Ông nói nguyên văn: “Chúng ta sợ nhất là “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ thì lúc đó khó xử lý. Chứ như với nước ngoài nửa triệu quân Mỹ và hơn một triệu quân của miền Nam Cộng hòa thì chúng ta dễ dàng xử lý và xử lý ngon lành”.
Thôi “văn nói” chữ nghĩa có lõm bõm thì cũng thông cảm, nhưng ý câu thì phải đúng. Nhất lại trong buổi truyền đạt Nghị quyết của Đảng, giảng viên lại là Trưởng ban Tuyên giáo của thành phố thì không nói một cách chủ quan như thế được.
Lịch sử các cuộc chiến tranh giải phóng và bảo vệ Tổ quốc, nhất là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã là người dân Việt Nam ai không biết sự ác liệt của cuộc chiến. Không chỉ những người trong cuộc mà cả các thế hệ sau này; không chỉ nước ta mà cả thế giới đều thấy sự hy sinh rất to lớn của quân và dân ta - sự hy sinh lớn đến mức không định lượng được.
Ngay sau khi quân Pháp thua trận ở Điện Biên Phủ năm 1954, rút quân về nước, thì Mỹ nhảy vào. Chế độ miền Nam cộng hòa do Chính phủ Ngô Đình Diệm quản lý được lập nên với sự hậu thuẫn của Mỹ. Sau Ngô Đình Diệm bị ám sát thì Nguyễn Khánh, Nguyễn Văn Thiệu lên thay.
Kể từ thời điểm đó cuộc đấu tranh giải phóng, thống nhất đất nước của quân và dân ta kéo dài 21 năm, cả dân tộc chịu rất nhiều mất mát, hy sinh. Chúng ta nhìn vào Nghĩa trang Trường Sơn và các nghĩa trang liệt sĩ từ Bắc chí Nam thì thấy rất rõ điều này. Điển hình như sự giành giật từng tấc đất của mùa hè đỏ lửa năm 1972 tại Thành cổ Quảng Trị, với sự hy sinh cực kỳ lớn của quân và dân ta, mới thấy được cuộc chiến tranh này không hề dễ dàng, đơn giản.
Để có hòa bình, thống nhất non sông đất nước, chúng ta cũng đã phải trả một cái giá rất đắt. Hàng triệu, hàng triệu người hy sinh, hàng vạn người con bị phơi nhiễm chất độc hóa học. Hàng vạn người bị thương tật suốt đời. Nhiều người mẹ mất con, vợ mất chồng để lại hậu quả, nỗi đau nối tiếp biết bao thế hệ. Cộng vào đấy là sự tàn phá, hủy diệt cầu cống, nhà máy, bệnh viện, trường học, nhà cửa, ruộng vườn thiệt hại không thể tính hết!
Từ năm 1973, sau khi Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam, sự kháng cự của quân đội miền Nam cộng hòa yếu dần, do thiếu sự hỗ trợ của quân Mỹ… Và sau này là cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, chúng ta mới giành được toàn thắng.
Sau đó là cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam chống bọn Pôn Pốt. Rồi cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc tại 6 tỉnh biên giới phía Bắc năm 1979, cũng có hàng nghìn, hàng chục nghìn người hy sinh để giữ nước. Hiện nay vẫn còn hàng chục nghìn người chưa tìm thấy hài cốt.
Như thế đủ biết, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc ta đều phải trả bằng xương máu vô cùng lớn không thể tính hết được; hậu quả của chiến tranh dường như không có số liệu cuối cùng. Chính vì thế mà việc ông N.V.H truyền đạt Nghị quyết, nói những câu chủ quan, đơn giản khiến nhiều người rất không đồng tình.
Ngày nay, chúng ta phải đẩy mạnh việc phòng chống giặc tham nhũng. Chính giặc tham nhũng đã làm suy yếu các tổ chức Đảng. Ăn ruỗng nguồn lực kinh tế quốc gia; làm băng hoại, suy đổi đạo đức, gây bất ổn và đe dọa mất chủ quyền đất nước.
Làm suyếu quốc gia dân tộc dẫn đến một bộ phận cán bộ, đảng viên “tự suy thoái, tự diễn biến”. Cuộc đấu tranh này đương nhiên cũng rất khó khăn - vì đó là cuộc đấu tranh với “thói hư, tật xấu” của chính mình - nhưng như thế không có nghĩa là đem so sánh một cách khập khiễng với cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm trường kỳ của dân tộc. Và càng không thể nói: “…Nửa triệu quân Mỹ và hơn một triệu quân của miền Nam Cộng hòa thì chúng ta dễ dàng xử lý và xử lý ngon lành”!
Khi truyền đạt nghị quyết của Đảng, vấn đề gì mình còn yếu, thiếu, còn hạn chế chưa hiểu kỹ lưỡng thì không nên phát ngôn chủ quan, đơn giản, thậm chí sai lạc!
Nguyễn Việt Tiến