Sau những năm tháng phục vụ trong quân đội, cuối năm 1993, anh Lê Văn Nam được xuất ngũ, về lại quê hương An Lưu, Phường Hòa Qúy, quận Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng và sống bằng nghề nông. Đến năm 1995, anh lấy vợ là chị Trần Thị Kim Liên, người cùng quê. Với hoàn cảnh cha mẹ 2 bên đều nghèo khó nên vợ chồng anh phải tự bươn chải với cuộc sống ngay từ những ngày đầu cưới nhau. Ruộng đất ít ỏi, anh phải đi làm gạch thuê kiếm sống qua ngày. Rồi lần lượt những đứa con yêu quý của anh chị ra đời, cuộc sống càng khó thêm.
Với nghị lực của người lính và trách nhiệm với vợ con, có thể nói, anh cùng vợ làm bất cứ việc gì không kể sớm hôm, mưa nắng để có đồng tiền trang trãi cho cuộc sống gia đình hằng ngày và lo cho các con được học hành. Đến năm 2004, anh chị vay mượn ít tiền của người thân, quyết định đầu tư nuôi vịt thả đồng, ban đầu chỉ vài chục con, sau dần lên 200 con rồi gần cả ngàn con. Sau nhiều năm lăn lộn với 2 sào ruộng cấy và đàn vịt, anh chị tích cóp được số tiền nhỏ, đặc biệt là tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi vịt, từ việc chọn con giống, thức ăn, phòng tránh dịch bệnh đến kinh nghiệm nuôi vịt sinh sản, từ nuôi vịt thả đồng đến nuôi vịt ven sông. Năm 2014, anh chị quyết định tăng đàn vịt, nhưng ngặt nỗi số tiền danh dụm quá ít, không đủ để thực hiện ý định của mình. Cũng may, trong lúc loay hoay với nguồn vốn, thông qua Hội CCB Phường, anh được vay vốn ưu đãi hộ nghèo 50 triệu đồng, lãi suất thấp của Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH). Có nguồn vốn ưu đãi đã tiếp sức cho anh chị trong việc nâng tổng đàn vịt, có lúc lên đến 3.200 con. Vịt càng ngày càng lớn, anh chị bán được vài lứa. Chưa kịp vui, trong 2 năm 2014-2015, dịch bệnh đã cướp đi của anh chị hơn ngàn con vịt đang độ lớn, mất đứt gần 100 triệu đồng. Mất ăn, mất ngũ với những mất mát quá lớn lại thêm tiền gốc và lãi phải trả ngân hàng, rồi tiền thức ăn, tiền thuốc phòng bệnh cho vịt đến hạn phải trả, đã nghèo lại gặp cái eo, bao nhiêu thứ phải suy nghĩ, có lúc anh chị quẫn trí nhưng CCB Lê Văn Nam tâm sự : “ Nuôi vịt là không kể ngày đêm, cực kỳ vất vã, nhưng rủi ro dịch bệnh, ai biết được. Cứ cho mất mát nầy như một thử thách phải vượt qua. Lúc khó khăn nầy không thể ngồi than thở mà phải quyết tâm làm lại”. Số tiền vay Ngân hàng sau khi trả được một phần, còn một ít, anh mượn anh em, đồng đội để trả nốt và mạnh dạn vay lại 50 triệu để đầu tư tái đàn. Tính từ năm 2014 đến nay, anh chị cứ vay rồi trả, lúc cần lại vay cả thảy 4 lần từ NHCSXH. Trời cũng thương cho người nghèo nhưng giàu ý chí như vợ chồng anh, từ năm 2015 đến nay, mỗi năm, anh chị cũng xuất bán được vài ngàn con vịt. Sau khi trừ chi phí và trả nợ Ngân hàng, vợ chồng anh cũng thu lãi ròng mỗi năm khoảng 100 triệu. Có chút vốn, năm 2016, vợ chồng anh bỏ ra 44 triệu mua 10 con dê sinh sản. Sau khi bán dê con thu hồi lại vốn, hiện nay, tổng đàn dê của anh đã lên đến 45 con. Riêng tiền lãi từ dê mỗi năm cũng được trên 70 triệu đồng.
Hôm chúng tôi đến thăm, vợ chồng anh và con gái đang chích thuốc phòng bệnh cho vịt ngoài ven sông. Ngồi kể chuyện làm đồng, chăn vịt, nuôi dê, anh còn khoe ngoài vịt, dê, anh chị còn nuôi thêm hàng chục con bò và cho xuất chuồng 600 con gà cách đây mấy hôm, thu được 60 triệu đồng. Như vậy, cả vịt, dê, bò, gà, mỗi năm anh chị cũng thu được vài trăm triệu nếu mưa thuận, gió hòa, không dịch bệnh gì. Từ kết quả lao động, gia đình anh chị được công nhận thoát nghèo từ năm 2018 một phần cũng nhờ vào nguồn vốn ưu đãi của NHCSXH.
Có thu nhập chính đáng từ sức lao động của mình, không chỉ trang trãi cho cuộc sống hằng ngày, gia đình CCB Lê Văn Nam đã chăm lo cho 4 đứa con học hành đến nơi, đến chốn, riêng cô chị cả đã lập gia đình riêng.
Không chịu cảnh nghèo khó, với nghị lực và bản lĩnh của người lính, CCB Lê Văn Nam là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần vượt khó, lao động cần cù, sáng tạo, sống có trách nhiệm và nhân cách của người lính Cụ Hồ.
NGUYỄN PHÁT