Chiến tranh đã qua, biết bao người lính chiền đấu vì hòa bình, độc lập cho Tổ quốc; có người đã hy sinh, có người được trở về lành lặn, nhưng cũng không ít người đã để lại một phần cơ thể nơi chiến trường. Trở về quê hương, họ không chịu đầu hàng trước số phận, dù khó khăn thế nào cũng quyết tâm học tập, lao động để xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu mạnh hơn. Tiêu biểu cho là CCB, nạn nhân chất độc da cam (NNCĐDC) - Nguyễn Hữu Dần, người con của mảnh đất Mê Linh, Hà Nội.
Theo bước chân Thường trực Hội NNCĐDC/dioxin huyện Mê Linh, T.P Hà Nội, tôi có dịp về thăm mô hình phát triển kinh tế dịch vụ vận tải của gia đình ông Nguyễn Hữu Dần, thôn 4 - xã Thạch Đà. Ông Dần là một trong những điển hình về tấm gương CCB mang trong mình chất độc da cam vươn lên làm kinh tế giỏi.
Con đường đê dưới cái lạnh của những cơn mưa phùn dường như không ngăn được bước chân của những CCB một thời từng “vào sinh ra tử” tìm đến nhau. Đón chúng tôi trước căn nhà 3 tầng bề thế, đang trong giai đoạn hoàn thiện là người đàn ông nhanh nhẹn, hoạt bát, với nụ cười tươi đậm chất lính. Ông dẫn chúng tôi đi thăm “cơ ngơi” dám làm thậm chí là dám chấp nhận mạo hiểm...
Năm 1968, khi vừa tròn 18 tuổi, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai thanh niên Nguyễn Hữu Dần tình nguyện nhập ngũ. Ban đầu, ông là lính Thông tin, sau chuyển sang Binh chủng Công binh. Sau 4 năm “cắm chốt” tại con đường huyết mạch với 2 trọng điểm Dốc Đá và Con Mèo ác liệt, ông được rút về đơn vị chuyên thiết kế những công trình công binh. Những năm tháng chiến tranh ác liệt với bao thử thách, hiểm nguy đã tôi luyện bản lĩnh của người lính trẻ.
Chiến tranh kết thúc, ông giải ngũ trở về địa phương. Hơn 1 năm sau thì cưới vợ, sinh con. Đứa con đầu lòng chào đời cũng là lúc lo cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên đôi vai vợ chồng trẻ. Với bản lĩnh của người lính, ông đã bươn chải đủ thứ nghề, theo cánh thợ làng đi xây dựng ở hết tỉnh này đến tỉnh khác.
Sau gần 20 năm lặn lội, từ chân phụ vữa ông đã trở thành thợ cả lành nghề, tuy nhiên những đồng tiền kiếm được cũng chẳng đủ cho sinh hoạt hằng ngày. Nhìn vợ con nheo nhóc, ông quyết tâm bằng mọi giá phải vươn lên thoát nghèo.
Nói là làm, năm 1997, ông dồn hết vốn liếng cộng với tiền vay mượn chuyển sang nuôi gà thịt bán ra thị trường. Công việc đang suôn sẻ thì cuối năm 1998, dịch bệnh bùng phát, đàn gà chết hàng loạt khiến ông lâm vào cảnh trắng tay.
Nhận thấy vùng đất bãi là vùng đất thấp, nhiều hộ có nhu cầu lấp ao, cải tạo đất, ông bỏ nuôi gà, tập trung vốn liếng mua xe về phục vụ. Trải qua nhiều khó khăn từ chở xe bò, xe kéo, cuối cùng ông đã có một chiếc công nông do ông tự chế sau một thời gian tìm tòi, học hỏi. Đó cũng là chiếc công nông đầu tiên của xã lúc bấy giờ. Nhờ có xe công nông mà kinh tế gia đình ông được cải thiện rõ rệt.
Năm 2008, khi Nhà nước xóa bỏ xe tự chế, ông là người đi đầu hưởng ứng. Sau khi bàn bạc với gia đình, ông quyết tâm mua ô tô tải thay thế. Lúc ấy dồn hết vốn liếng vẫn còn thiếu 80 triệu đồng, ông phải cầm cố đất đai, nhà cửa để mua xe. Trời không phụ công người có chí. Sau 3 nãm kiên trì chạy xe, không những gia đình ông trả hết nợ mà còn mua thêm đựợc một chiếc xe tải 7 tấn. Công việc làm ăn thuận lợi, với sự cần cù, chịu khó, tới nay gia đình ông đã mua thêm được 3 chiếc xe, nâng tổng số xe lến 5 chiếc. Hiện nay, bên cạnh với mô hình dịch vụ vận tải, buôn bán vật liệu xây dựng, cát, sỏi gạch ngói... ở địa phương và các xã lân cận, gia đình ông còn cung cấp dịch vụ sang các huyện khác, nhờ đó mà công việc luôn ổn định, thu nhập của gia đình ngày càng khấm khá. Mỗi năm nguồn thu từ dịch vụ vận tải của gia đình ông tới 400 triệu đồng; góp phần giải quyết việc làm cho 9 lao động tại địa phương với mức lương từ 4-9 triệu đồng/người/tháng.
Không chỉ làm giàu bằng dịch vụ vận tải, ông Dần còn thành công trong mô hình trồng bưởi Diễn; với 7 sào đất vườn ông đã đầu tư trồng 120 gốc bưởi Diễn. Tới nay, sau 15 năm vườn bưởi của ông cho thu nhập ổn định, chất lượng bưởi được thị trường ưa chuộng, mỗi năm trừ chi phí cũng thu về hơn 100 triệu đồng.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Dần còn đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng trong xã, là người tận tâm trách nhiệm hết lòng vì công việc được giao. Ông Dần được bà con tin tưởng bầu vào Ban Thanh tra Hội đồng Nhân dân xã, Chi hội trưởng Chi hội CCB thôn 4, Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin xã Thạch Đà, trong công việc ông luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ được cấp trên đánh giá cao.
Nói về hội viên làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Văn - Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin Huyện Mê Linh cho biết: “CCB Nguyễn Hữu Dần là một trong những hội viên làm kinh tế giỏi. Trên cương vị Chủ tịch Hội NNCĐDC/dioxin xã Thạch Đà, ông Dần còn tham gia các phong trào của địa phương, của Hội, nhất, là giúp hội viên làm kinh tế, giúp giải quyết việc làm cho con cháu hội viên xã Thạch Đà vươn lên thoát nghèo cũng là mô hình cần nhân rộng trong Hội huyện Mê Linh”.
Với những thành tích đạt được, nhiều năm liền ông được các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể tặng Bằng khen, Giấy khen. Năm 2014 CCB Nguyễn Hữu Dần được Hội Nông dân huyện tặng Giấy khen Nông dân làm kinh tế giỏi...
Ngô Đức Thuận