không biết có mệnh hệ gì không?
Ngày 15-8-1964. Em nhận được thư anh, ngoài bì thư là con tem có hình tàu chiến của ta trên biển đang bắn, còn hai chiếc máy bay của Mỹ thì bốc cháy. Đẹp nhất là hình hai chiến sĩ hải quân đang nhằm thẳng quân thù nhả đạn. Bóc thư ra đọc, thấy anh và đồng đội vẫn khoẻ là em mừng, nhưng mừng nhất là anh gửi về cho tám con tem như đã dán ngoài bì thư. Anh nói đây là tiêu chuẩn bốn tháng ghi thư của anh đấy nhưng anh tiết kiệm để gửi về cho em để em gửi thư cho anh thường xuyên hơn, động viên anh trong chiến đấu. Cầm mấy con tem anh tặng mà em rơi nước mắt lúc nào không hay. Thế là từ nay em đã có tem để gửi thư cho anh.
Ngày 1- 2- 1965. Chiều 30 tết em nhận được thư anh ngoài bì thư dán con tem có hình ba bông hoa mai vàng rực, trong thư anh viết anh đang đi nhận một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, hãy tin và chờ anh và anh cũng không quên gửi kèm cho em sáu con tem có hình mấy bông mai. Em cũng không biết nhiệm vụ đặc biệt đó là việc gì nhưng em tin một điều là anh sẽ trở về.
Ngày 20-5-1965. Một chiếc xe mang biển số màu đỏ quân đội đậu trước cổng nhà, bước vào theo anh là hai người mặc quân phục hải quân rất đẹp chào ba mẹ và hỏi em. Lúc đó mồm miệng em nó đi đâu mất, chỉ còn lại trong em là sự mừng rỡ khi được gặp chồng sau một năm xa cách. Em mừng đến nỗi tay chân cứ quýnh lên không biết nên làm cái gì trước, cái gì sau, làm cho mấy người bạn của anh phải bật cười.
Ngày 15-7-1965. Em thấy trong mình khang khác, em ghi thư báo cho anh chúng mình sắp có con. Anh bảo sinh con trai thì đặt tên là Kiên Cường, nếu là con gái thì đặt tên cho con là Hồng Hà (con sông luôn bên mình với Thủ đô Hà Nội). Kèm theo lá thư lần này có mấy con tem hoa phong lan rất đẹp.
Ngày 18-11-1965. Chiếc xe mang biển số quân đội lại đến nhưng lần này khác với lần trước. Linh tính của một người vợ lính mách em có chuyện chẳng lành. Bước vào nhà là mấy anh mặc quân phục sĩ quan hải quân khuôn mặt ai cũng có vẻ đăm chiêu, dù các anh chưa nói ra thì em cũng đã thừa hiểu một điều là anh đã hi sinh. Như không đợi chờ lâu một anh sĩ quan thay mặt cho đơn vị báo với gia đình một tin buồn là đồng chí Hoàng Minh đã anh dũng hi sinh trên đường làm nhiệm vụ ở tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển cùng với đồng đội và con tàu không số. Lúc đó em không tin vào tai mình nữa, em quỵ xuống lúc nào không hay, khi tỉnh lại thì đã thấy mình nằm trong bệnh viện, cũng may cái thai vẫn an toàn.
Ngày 30-11-1965. Xã tổ chức lễ truy điệu anh cùng những người khác, đó là cái ngày em đau khổ nhất. Em không còn nước mắt để khóc nữa, hình như em cảm nhận rằng khi con người ta đau khổ đến tột đỉnh thì lại bình tĩnh và sáng suốt nhất. Em thầm hứa với linh hồn anh là em mãi mãi là của riêng anh và có trách nhiệm nuôi con của chúng ta khôn lớn thành người, với em như vậy là quá đủ để em tự hào về anh, về người chồng thương yêu nhất. Những lúc ngồi một mình nhớ anh, em lấy những bức thư của anh ra đọc, thấy những con tem anh dán trên thư và tặng em, em lại càng yêu anh hơn. Theo từng thời gian em xâu chuỗi những bức thư với những con tem anh dán trên đó và những con tem anh tặng em đều mang những thông điệp muốn thông báo với em về nhiệm vụ và tấm lòng của anh trong từng thời kỳ mà lúc đó em không hề hay biết. Cái hộp mà anh làm bằng xác máy bay chưa kịp tặng em thì các anh chỉ huy của anh đã mang về cho em rồi. Em và con không những nhận được của anh những tặng vật mà mẹ con em còn nhận được ở anh một vinh dự cao cả, một niềm tự hào. Tất cả những vinh dự đó sẽ theo mãi cuộc đời mẹ con em. Mấy con tem quân đội mà anh đã tặng em nó luôn nằm trong trái tim em với hình ảnh người lính hải quân trên chiến hạm đang nhắm thẳng quân thù nhả đạn với hai chiếc máy bay địch bốc cháy trên biển quê hương.
Nước mắt tôi nhỏ xuống ướt từng trang nhật ký của mẹ.
Giờ thì tôi đã hiểu tại sao mẹ tôi lại không đi bước nữa khi tuổi đời mới chớm hai lăm.
Lòng thuỷ chung, sự kiên định và tình yêu thương bố tôi đã giúp mẹ con tôi chiến thắng mọi cám dỗ trong cuộc sống đời thường.
Hoàng Bính Hà