CCB Trần Văn Tắc (quê xã Giao Thanh, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đủ 18 tuổi, tình nguyện nhập ngũ. Từ bộ đội Miền chốt giữ tại núi Bà Đen, anh trở thành chiến sĩ Đoàn pháo binh Biên Hòa rồi về đơn vị Kiểm soát quân sự T.P Hồ Chí Minh, sau đó học Trường sĩ quan Hải quân. Do điều kiện sức khỏe, năm 1980, anh chuyển ngành về Công ty Da Sài Gòn. “Phải có kiến thức mới làm tốt công việc”, nghĩ vậy anh vừa làm, vừa học Khoa Hóa, Trường đại học Bách khoa T.P Hồ Chí Minh. Được lãnh đạo Công ty tin tưởng, anh đi khắp các tỉnh thu mua da trâu, da bò để xuất khẩu. Có năm mua hàng trăm tấn. Nghề dạy nghề, kiến thức về ngành da cứ bồi đắp dần cho anh. Khi thị trường làm giày có nhu cầu lớn về làm đế, anh lập cơ sở chuyên sản xuất đế giày. Bạn hàng truyền thống của anh là Công ty Giày Hiệp Hưng. Nhờ năng khiếu và giàu sáng tạo, ham nghiên cứu lại rất tinh ý nên anh có thể sản xuất mọi loại đế đáp ứng nhu cầu thị trường. Ấn tượng nhất là công trình tặng công nghệ làm đế giày mới cho Công ty Giày Hiệp Hưng. Khoảng năm 1990, ông Nguyễn Cao Tường - Tổng giám đốc Công ty Giày Hiệp Hưng tìm gặp Trần Văn Tắc. “Anh có việc rất quan trọng muốn nhờ đến chú. Có khách hàng Thái Lan đặt anh làm loại đế này, nếu làm được, họ sẽ mua mỗi năm một triệu đôi”. Cầm mẫu trên tay, Trần Văn Tắc thấy đế màu hổ phách, có độ mài mòn, đàn hồi thích hợp. Không nói ra nhưng trong đầu anh đã đoán định dùng những phụ gia nào, tỷ lệ bao nhiêu cán với cao su nguyên chất. Ngay trong đêm, Trần Văn Tắc tập trung nghiên cứu, rồi đưa các phụ gia, hóa chất vào cán, sấy…Anh tìm mua các loại sách nước ngoài thuê người dịch, rồi nghiên cứu, làm thử... Vài hôm sau Trần Văn Tắc gửi toàn bộ công thức pha chế, chuyển giao công nghệ cho Công ty Giày Hiệp Hưng sản xuất hàng loạt.
Hiện nay trên khuôn viên 65.000m2, với hơn 1.600 công nhân, Công ty Giày Tuấn Việt của CCB Trần Văn Tắc sản xuất 2,5 triệu đôi giày/năm, doanh thu hơn 600 tỷ đồng. Anh kể: Việc Công ty chúng tôi có nguồn hàng ổn định và uy tín như hiện nay không hề ngẫu nhiên. Đó là kết quả của nhiều mồ hôi, công sức. Gần 10 năm nay chúng tôi sản xuất cho Hãng giày thể thao SUPERGA của Ý. Hãng này tồn tại 105 năm nay. Trước đây có một công ty Hàn Quốc làm hàng này hơn 60 năm, nay Hãng muốn mở rộng sản xuất nên tìm đến tôi, đưa ra mẫu đế. Mẫu này cao cấp hơn mẫu tôi làm cho Hiệp Hưng. Đế cũng có màu hổ phách, nhưng trong hơn, bảo đảm đàn hồi, ma sát tốt hơn. Tôi lại lao vào nghiên cứu. Sau hơn 3 tháng tôi mới tìm ra công thức. Xem mẫu, họ ưng ý ngay và đặt thử 5.000 đôi. Từ đó họ đặt số lượng cứ tăng dần. Là công nghệ Việt nên từ năm 2008 chúng tôi trực tiếp xuất hàng đi hơn 50 nước rồi báo cho SUPERGA ở Ý biết số lượng để họ hưởng hoa hồng.
Năm 2006, Công ty Giày Tuấn Việt trở thành nơi sản xuất giày lưu hóa. Cả nước có 650 nhà máy làm giày thì chỉ có trên 10 nhà máy làm giày lưu hóa. Tuấn Việt là doanh nghiệp nội địa duy nhất có sản phẩm bán trong siêu thị Vincom và tham gia chương trình bình ổn thị trường của T.P Hồ Chí Minh. Hằng năm Công ty của CCB Trần Văn Tắc nộp vào ngân sách hơn 10 tỷ đồng và tích cực làm nghĩa vụ với địa phương. Anh vừa tặng xã Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch một căn nhà tình nghĩa. Năm nào anh cũng làm nghĩa cử này ở nhiều nơi. Năm trước, tại Nha Trang, họp mặt các CCB giải phóng Trường Sa năm 1975, anh tặng các đồng đội những đôi giày Tuấn Việt. Ấn tượng nhất là anh tổ chức cho hơn 20 cặp vợ chồng các bạn đồng ngũ từ quê hương vào thăm chiến trường xưa Tây Ninh và T.P Hồ Chí Minh, Bình Dương… Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua, anh gửi tặng Trường THCS Giao Thanh, huyện Giao Thủy 50 triệu đồng để nhà trường kỷ niệm ngày truyền thống; tài trợ cho cuộc thi Sinh viên thanh lịch 2016 của Đại học Sân khấu điện ảnh T.P Hồ Chí Minh. Vợ chồng anh và các con luôn sống trong niềm vui gia đình hạnh phúc.
Có người bảo anh là người có công “nâng bước” giày Việt ra thế giới. Tôi thì nghĩ rằng: Anh thực sự là doanh nhân CCB thành đạt, giàu lòng nhân ái, giữ trọn tình nghĩa với quê hương, đồng đội...
Bài và ảnh: Đào Văn Sử