Chủ tịch Hồ Chí Minh với thiếu nhi Việt Nam.
Trong bài thơ “Kêu gọi thiếu nhi” viết năm 1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấu cảm nổi cực khổ của trẻ em Việt Nam khi đất nước bị cai trị dưới ách thực dân phong kiến: “Chẳng may vận nước gian nan/ Trẻ em cũng phải lầm than cực lòng/ Học hành giáo dục đã không/ Nhà nghèo lại phải làm công cày bừa/ Sức còn yếu tuổi còn thơ/ Mà đã khó nhọc cũng như người già/ Có khi lìa mẹ lìa cha/ Để làm tôi tớ người ta bên ngoài”. Bởi vậy, trong bức thư gửi thiếu nhi toàn quốc nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi (Báo Sự Thật số 134, ra ngày 1-6-1950), Người đã mong muốn trẻ em Việt Nam đều được no ấm, được vui chơi, được học hành như trẻ em ở Liên Xô.
Thiên đường của trẻ em
Cuốn sách “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” (1948) của tác giả Trần Dân Tiên đã viết lại những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh chứng kiến về đời sống của thiếu nhi ở Liên Xô khi Người đặt chân lên đất nước này. Cuốn sách viết rằng: Chủ tịch Hồ Chí Minh rất yêu trẻ em nên Người nghiên cứu kỹ đời sống thiếu nhi ở Liên Xô. Chẳng hạn, lúc mới đẻ, mỗi đứa trẻ ở Liên Xô được giúp tiền may quần áo, được uống sữa lọc trong 9 tháng không mất tiền. Mỗi tuần bác sĩ đến thăm khám nhiều lần. Người mẹ được nghỉ 2 tháng trước, sau khi sinh đẻ và vẫn được hưởng lương.
Những đứa trẻ Liên Xô được gửi ở những vườn trẻ và có người chăm sóc. Trẻ em được chu cấp áo quần sạch sẽ, được tắm rửa sạch sẽ và cho ăn uống đầy đủ. Thiếu nhi có một tờ báo riêng. Những trẻ em đặc biệt có thiên tài được chính phủ giúp đỡ…
Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận ra: “Nói tóm lại, cái gì tốt nhất đều để dành cho trẻ em. Nếu nước Nga chưa phải là một thiên đường cho tất cả mọi người, thì nước Nga đã là một thiên đường của trẻ con… Người ta khuyên bảo trẻ, không bao giờ mắng hoặc phạt và trẻ em luôn luôn ngoan. Nhờ sự săn sóc như thế, trẻ em lớn lên tươi đẹp như hoa hồng mùa xuân”.
Thiên đường của thiếu nhi này khiến Chủ tịch Hồ Chí Minh nhớ đến thiếu nhi Việt Nam. Người cũng muốn thiếu nhi Việt Nam “sung sướng, mạnh khỏe như những trẻ em Nga”.
Xây dựng đời sống no ấm, sung sướng
Trên Báo “Sự Thật” số 134 xuất bản đúng Ngày Quốc tế thiếu nhi đầu tiên (1-6-1950), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư chúc mừng các cháu thiếu niên, nhi đồng. Trong thư, Người viết: “Các cháu yêu quý! Ngày 1-6 là ngày của các cháu bé khắp cả các nước trên thế giới… Bác thương các cháu lắm, Bác hứa với các cháu rằng đến ngày đánh đuổi hết giặc Pháp, kháng chiến thành công, Bác cùng Chính phủ và các đoàn thể sẽ cố gắng làm cho các cháu dần dần được no ấm, được vui chơi, được học hành, được vui sướng”.
Trong “Thư gửi nhi đồng toàn quốc nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi” đăng trên Báo “Cứu Quốc” số 1828, xuất bản ngày 29-5-1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Ngày 1-5 là ngày mà tất cả những người lao động thế giới tỏ tình đoàn kết, đấu tranh thì ngày 1-6 là “Ngày của các cháu nhi đồng trong thế giới tỏ tình đoàn kết và sức đấu tranh của mình”. Người căn dặn thiếu niên, nhi đồng nước ta cần phải “Thi đua học tập, thi đua tăng gia sản xuất; thi đua giúp đỡ các gia đình thương binh, tử sĩ. Thế là các cháu đấu tranh”.
Dịp Tết Trung thu năm 1960, với bút danh T.L, Chủ tịch Hồ Chí Minh có bài “Nói chuyện Trung thu với các em nhi đồng” đăng trên Báo Nhân Dân số 2391, ngày 5-10-1960. Người viết: “Nhờ Cách mạng Tháng Tám thành công và kháng chiến cứu nước thắng lợi, các em đã sinh trưởng trong chế độ xã hội chủ nghĩa. Nhờ Đảng săn sóc và Đoàn giúp đỡ, các em sẽ cố gắng về mọi mặt để xứng đáng là người chủ tương lai của nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.
Ngày 15-5-1961, nhân Lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Đội Thiếu niên tiền phong Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi một bức thư cho thiếu niên, nhi đồng. Trong thư Người căn dặn: “Các cháu cũng tham gia đấu tranh bằng cách thực hiện mấy điều sau đây: Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào/ Học tập tốt, lao động tốt/ Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt/ Giữ gìn vệ sinh/ Thật thà, dũng cảm… Mai sau các cháu sẽ là người chủ của nước nhà. Cho nên ngay từ rày, các cháu cần phải rèn luyện đạo đức cách mạng để chuẩn bị trở nên người công dân tốt, người cán bộ tốt của nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, giàu mạnh”.
Dịp Quốc tế Thiếu nhi năm 1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên nhi đồng” (Báo Nhân Dân, số 5526, ngày 1-6-1969). Người khẳng định: “Nói chung trẻ con ta rất tốt” và nhắc đến các cháu thiếu nhi ở hai miền Nam, Bắc đã thi đua làm nghìn việc tốt. Do đó, Người nhấn mạnh: “Chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ...”.
Vài tháng sau bài viết trên, Chủ tịch Hồ Chí Minh về với cõi người hiền, để lại niềm tiếc thương vô hạn đối với các cháu thiếu niên, nhi đồng. Các cháu thiếu niên, nhi đồng xúc động dâng trào khi biết trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Người đã mong muốn sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi, đất nước được thống nhất thì Người sẽ đi khắp hai miền Nam Bắc để thăm hỏi các cháu thanh niên và nhi đồng yêu quý. Ở đoạn kết thúc Di chúc, Người cũng để lại muôn vàn tình thân yêu cho các cháu thiếu niên và nhi đồng.
Bởi thế, nói về tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thiếu niên, nhi đồng; nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Và các em có hiểu vì sao/ Lòng Bác mênh mông vẫn dạt dào/ Yêu nụ mầm non, yêu tuổi trẻ/ Biển thường yêu vậy sóng xôn xao. (“Theo chân Bác”, tháng 1-1970).
Huế, ngày 25-5-2022
Nguyễn Văn Toàn