BĐHH luyện tập tiêu tẩy cho vũ khí, trang bị cỡ lớn.

Trước yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngày 19-4-1958, Phòng Hóa học - Nguyên tử, thuộc Cục Huấn luyện chiến đấu (Bộ Tổng tham mưu) - tiền thân của Binh chủng Hóa học được thành lập. Từ đó, Bộ đội Hóa học (BĐHH) vừa xây dựng lực lượng, ổn định tổ chức biên chế, vừa phục vụ chiến đấu và chiến đấu, hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ làm nòng cốt về công tác phòng hóa cho LLVT và nhân dân.

BĐHH có mặt ở tất cả các chiến trường, chỉ đạo, hướng dẫn bộ đội và nhân dân phòng, chống, khắc phục có hiệu quả chất độc hóa học của địch; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, sử dụng các loại vũ khí, trang bị, khí tài đặc chủng trực tiếp tham gia chiến đấu, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, viết nên truyền thống vẻ vang của BĐHH: “Phòng chống tốt - Chiến đấu giỏi”.

Tiêu biểu là trong Chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh (1968), Đại đội 2, Tiểu đoàn 901 BĐHH, làm nhiệm vụ nghi binh chiến dịch ở hướng Tây, đã cấu trúc được 13 trận địa pháo giả, 9 trận địa phục kích bắn máy bay, 13km đường giả, 70 bù nhìn, 5 chiếc cầu giả bắc qua sông, 20km cột và dây điện thoại giả, 6 mục tiêu mang cần ăngten vô tuyến điện, 24 kho và lán giả, 6.180 giờ dùng lửa bếp và trực lửa bếp đốt điểm khói và gây ánh lửa, đào đắp hàng trăm mét công sự ẩn nấp, bảo đảm an toàn cho một tuyến cơ động của mặt trận, tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị chiến đấu. Chỉ tính trong đợt 1 của Chiến dịch, địch đánh phá các khu vực nghi binh là 1.225 loạt bom, 8.325 loạt pháo, 79 loạt B52, 180 quả bom cháy, 130 loạt rốc két, 52 loạt tên lửa. Lực lượng nghi binh bắn bị thương 1 máy bay địch. Ở hướng Đông nhiệm vụ nghi binh tổ chức ở Trung đoàn 270, các Trung đoàn pháo 204, 218; với 374 cụm khói, 943 điểm khói, tạo ra màn khói tại 44 trận địa giả, thu hút 21 giờ địch đánh bom, 24 giờ địch đánh pháo. Ở miền Bắc, từ năm 1967 đến 1972, BĐHH thực hiện 385 trận thả khói, bảo vệ an toàn các mục tiêu quan trọng. Trong đó Đại đội 92 thả khói 47 lần ngụy trang bảo vệ an toàn Nhà máy điện - nước Yên Phụ, Hà Nội.

Trong 10 năm (1961-1971), quân đội Mỹ đã sử dụng trên 80 triệu lít chất độc diệt cây, hơn 9.000 tấn chất độc CS để phun rải trên chiến trường miền Nam. Từ năm 1996 đến nay, BĐHH thực hiện 19 dự án điều tra, thu gom, xử lý chất độc hóa học tồn lưu sau chiến tranh; điều tra 293 quận, huyện, thị xã của 34 tỉnh, thành phố và các đơn vị quân đội; thu gom, xử lý 455,808 tấn chất độc CS và vũ khí, phương tiện chứa chất độc CS. Hoàn thành chôn lấp, cô lập gần 152.000m3 đất nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin tại sân bay Biên Hòa, 7.500m3 đất tại sân bay Phù Cát; giám sát công nghệ xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng... Ngoài ra, trực tiếp xử lý ô nhiễm môi trường do chôn lấp 350 tấn gia cầm bị dịch cúm H5N1 ở Hà Tây (cũ); hàng trăm nghìn con lợn chết do dịch tai xanh ở Thanh Hóa; ô nhiễm do thuốc bảo vệ thực vật ở Hà Nội, Lạng Sơn, Bắc Giang; tham gia cứu hộ, cứu nạn do ngạt khí độc tại xã Thái Học, Nguyên Bình (Cao Bằng); xử lý sự cố hóa chất độc của tàu nước ngoài ở cảng Chùa Vẽ (Hải Phòng); sự cố nổ hóa chất tại Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng... Thiết kế, lắp đặt hệ thống xử lý nước thải, khí thải cho nhiều khu công nghiệp và y tế trong và ngoài quân đội; các hệ thống xử lý nước cố định và cơ động cho các đồn biên phòng, đơn vị quân đội đóng quân vùng sâu, vùng xa và nhân dân vùng bị bão lụt… Lập quan trắc, cảnh báo diễn biến tác động hoá học, phóng xạ trong không khí ở các mục tiêu, địa bàn quan trọng, như: Quảng trường Ba Đình, sân bay Nội Bài, khu quân sự Sơn Tây - Hòa Lạc... các quân cảng, các công trình chiến đấu, các cơ sở công nghiệp. Kiểm soát môi trường không khí 24/24 tại thành phố lớn.

BĐHH nghiên cứu hơn 170 đề tài, biên soạn hơn 330 tài liệu, giáo trình, hơn 1.000 mục từ điển, trong đó 87 đề tài xuất sắc, được ứng dụng trong thực tiễn huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, xử lý chất độc hoá học tồn lưu sau chiến tranh, bảo đảm trang bị thay thế nhập ngoại, đạt hiệu quả thiết thực. Điển hình: Đề tài “Nghệ thuật sử dụng BĐHH trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc”; “Sử dụng BĐHH trong chống bạo loạn lật đổ”; cụm công trình “Phương tiện và công cụ hỗ trợ phòng chống bạo loạn” được Giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2005 và Xe thả khói KH-01 được giải Ba về sáng tạo khoa học cấp Quốc gia năm 2009.

Với những kết quả đạt được, Binh chủng Hóa học được tuyên dương Đơn vị Anh hùng LLVTND và nhiều phần thưởng cao quý khác. Nhân kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống (19-4), Binh chủng được trao tặng Huân chương Quân công hạng Nhì.

Chính Nghĩa