Táo bón là trạng thái phân khô cứng, buồn đi mà không đi được, phải rặn mạnh, thời gian đi tiêu lâu hoặc nhiều ngày mới đi tiêu, trong điều kiện ăn uống bình thường, người bệnh có thể dễ dàng nhận ra táo bón qua các biểu hiện như ít đi cầu, đau bụng, đau đầu và đặc biệt là khó nhọc khi đi tiêu. Bệnh táo bón trên lâm sàng thấy rất nhiều, nhất là ở người cao tuổi (NCT), người béo.

Nguyên nhân gây táo bón

Theo các chuyên gia y tế, có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng táo bón nhưng với NCT, thường gặp ở một số nguyên nhân sau:

Ít vận động: Hầu hết NCT nhận thức được vận động làm cho mọi cơ quan của cơ thể hoạt động đều đặn, nhưng có những trường hợp vì lý do nào đó ít vận động, ví dụ như: Đau khớp gối mạn tính, đau lưng, chân yếu khó đi lại thì rất dễ xảy ra táo bón.

Do uống ít nước: Nhất là người có bệnh lý ở hệ thống thận tiết niệu hoặc các cụ ông có u xơ tiền liệt tuyến càng làm nảy sinh tâm lý không muốn uống nước.

Do chế độ dinh dưỡng không hợp lý: Đặc biệt là chế độ ăn ít rau xanh và hoa quả tươi, một số khác là do yêu cầu trong điều trị một bệnh nào đó nhưng người bệnh lại kiêng khem quá mức; ăn ít hoặc chán không muốn ăn nên chất cặn bã ít, phân ít không tạo được phản xạ co bóp của đại tràng gây táo bón.

Do tác dụng phụ của thuốc: Như thuốc có chất tannin, thuốc chống trầm cảm, thuốc bao bọc niêm mạc dạ dày có chứa nhôm, lạm dụng một số thuốc có tác dụng nhuận tràng...

Ngoài ra, ở NCT các khối u, polyp của đại trực tràng cũng là nguyên nhân gây táo bón kéo dài; các tổn thương thực thể ở ống tiêu hóa hoặc cơ quan lân cận nhất là bệnh lý ung thư đại trực tràng hoặc các tổn thương khác làm chít hẹp lòng đại tràng cũng gây nên bệnh táo bón.

Cách phòng bệnh táo bón

Có nhiều phương pháp đơn giản để dự phòng và điều trị táo bón ở NCT. Đầu tiên là tập thói quen đi đại tiện vào đúng một giờ nhất định, tốt nhất là vào buổi sáng. Những ngày đầu có thể cứ rèn thói quen đi đại tiện dù có muốn đi hay không. Tiếp theo là điều chỉnh chế độ ăn uống. Tạo một chế độ ăn đầy đủ về lượng, đảm bảo nhiều chất xơ như rau xanh, nguồn vitamin từ rau của quả tươi, uống đủ lượng nước theo nhu cầu. Vào buổi sáng, khi dạ dày rỗng, nên uống nước ấm hoặc nước có pha mật ong để kích thích nhu động ruột. Lượng nước uống có thể nhiều hơn bình thường một chút và không chờ có cảm giác khát mới uống do ở NCT, cảm giác khát có thể bị suy giảm.

Tăng cường các hoạt động thể chất phù hợp với sức khỏe để tăng cường trương lực cơ bụng. Hằng ngày nên tập cơ bụng bằng cách xoa từ hạ sườn phải sang hạ sườn trái xuống hố chậu trái để tăng cường nhu động ruột.

Điều trị tốt các bệnh mạn tính kèm theo hoặc các bệnh là nguyên nhân gây táo bón như suy giáp. Chú ý tới tác dụng phụ gây táo bón của một số loại thuốc như thuốc giãn phế quản.

Luôn giữ cho tinh thần được sảng khoái, vui vẻ, giảm stress.

Cuối cùng, có thể dùng các thuốc nhuận tràng giúp cho việc đại tiện được dễ dàng. Cá biệt có trường hợp táo bón quá nặng phải dùng phương pháp thụt tháo để tống phân ra ngoài.

Thành An